Lợi dụng chính sách thông thoáng về thu hút đầu tư, từ tháng 7-2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 41 doanh nghiệp "ma" được thành lập với mục đích buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Tình trạng này rất cần được các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Từ việc thuê nông dân làm giám đốc...
Lần theo hồ sơ thành lập doanh nghiệp do các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cung cấp, chúng tôi về thôn Ðại Ðồng, xã Ðồng Gia, huyện Kim Thành, để tìm gặp chị Lương Thị Lướt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Liên Hòa. Từ đồng chí Chủ tịch UBND xã Ðồng Gia đến người dân địa phương đều rất bất ngờ khi biết tin chị Lương Thị Lướt làm "giám đốc".
Gặp chúng tôi, chị Lướt kể: Cuối năm 2008, tôi được vợ chồng ông Việt ở xã Ðại Ðức (Kim Thành) đến nhà bảo "Em làm giám đốc cho anh, anh trả lương ba triệu đồng/tháng, thêm thu nhập để nuôi các cháu". Sau đó, ông Việt bảo tôi cho mượn chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và đưa tôi lên Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tôi có ký tên vào một số giấy tờ tại đây nhưng không nhớ là những giấy tờ gì. Ông Việt tiếp tục đưa tôi đến Chi cục Thuế TP Hải Dương để làm thủ tục mua một quyển hóa đơn GTGT. Sau đó, tôi đưa toàn bộ giấy tờ liên quan, hóa đơn GTGT cho ông Việt quản lý. Ðối với các tờ kê khai thuế GTGT hằng tháng, tôi không ký và không biết gì hết. Ðến tháng 3-2009, tôi báo với ông Việt là không làm "giám đốc" nữa.
Trưởng công an xã Ðồng Gia Nguyễn Văn Vui nói với chúng tôi rằng việc chị Lướt làm "giám đốc" hay bị người khác thuê làm "giám đốc" thì chính quyền địa phương cũng không biết.
Việc anh Cao Văn Thanh, ở xã Thất Hùng (Kinh Môn) được người khác thuê làm Giám đốc Công ty TNHH Văn Thanh trong tình huống đặc biệt. Anh Thanh kể: "Tôi gặp anh Lực (không nhớ địa chỉ anh Lực ở đâu) tại quán cơm gần ga Phú Thái (Kim Thành). Anh Lực nói cho mượn chứng minh thư nhân dân và ký tên khống vào bốn tờ giấy trắng khổ A4. Sau đó, anh Lực đưa tôi lên TP Hải Dương gặp anh Phùng (không nhớ anh Phùng ở đâu, làm gì) để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tiếp đến, tôi lại đi theo một người khác có tên là Phương (không biết địa chỉ, nơi công tác của chị Phương) đến Chi cục Thuế TP Hải Dương để làm thủ tục mua hai quyển hóa đơn GTGT. Tôi được "trả lương" ba triệu đồng/tháng, đến tháng thứ ba thì tôi không được nhận lương nữa và không liên lạc với người thuê làm "giám đốc"".
Ðây chỉ là hai trong số nhiều giám đốc "doanh nghiệp ma" mà chúng tôi được biết. Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hải Dương Lê Thị Dương, tính từ tháng 7-2008 đến nay, qua kiểm tra, Cục Thuế tỉnh đã phát hiện 41 doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Ðặc điểm của những người được thuê làm "giám đốc" đều có trình độ văn hóa và hiểu biết xã hội thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ (Cục Thuế tỉnh Hải Dương) Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm: Cơ quan chức năng còn phát hiện có trường hợp thiểu năng trí tuệ, con nghiện nhưng vẫn được thuê làm "giám đốc" doanh nghiệp. Tình trạng thuê nông dân làm "giám đốc" doanh nghiệp xảy ra nhiều nhất tại các xã Kim Tân, Ðồng Gia, Kỳ Côi, Ðại Ðức, Bình Dân, Kim Ðính (Kim Thành), Hiến Thành (Kinh Môn)...
...Ðến tình trạng buôn, bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp
Theo Cục Thuế tỉnh Hải Dương, 41 "doanh nghiệp ma" này đã sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp để mua hàng hóa, dịch vụ trị giá hơn 952 tỷ đồng, với số tiền thuế GTGT 69 tỷ đồng; số hàng hóa, dịch vụ bán ra trị giá hơn 976 tỷ đồng, với số tiền thuế GTGT hơn 67 tỷ đồng; trong số hơn 976 tỷ đồng doanh số bán ra, các doanh nghiệp tự xuất khống cho nhau hơn 88,3 tỷ đồng, với số tiền thuế GTGT hơn 6,6 tỷ đồng. 22 doanh nghiệp trong 41 "doanh nghiệp ma" bị các đối tượng từ TP Hải Phòng thuê người dân ở các huyện của tỉnh Hải Dương làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Những người được thuê làm "giám đốc" đều trực tiếp ký tên vào các loại giấy tờ liên quan thành lập doanh nghiệp như giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu, mua hóa đơn GTGT; sau đó bàn giao lại toàn bộ cho những người làm môi giới.
Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ Cục Thuế tỉnh Hải Dương Nguyễn Hồng Thái cho rằng: Thủ đoạn thành lập "doanh nghiệp ma" để sử dụng bất hợp pháp hóa đơn GTGT hết sức tinh vi. Các đối tượng tổ chức đường dây gian lận thuế qua nhiều khâu và nhiều doanh nghiệp trung gian ở nhiều địa phương nhằm gây khó khăn cho công tác kiểm tra, điều tra xác minh của cơ quan thuế, cơ quan công an. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải vất vả thanh tra, kiểm tra toàn diện ở nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều địa phương mới xác định được đầy đủ hành vi vi phạm. Nguy hiểm hơn, có doanh nghiệp một mặt mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, nhưng mặt khác lại chủ động có công văn đề nghị cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp xuất hóa đơn xác nhận quan hệ mua, bán và đã kê khai thuế đầu ra để đối phó với cơ quan thuế trực tiếp quản lý mình.
Ðến nay, nhiều doanh nghiệp mua, bán hóa đơn thuế đã bỏ trốn. Ngành thuế tỉnh Hải Dương phát hiện, xác minh, chuyển hồ sơ đến công an tỉnh năm doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Hồng Xuyến, Công ty TNHH một thành viên Sông Hương, Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Chiến, Doanh nghiệp tư nhân Minh Tuấn, Công ty TNHH một thành viên Thanh Xuân. Doanh số lưu chuyển qua hóa đơn chứng từ của các doanh nghiệp này hơn 30 tỷ đồng, với tiền thuế GTGT 1,5 tỷ đồng. Cục Thuế tỉnh đang phối hợp các ngành liên quan xác minh làm rõ 26 doanh nghiệp khác có dấu hiệu vi phạm hóa đơn để gian lận thuế. Một số doanh nghiệp xuất khống nhiều hóa đơn GTGT như: Công ty TNHH một thành viên Cường Hàng (TP Hải Dương) từ giữa năm 2008 đến nay, doanh số phát sinh qua hóa đơn hơn 130 tỷ đồng, tiền thuế 26 tỷ đồng; Công ty Hùng Cường (TP Hải Dương) doanh số phát sinh 55,9 tỷ đồng, 11 tỷ đồng tiền thuế.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Trả lời câu hỏi này, Trưởng phòng Ðăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hải Dương Hoàng Ðình Tính cho rằng: "Việc cải cách hành chính trong cấp phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu nhằm giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng tỉnh triển khai từ nhiều năm nay. Lợi dụng chính sách thông thoáng này, một số doanh nghiệp được thành lập với mục đích sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng này đối với cơ quan đăng ký kinh doanh rất khó khăn. Khi hồ sơ hợp lệ, đến thời gian theo quy định, bắt buộc chúng tôi phải trả kết quả cho người đến làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp được thành lập và sau đó hoạt động như thế nào không thuộc thẩm quyền của chúng tôi".
Theo công văn số 676 của Cục Thuế tỉnh Hải Dương gửi các cơ quan chức năng mới đây, Cục Thuế tỉnh đề nghị: "Sở Kế hoạch và Ðầu tư trước khi cấp đăng ký kinh doanh cần phải xác minh tính hiện thực của doanh nghiệp về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, khả năng tài chính, trụ sở, khả năng của bộ máy quản lý...". Nhưng theo Phó trưởng phòng Ðăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Xuân Hiền thì những đề nghị này của Cục Thuế tỉnh đều trái với quy định của Luật Doanh nghiệp, không thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Ðầu tư. Trái lại, việc xác minh trụ sở làm việc, khả năng tài chính của doanh nghiệp trước khi đăng ký mua hóa đơn GTGT lại là của ngành Thuế.
Từ tháng 3-2007, Hải Dương là một trong những tỉnh đi đầu toàn quốc về thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế và con dấu. Sau hơn hai năm thực hiện đề án "một cửa liên thông", trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có hơn 1.500 doanh nghiệp được thành lập, bằng hơn 40% tổng số doanh nghiệp được thành lập từ trước đến nay. Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện mô hình "một cửa liên thông" này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Hồng Văn đã cảnh báo: "Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm để khắc phục tình trạng lợi dụng cơ chế thông thoáng, thành lập "doanh nghiệp ma" để buôn, bán hóa đơn GTGT".
Ngày 28-5-2007, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quy định về việc phối hợp quản lý doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Quy định này đã chỉ rõ trách nhiệm phối hợp quản lý doanh nghiệp đối với các cơ quan liên quan như Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Cục Thuế, Công an, Sở Tài chính, Thanh tra Nhà nước tỉnh. Từ ngày 21-5-2009, Cục Thuế phối hợp công an tỉnh thực hiện quy chế phối hợp trong đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua, bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp. Ðể ngăn chặn tình trạng thành lập "doanh nghiệp ma", tỉnh Hải Dương cần đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt các quy định, quy chế phối hợp này; đồng thời sớm đề ra các giải pháp ngăn chặn kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh bị lợi dụng để vi phạm pháp luật.
(Theo TẠ QUANG DŨNG // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com