Hiện văn bản pháp lý có giá trị cao nhất đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng năm 1999. Từ đó đến nay, trong quan hệ với thương nhân, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm rất nhiều, nhiều vụ có tính chất tập thể nhưng rất ít người khiếu nại, khởi kiện vì thủ tục rối rắm, kéo dài, tốn kém… Dự thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được lấy ý kiến đóng góp không chỉ là một sự “nâng cấp” về mặt hình thức (từ pháp lệnh lên thành luật), mà còn có nhiều điểm mới, có thể giúp người tiêu dùng mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ mình, kể cả “đáo tụng đình”. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu góc nhìn của luật sư Trịnh Thanh, văn phòng luật sư Người nghèo.
Với thương nhân nước ngoài, nhất là thương nhân ở các quốc gia châu Âu hoặc Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam thì tinh thần của dự thảo: bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng là lẽ đương nhiên, không quá mới mẻ so với pháp luật của nước họ. Với thương nhân trong nước, không cách nào khác là phải tự điều chỉnh, thích nghi dần với những nét văn hoá mới trong tiêu dùng được dự thảo quy định. Người Việt có tâm lý không muốn kiện tụng (các cụ dạy: vô phúc đáo tụng đình); gặp thêm cơ chế khiếu nại, khởi kiện, xử phạt các hành vi vi phạm quyền lợi của mình rối rắm, chẳng mấy hiệu quả; nên dù bị thiệt hại, vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nếu dự thảo được thông qua, mọi việc sẽ khác.
Điểm mới, tiến bộ đầu tiên, theo tôi, là những quy định về hoà giải giữa thương nhân với người tiêu dùng khi xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp một bên không tự nguyện thi hành các nghĩa vụ theo biên bản hoà giải thành, thì bên kia có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành. Điều này tạo ra một cơ chế giải quyết mới (không thông qua cơ quan tài phán) dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, mà quyền lợi vẫn được bảo đảm so với pháp luật hiện hành.
Tuy thế, khi buộc phải khởi kiện, người tiêu dùng cũng có thể an tâm với quy trình xét xử rút gọn của dự thảo (có thể áp dụng đối với rất nhiều tranh chấp hiện nay). Chỉ 13 ngày kể từ ngày nộp đơn, toà án sẽ phải mở phiên toà xét xử công khai. Nếu so sánh với thời gian giải quyết các vụ án dân sự hiện nay, phải mất từ bốn đến sáu tháng – thực tiễn còn kéo dài hơn nữa, sẽ thấy đây là một điểm tiến bộ. Ngoài ra, lo lắng “tiền mất tật mang” của người tiêu dùng khi kiện tụng cũng được hoá giải khi dự thảo quy định người tiêu dùng không phải nộp án phí khi khởi kiện.
Còn về pháp luật nội dung, dự thảo đã tập trung đi sâu làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, như quy định về trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm bảo hành, miễn giảm trách nhiệm; đồng thời định dạng chi tiết các hành vi gian dối, gây nhầm lẫn, quấy rối, ép buộc người tiêu dùng…; sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án trở lên dễ dàng hơn. Riêng vấn đề xác định lỗi, dự thảo đã mạnh dạn khẳng định nguyên lý người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ chứng minh lỗi của thương nhân và nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về thương nhân. Vấn đề này, thực ra, hướng dẫn của ngành toà án (hội đồng thẩm phán – toà án nhân dân tối cao) từng đề cập đến nhưng nó chỉ là một văn bản mang tính hướng dẫn.
Một điểm mới khác là dự thảo cho phép tổ chức Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (hội) có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tinh thần cởi mở này không chỉ khắc phục tâm lý e ngại kiện tụng của người tiêu dùng, mà còn tạo thế cân bằng hơn khi xảy ra tranh chấp. Hơn nữa khi vai trò, vị thế của hội được nâng cao chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến nhất định trong nhận thức của nhà sản xuất hàng hoá, dịch vụ và vai trò của người tiêu dùng từ đó cũng sẽ được nâng cao. Đây cũng là xu thế chung trong thời kỳ hội nhập, phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội dân sự, đề cao vai trò của các hội, giảm tải áp lực cho Nhà nước trong các xung đột giữa quyền lợi của người dân với các tổ chức khác.
Nói như vậy, nhưng dự thảo cũng còn một số điểm cần cân nhắc thêm. Xin lấy một vài ví dụ như quy định về bản án, quyết định của toà án theo thủ tục rút gọn sẽ có hiệu lực ngay. Điều này có vẻ thoát ly khỏi nguyên tắc xét xử hai cấp mà chúng ta đang vận hành. Hay vấn đề xác định thiệt hại trong một số vụ việc như nước tương có chất 3-MCPD có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Thời gian để xác định có thể phải mất 10 đến 20 năm thì vấn đề bồi thường sẽ tính như thế nào? Hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong những lần dự thảo tới.
(Theo Mỹ Lệ/SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com