Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DN chưa giải quyết xong công nợ: Không cho giám đốc về hưu?

Ông Khôi đang trình bày sự việc với phóng viên DĐDN
Ông Khôi đang trình bày sự việc với phóng viên DĐDN

Gần 3 năm qua, ông Dương Văn Khôi - nguyên Giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 1 thuộc Cty COMA 3 xin nghỉ hưu theo chế độ nhưng chưa được Cty giải quyết. Lý do Cty COMA 3 đưa ra, vào thời điểm năm 2001 ông Khôi làm Giám đốc Xí nghiệp 1, xí nghiệp còn bị “treo” một khoản nợ chưa thanh quyết toán với Cty.

Nguyên giám đốc Dương Văn Khôi đã được Hội đồng giám định y khoa xác nhận là mất 61% sức khỏe, không đủ điều kiện để lao động, cần được nghỉ theo chế độ. Tuy nhiên, Cty COMA 3 buộc ông này phải giải quyết xong công nợ của DN mà mình đã không còn là giám đốc từ 5 năm nay mới cho về hưu.

3 năm 3 lần xin nghỉ hưu

Tháng 8/2000 ông Dương Văn Khôi được TCty Cơ khí xây dựng bổ nhiệm làm GĐ Xí nghiệp xây dựng số 1 thuộc COMA 3 với nhiệm kỳ 5 năm. Đến quý II năm 2004, Cty COMA 3 được cổ phần hóa, ông Khôi thôi giữ chức Giám đốc Xí nghiệp 1. Theo ông Khôi, trong sổ sách Cty lúc này không ghi khoản nợ nào của ông với Cty. Ngày 30/11/2004, ông Đỗ Trung Hùng - TGĐ Cty COMA 3 sau khi CP hóa, đã chủ trì cuộc họp về vấn đề tài chính của Xí nghiệp xây dựng số 1. Cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của ban Lãnh đạo Cty và những người có liên quan, trong đó có ông Khôi. Tại đây, ông Khôi đã bác bỏ, không ký nhận vào biên bản các khoản nợ. Vì theo ông Khôi, đây là lỗ của các năm trước.

Cũng theo ông Khôi, sau khi Cty COMA 3 cổ phần hóa, ông về làm cán bộ của Cty và nhận thấy sức khỏe không được tốt, hay bị đau ốm, không đảm bảo công việc được giao. Vì vậy, ngày 25/12/2006, ông Khôi đã viết đơn gửi Cty COMA 3 xin được nghỉ hưu và được TGĐ COMA 3 chuyển Phòng Tổ chức hành chính (TCHC) giải quyết theo quy định hiện hành. Nhưng Phòng TCHC lại trả lời là “còn vướng mắc về tài chính”.

Đến tháng 12/2007, ông Khôi tiếp tục gửi đơn đến Cty xin nghỉ hưu, lúc này TGĐ Cty COMA 3 là ông Đoàn Xuân Trường tiếp nhận và phê gửi Phòng TCHC và Phòng Kế toán tài chính (KTTC) giải quyết theo chế độ Nhà nước. Sau khi tiếp nhận đơn của ông Khôi, Phòng KTTC đã có văn bản gửi TGĐ và trưởng phòng TCHC. Theo đó, ông Khôi còn nợ 4 khoản tiền gồm: Hơn 400 triệu đồng VN theo biên bản làm việc 30/11/2004, 392 triệu đồng VN trong biên bản kết luận kiểm tra dư nợ tạm ứng ngày 23/7/2007, nợ nhà máy bê tông và Cty XD Xuân Mai đến ngày 24/11/2003 hơn 204 triệu đồng VN, nợ Cty Thi công cơ giới và lắp máy Comal 227 triệu đồng VN. Trả lời về việc nợ đọng tài chính trên, ông Khôi đã có đơn giải trình và Cty đã tổ chức họp giải quyết về vấn đề tài chính của ông Khôi nhưng vẫn đi vào “bế tắc”.

Tháng 2/2009 ông Khôi lại một lần nữa gửi đơn xin nghỉ hưu tới Cty COMA 3 nhưng việc nghỉ hưu của ông Khôi đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tách bạch công nợ với chế độ hưu

Ông Trần Như Hưng – Chủ tịch BCH Công đoàn TCty Cơ khí xây dựng đã có Công văn số 24 ngày 8/4/2009 yêu cầu: “Ban Chấp hành Công đoàn Cty COMA 3 phối hợp với Lãnh đạo đơn vị tìm giải pháp giải quyết dứt điểm theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Các vấn đề liên quan đến kinh tế, công nợ giữa cá nhân người lao động với Cty (nếu có) đề nghị Cty căn cứ theo Luật Khiếu nại tố cáo, Luật DN và các quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết”.

Thực tế nếu đây là việc công nợ giữa Xí nghiệp xây dựng số 1 với Cty COMA 3 thì ông Khôi cũng không còn khả năng để giải quyết. Còn nếu đây là khoản nợ giữa ông Khôi và Cty thì cũng đã có Luật DN, Luật Dân sự điều chỉnh. Ông Phạm Việt Hùng – Uỷ viên HĐQT, Trưởng ban kiểm soat TCty Cơ khí xây dưng cũng có Công văn số 944, ngày 18/5/2009 đề nghị: “Cty COMA 3 xem xét giải quyết dứt điểm các nội dung khiếu nại của ông Khôi. Nếu còn vướng mắc các vấn đề về tài chính mà không được sự hợp tác giải quyết của ông Khôi thì COMA 3 có thể đưa sự việc ra trước pháp luật để giải quyết, bảo vệ quyền lợi của cổ đông và Nhà nước”.

Việc xin nghỉ hưu của ông Khôi cần được giải quyết theo đúng Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Tại văn bản gửi Công đoàn Cty COMA 3, ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội đã khẳng định: “Việc giải quyết công nợ giữa người lao động với Cty không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội. Đối với lao động có nguyện vong nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội thì Cty thực hiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội”.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo DĐDN mới đây, đại diện Cty COMA 3 ông Trần Lương Tâm – Trưởng ban kiểm soát cũng chưa đưa ra được hướng giải quyết cụ thể cho vụ việc. Ông Tâm vẫn chỉ nói một câu quen thuộc: “Chúng tôi đang xem xét giải quyết!”.

Theo LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS Hà Nội, việc giải quyết công nợ của DN và việc giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động là hai vấn đề khác nhau. Trường hợp người lao động xin nghỉ hưu thì giải quyết theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Còn việc giải quyết công nợ đã có quy định của Luật DN, Luật Dân sự... Không nên đánh đồng hai việc thành một. Ông Khôi có về hưu thì trách nhiệm dân sự vẫn còn. Việc Cty COMA 3 không giải quyết chế độ hưu cho ông Khôi là vi phạm Luật Lao động. 

(Theo Khắc Lãng – Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Hà Nội: Thực hiện thí điểm kê khai thuế qua mạng
  • 12 năm tù giam cho 7 đối tượng phá hủy trạm BTS Viettel tại Hải Phòng
  • Ga Sóng Thần: Muốn thuận lợi phải... chung chi
  • Khởi tố vụ kinh doanh phân bón giả
  • Gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử 10 năm tù
  • Chọn hình thức nào?
  • Đợi... luật
  • Bắt băng nhóm chuyên sử dụng ôtô đi trộm cắp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%