Chiều 22/7, ông Phạm Xuân Thủy (trước đây là cán bộ đại diện của Hamex, và mới đây là đại diện cho Thanglongmex tại Thanh Hoá trong vụ “Cho lao động đi tàu bay giấy”) đến gặp phóng viên Tiền Phong.
Kết thúc vụ “Cho lao động đi tàu bay giấy” , lao động nhận được tiền còn Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cùng các Cty họp rút kinh nghiệm. Ảnh: Hoàng Lam |
“Tôi không khiếu nại bất kỳ điều gì. Tôi muốn giải quyết dứt điểm vụ việc càng nhanh càng tốt. Lỗi của ai không quan trọng nữa, tôi chịu trách nhiệm và hoàn trả toàn bộ tiền cho lao động Thạch Thành, Thanh Hóa trước ngày 30/7”- Ông Thủy nói như cam đoan với PV Tiền Phong.
Trước đó, ông Thuỷ đã viết cam đoan với lao động, cam kết cùng hai Cty kia giải quyết dứt điểm những gì liên quan tài chính đối với lao động. Mấy ngày nay, ông Thuỷ đã trả tiền cho lao động (kể cả những lao động tự huỷ chuyến bay). “Chỉ còn mấy lao động nữa thôi” - Ông Thủy nói.
Ông Thủy đã đọc bài Những thủ đoạn chia chác tinh vi (Tiền Phong số 203, ngày 22/7) và cảm thấy được an ủi khi báo chí thấu hiểu phần nào thân phận cán bộ chi nhánh (hay còn gọi Người đại diện như Tiền Phong phân tích) mỗi khi xuất khẩu lao động xảy ra chuyện.
Chúng tôi nhận thấy từ ông Thủy sự thành thực, thoáng chút mệt mỏi và cam chịu làm vật hy sinh trong chuyện này.
“Thanglongmex đã đình chỉ công tác đối với tôi. Nếu người ta không cho tôi thôi việc thì tôi cũng xin nghỉ. Tôi muốn ra khỏi công việc này. Sự việc báo nêu là một tai nạn mà tôi cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Tôi chịu sức ép từ dư luận và gia đình thế là đủ...”.
Chúng tôi biết ông Thủy có nhiều ấm ức khi phải một mình nhận hết trách nhiệm, nhưng ông từ chối cung cấp thông tin với báo chí. Ông Thủy chỉ mong ra khỏi vụ này một cách đàng hoàng. Đó có lẽ cũng là cách ông Thủy nói lời tạm biệt, rời khỏi lĩnh vực xuất khẩu lao động mà theo ông là quá mệt mỏi.
Theo một nguồn tin từ Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hôm nay (23/7) sẽ có cuộc họp giữa Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Hamex và Thanglongmex bàn rút kinh nghiệm trong vụ việc Tiền Phong nêu.
Như vậy, vụ Cho lao động đi “tàu bay giấy” khép lại bằng việc lao động đã và chắc chắn nhận được tiền của mình (cả gốc lẫn lãi).
Tuy nhiên, có việc còn quan trọng hơn tiền là, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, các Cty xuất khẩu lao động rút ra bài học gì từ thực tiễn sinh động này để tình trạng đổ bể trong xuất khẩu lao động không tái diễn.
(Theo Lê Đạt // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com