Vừa mới nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng được hơn một tháng, cả hai con đập trên địa bàn xã Tráng Việt và xã Văn Khê (Mê Linh) có vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng bỗng dưng lún sụt, vỡ toang hoác từng mảng. Nhiều khả năng một số công đoạn thiết kế thi công công trình kiên cố bằng bê tông uốn lượn đẹp như dải lụa này chưa đạt yêu cầu?
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Có mặt tại xã Tráng Việt, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy con đập tan hoang. Toàn bộ 120m ta-luy bê tông phía hạ lưu bị sạt lở chẳng khác gì bãi phế tích, đất đá lởm chởm, một vài tấm bê tông dài chừng 12m gãy làm nhiều mảnh, chìm nghỉm dưới nước, một số nằm trơ trọi. Ông Lương Văn Sang, xóm 3, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, người dân xã Tráng Việt rất phấn khởi khi thấy con đập bê tông bề thế dẫn từ trong thôn ra bãi màu ngoài sông Hồng được hoàn thành, không những thay thế con đường đất lầy lội, nhỏ bé, gồ ghề trước kia mà còn giúp trữ nước tưới cho hơn 100ha rau trong xã. Ấy vậy mà con đập vừa đưa vào sử dụng được hơn một tháng thì đến trung tuần tháng 7 vừa qua, khi gặp phải nước dâng tràn qua, các tấm bê tông phía hạ lưu từ từ lún sụt, vỡ lả tả ra từng mảng. Ông Sang lo ngại, nếu có thêm một lần nước tràn, con đập này có thể gãy làm đôi, nếu không được khắc phục nhanh thì khi mưa bão, nước lên, rất có thể cảnh "đi làm bằng thuyền, thúng" sẽ quay trở lại, chả ai dám đi lên mặt đập.
Tương tự con đập ở xã Tráng Việt, con đập vắt qua sông Hồng từ khu dân cư ra vùng bãi trồng rau màu thuộc địa giới hành chính xã Văn Khê (Mê Linh) cũng bị sạt lở. Tuy mức độ có phần nhẹ hơn nhưng khoảng 50m dài ta-luy bê tông đã bị bong tróc, lìa khỏi mái đập, trông rất nham nhở.
Phóng viên báo Hànộimới thu thập tài liệu, tìm hiểu nguyên nhân lở mái đập Tráng Việt. Ảnh: Hương Dung
Công trình không có "xương sống"
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang, hai con đập này được đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nằm cách nhau chừng 1km, vắt qua con lạch phụ của sông Hồng với mục đích kết hợp làm đường giao thông và trữ nước tưới cho khoảng 450ha rau, hoa của nông dân các xã Tráng Việt và Văn Khê. Khi chưa sáp nhập về Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho UBND các xã Tráng Việt và Văn Khê làm chủ đầu tư. UBND huyện Mê Linh phê duyệt dự án trên cơ sở phê duyệt thiết kế dự án của Sở NN&PTNT tỉnh. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành. Ông Nguyễn Văn Khơ, Chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết, con đập trên địa bàn xã này dài chừng 300m, kinh phí riêng cho phần thi công đập là gần 3 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6-2008. Đến trung tuần tháng 5-2009, hạng mục công trình đập được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Theo nhận định của ông Khơ, nguyên nhân của việc sạt lở trên một phần do mức nước đột ngột lên cao, dòng chảy quá mạnh đã làm sạt lở cả tuyến ngầm đập Tráng Việt và Văn Khê. Ngoài ra, ông Khơ còn cho rằng, khả năng vốn đầu tư ít nên chất lượng thi công chưa bảo đảm (?). Còn ông Nguyễn Thanh Vấn, người được nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành (đơn vị trực tiếp thi công cả hai con đập) giao cho giám sát thi công cả 2 con đập cho rằng, nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng trên là do thiết kế không bảo đảm. Toàn bộ công trình chỉ có bê tông chứ không có cốt thép, nên không chịu được sức nước. Ông Vấn dẫn giải, khi nước từ thượng lưu đổ về, tràn qua con đập chảy về phía hạ lưu đã luồn vào các khe, xói sâu vào bên trong thân đập. Do không có cốt thép nên không tạo được sự gắn kết vững chắc, khi nước bên trong thân đập căng cứng, cộng với nước từ thượng lưu chảy xiết, đã đẩy các tấm bê tông và đất đá trôi theo dòng nước. Cùng chung số phận như con đập xã Tráng Việt, con đập xã Văn Khê có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng cũng không có cốt thép bê tông mái đập đã bị sạt lở 50m. Dư luận đặt câu hỏi, liệu bên cạnh dự đoán nguyên nhân từ khâu thiết kế, có hay không việc công trình hư hỏng là do bị rút ruột?
Con đập Tráng Việt bị vỡ. Ảnh: Hữu Hoài
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết, sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao cho ngành chuyên môn nghiên cứu giúp huyện khắc phục sự cố. Sau khi được UBND thành phố giao, Sở NN&PTNT cùng huyện Mê Linh đã lên phương án khắc phục tạm thời để bảo đảm an toàn cho nhân dân qua lại trên 2 con đập. Theo ông Quang, hiện nay, các ngành chức năng của thành phố, đặc biệt là cơ quan công an đang tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân sạt lở, quy trách nhiệm cho các đơn vị và cá nhân liên quan để xử lý sai phạm, đồng thời có giải pháp xử lý kỹ thuật cho các công trình.
Phóng viên báo Hànộimới sẽ tiếp tục bám sát vụ việc, theo dõi thông tin để phản ánh tới bạn đọc.
UBND huyện Mê Linh đã có tờ trình với UBND thành phố xin chủ trương xử lý khắc phục tạm thời tuyến ngầm thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Theo đó, phương án 1 sẽ xếp rọ thép lõi, thả đá hộc bảo vệ chân mái và những vị trí mái sạt lở phía hạ lưu. Phương án 2, mở cho nước lũ về phía giữa ngầm. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, chưa thể khẳng định tính ổn định lâu dài cho công trình.
(Theo Nhóm PV Ban NN-NT/HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com