Bộ Tài chính đang hoàn thiện các văn bản để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi khung thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên. Theo đó, thuế đánh vào khai thác nhiều loại tài nguyên khoáng sản sẽ tăng mạnh, có loại gấp 5 lần so với mức hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng khung thuế suất chủ yếu đối với kim loại vì đây là loại tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và không tái tạo được. Việc nâng thuế sẽ hạn chế tình trạng khai thác ồ ạt, bừa bãi tài nguyên.
Theo đó, việc điều chỉnh thuế suất được dự kiến như sau: thuế đối với thoáng sản kim loại tăng từ 1-5% lên 10-30%; khoáng sản không kim loại tăng từ 1-5% lên 5-10%. Nhóm tài nguyên đá quý từ 3-8% tăng lên 5-20%; than từ 1-3% lên 5-20%; khí thiên nhiên từ 0-10% tăng lên 6-25% (bằng dầu mỏ).
Cũng theo Bộ Tài chính, việc nâng thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản còn góp phần tăng thu ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác. Bên cạnh đó, còn khiến các doanh nghiệp khai thác tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí và tập trung đầu tư vào chế biến sâu, góp phần bảo vệ và nâng cao giá trị tài nguyên.
Nếu thực hiện khung thuế suất thuế tài nguyên dự kiến sửa đổi thì thuế tài nguyên đối với khoáng sản sẽ tăng lên đáng kể: mangan và sắt 30.000-75.000 đồng/tấn (hiện hành cùng ở mức 15.000 đồng/tấn); chì 40.000-66.000 đồng/tấn (hiện hành 20.000 đồng/tấn); kẽm 80.000-195.000 đồng/tấn (hiện hành 40.000 đồng/tấn); đồng 200.000-600.000 đồng/tấn (hiện hành 100.000 đồng/tấn); thiếc 1.300.000-3.900.000 đồng/tấn (hiện hành 650.000 đồng/tấn); than 20.000-80.000 đồng/tấn (hiện hành 4.000-6.000 đồng/tấn)…
Với mức thuế hiện hành, bình quân mỗi năm ngân sách thu về trên 6.500 tỷ đồng thuế tài nguyên, trong đó số thu từ dầu khí là 6.200 tỷ đồng.
(Theo VietNamNet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com