Hàng loạt sai phạm xung quanh việc thu, chi ngân sách tại các bộ, ngành, địa phương… đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tại cuộc họp báo ngày 23-7 tại Hà Nội.
Theo KTNN, việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) tại các đơn vị về cơ bản được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, khoản tăng thu NSNN do KTNN kiến nghị lên tới 4.166 tỷ đồng và giảm chi 2.731 tỷ đồng đối với năm ngân sách 2007 cho thấy, vẫn tồn tại sai phạm dưới nhiều hình thức khác nhau trong quá trình sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Kiến nghị tăng thu thuế nội địa 1.203 tỷ đồng
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2008, KTNN đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan TƯ; 35 tỉnh, TP trực thuộc TƯ; 19 dự án đầu tư xây dựng; 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; báo cáo quyết toán NSNN năm 2007 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Theo nhận định của KTNN, về cơ bản các đơn vị tuân thủ những quy định về quản lý sử dụng NSNN. Song, tình trạng thất thu từ các DN ngoài quốc doanh và các đơn vị sự nghiệp còn khá phổ biến. Kết quả kiểm toán 235 đơn vị dự toán thuộc 21 bộ, ngành; 194 đơn vị dự toán thuộc 35 địa phương cho thấy, các khoản xác định thuế và phải nộp khác vào NSNN tăng thêm 164,2 tỷ đồng.
Công tác quản lý thu NSNN cũng bộc lộ nhiều bất cập. Tại một số địa phương, tình trạng xác định sai giá đất, hệ số tính giá thuê đất, ưu đãi đầu tư sai… dẫn đến việc không huy động đầy đủ, kịp thời nguồn thu cho NSNN. Trước thực trạng này, KTNN đã kiến nghị tăng thu về đất 1.049 tỷ đồng; tăng thu thuế nội địa 1.203 tỷ đồng. KTNN cũng phát hiện 11/35 địa phương miễn giảm thuế không đúng đối tượng gây thất thu lên tới 68,1 tỷ đồng. Về các khoản tạm thu, tạm giữ từ hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, thuế, phí của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2007 là 7.934 tỷ đồng. Tuy nhiên, KTNN đã chỉ ra 19/35 tỉnh, TP chưa kịp thời nộp vào NSNN số tiền 1.026 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực chi NSNN, nhiều dự án đã đầu tư song không sử dụng, gây lãng phí nghiêm trọng. Cụ thể, dự án xử lý nước thải Khu công nghiệp Vĩnh Niệm (Hải Phòng); hạng mục vườn ươm Thanh Táo (công trình tuyến tránh Hà Nội - Cầu Giẽ) đã đầu tư hàng tỷ đồng song đến nay đang để hoang. Với hoạt động chi thường xuyên, KTNN phát hiện 20/35 tỉnh, thành chi hỗ trợ không đúng chế độ 62,242 tỷ đồng.
Đầu tư ngoài ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro
Kết quả kiểm toán tại các DN nhà nước năm 2008 cho thấy, 92,8% số DN được kiểm toán kinh doanh có lãi và chỉ có 7,2% thua lỗ. Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều vấn đề xung quanh hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính của DN. KTNN nhận định, 224/318 DN thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có hoạt động đầu tư ra ngoài. Trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ đầu tư ngoài ngành lớn như: Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn là 1.311 tỷ đồng (bằng 12,4% tổng tài sản); Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam: 775,39 tỷ đồng (bằng 6,74% tổng tài sản)… Chủ yếu các DN đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản, viễn thông… Song, hiệu quả đầu tư ngoài ngành của nhiều DN chưa cao do tham gia thị trường muộn, chưa có kinh nghiệm quản lý, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thông qua việc kiểm toán 162 đơn vị thuộc 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, KTNN phát hiện một số ngân hàng thương mại nhà nước cho vay vượt nhu cầu vốn và không đúng đối tượng, phân loại nợ mang tính chủ quan… dẫn đến trích lập dự phòng rủi ro thiếu chính xác. Việc quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, Quỹ BHXH không xây dựng phương án đầu tư đối với gần 70 ngàn tỷ đồng tiền quỹ tạm thời nhàn rỗi; hạch toán thiếu 1.205 tỷ đồng tiền lãi phải thu và trên 37 tỷ đồng tiền lãi đã thu được tại BHXH các tỉnh, TP… Quỹ BHYT tự nguyện để xảy ra bội chi 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, việc đôn đốc thu thường xuyên thiếu kiên quyết dẫn đến nợ tồn đọng BHXH và BHYT hết năm 2007 lên tới 1.230 tỷ đồng…
Từ những báo cáo kiểm toán đã thực hiện, KTNN đã kiến nghị Chính phủ tăng thu NSNN 4.166 tỷ đồng; giảm chi NSNN 2.731 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN phát hiện các khoản nợ đọng tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý là 616,6 tỷ đồng; các khoản phải nộp và hoàn trả NSNN là 7.715 tỷ đồng.
Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng
Trước những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN, tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về việc: Vì sao các địa phương chỉ thực hiện 69,6% kiến nghị của KTNN? Phải chăng, việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực này chưa được thực hiện triệt để? Về vấn đề này, Phó Tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN còn thấp như: có kết luận sai phạm song chưa có chế tài xử phạt; nội tình vụ việc có nhiều thay đổi theo thời gian… Với chức năng và nhiệm vụ được giao, KTNN vẫn theo dõi sát sao việc thực hiện kiến nghị xử lý sai phạm, từ đó, có những can thiệp cụ thể theo thẩm quyền.
Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục tình trạng ngân sách bị chi tiêu sai nguyên tắc, cần có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng, lãng phí NSNN. Chỉ khi nào những kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc những sai phạm trong quá trình sử dụng NSNN mới giảm bớt.
(Theo Hương Ly // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com