Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai thương vụ béo bở

Với vụ bán 3.000 tấn thép và vụ bán 250 cổ phiếu Eximbank, có dấu hiệu ông Phùng Quốc Mẫn làm thất thoát tiền Nhà nước nhiều tỉ đồng

Bắt đầu hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ tháng 8-2006, cũng từ thời điểm đó đến nay “sóng gió” bắt đầu nổi lên tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, trụ sở chính tại 87 Hàm Nghi, quận 1-TPHCM).

Nhiều sai phạm của ông tổng giám đốc Phùng Quốc Mẫn bị phát hiện, trong đó nổi đình nổi đám nhất là hai thương vụ bán sắt thép và bán cổ phiếu do ông Mẫn đạo diễn, được cho là đã làm thất thoáttiền Nhà nước nhiều tỉ đồng.

Lập công ty “gia đình” để trục lợi

Cuối tháng 9-2007, ông Mẫn lấy danh nghĩa Seaprodex Sài Gòn ký hợp đồng với đối tác Great Honor Industrial Inc. của Taiwan mua 3.000 tấn thép. Sau đó, lô hàng này được bà Đỗ Thị Hồng, phó tổng giám đốc Seaprodex Sài Gòn, ký hợp đồng bán lại cho Công ty Cổ phần Thanh Niên (27 Kỳ Đồng, quận 3 - TPHCM) với tổng số tiền hơn 34 tỉ đồng.

Hai tháng sau, Seaprodex Sài Gòn có công văn (không số) yêu cầu Công ty Cổ phần Thanh Niên thanh toán 3,5 tỉ đồng tiền đặt cọc lô hàng.

Công ty Cổ phần Thanh Niên từ chối thực hiện hợp đồng với lý do “khó khăn về tài chính”. Việc ký hợp đồng bán sắt thép nhưng không nhận tiền đặt cọc của ông Mẫn và bà Hồng đã gây thiệt hại lớn cho Seaprodex Sài Gòn bởi trong hợp đồng mua bán đã quy định Công ty Cổ phần Thanh Niên phải thanh toán ngay 3,5 tỉ đồng sau khi ký hợp đồng.

Sau khi Công ty Cổ phần Thanh Niên từ chối không mua lô hàng 3.000 tấn thép, ông Mẫn bắt đầu “làm xiếc” bằng cách duyệt phương án kinh doanh để bà Hồng đại diện đứng ra ký hợp đồng bán lô hàng này cho doanh nghiệp SX-TM-DV Hoàng Sơn (trụ sở tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh-TPHCM) với tổng số tiền gần 34,8 tỉ đồng.


Hợp đồng bán thép của Seaprodex với Công ty Cổ phần Thanh Niên và DNTN SX-TM-DV Hoàng Sơn

Tiếp đó, lô hàng này được doanh nghiệp SX-TM-DV Hoàng Sơn bán lại cho Công ty TNHH TM-DV-VT Bảo Trân (trụ sở tại huyện Bến Lức- Long An) và Công ty TNHH TM-DV-VT Bảo Trân bán ra thị trường với giá chênh lệch cao hơn 3,3 tỉ đồng/3.000 tấn. Điều đáng nói là Công ty TNHH TM-DV-VT Bảo Trân là công ty do ông Đỗ Xuân Tùng, em vợ ông Mẫn, đứng tên giám đốc.

Qua thương vụ này, nhiều cán bộ đảng viên, công nhân viên công ty bức xúc cho rằng ông Mẫn lấy danh nghĩa Seaprodex Sài Gòn, bỏ vốn ra nhập khẩu sắt thép bằng các hợp đồng ký khống với một số doanh nghiệp, sau đó chiếm dụng vốn Nhà nước ghim hàng chờ giá lên rồi tìm cách chuyển hợp đồng cho công ty “em vợ” với giá rẻ, để công ty “em vợ” bán ra thị trường với giá cao hơn nhằm thu lợi bất chính. Đấy là chưa kể đến một số thương vụ nhập nhằng với Công ty TNHH Bảo Hưng do vợ ông Mẫn đứng tên giám đốc.

Âm thầm bán “tài sản” của Nhà nước

Một thương vụ khác cũng do ông Mẫn đạo diễn: Trước ngày 31-6-2005, Seaprodex Sài Gòn sở hữu 250 cổ phiếu Eximbank trị giá 250 triệu đồng, là tài sản chung của toàn công ty.

Thế nhưng trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa vào cuối năm 2006 thì toàn bộ số cổ phiếu này đã được ông Mẫn âm thầm bán sạch với giá bằng mệnh giá gốc, trong khi giá thực tế thị trường lúc đó không dưới 4 triệu đồng/cổ phiếu (?).

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn được cổ phần hóa từ tháng 8-2006 theo Quyết định 604 của Bộ Thủy sản (tiền thân của Seaprodex Sài Gòn là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TPHCM, trực thuộc Tổng Công ty Thủy sản VN-Seaprodex Vietnam). Khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Seaprodex Sài Gòn là 96 tỉ đồng, trong đó vốn thuộc sở hữu Nhà nước chiếm hơn 61%.

Theo tài liệu chúng tôi có được, trong đơn chuyển nhượng cổ phiếu ngày 17-1-2006 đã thể hiện ông Phùng Quốc Mẫn làm đại diện Công ty Seaprodex Sài Gòn chuyển nhượng toàn bộ 250 cổ phiếu cho ông Nguyễn Thanh Sơn (ngụ phường Tân Thới Nhì, quận Tân Phú-TPHCM) với mệnh giá chỉ 1 triệu đồng/cổ phiếu.

Trong biên bản làm việc giữa tổ kiểm tra của Tổng Công ty Thủy sản VN với bà Nguyễn Thị Thu Dung, kế toán trưởng; bà Đỗ Thị Hồng, phó tổng giám đốc và ông Trần Văn Phủ, bí thư Đảng bộ Seaprodex Sài Gòn, cũng đã xác nhận việc bán 250 cổ phiếu là do ông Phùng Quốc Mẫn quyết định cả về đối tác và giá cả.

Rõ ràng, việc ông Mẫn tự ý bán 250 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá gốc nhưng không thông qua ban lãnh đạo, không tổ chức đấu giá và không thông báo trong nội bộ công ty đã vi phạm quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác, như quy định tại Nghị định 199 ngày 3-12-2004 và Nghị định 07 ngày 13-2-1999 của Chính phủ.

Ngoài ra, trong thương vụ đầu tư mua 5 tỉ đồng cổ phiếu của Ngân hàng Phương Nam, ông Mẫn cũng là “chủ xị” và thủ tục thanh toán tiền trong thương vụ này cũng có nhiều khuất tất, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính kế toán, bởi các chứng từ thanh toán không thể hiện việc Seaprodex Sài Gòn đã thanh toán tiền mua cổ phiếu trên cho người bán.

(Theo Quốc Hy // Nguoilaodong Online)

  • Điều chỉnh thuế GTGT và thuế TNDN: Ai hưởng lợi?
  • Kết luận điều tra bổ sung vụ tham nhũng tại Potmasco
  • Hơn 80% vụ kiện thương mại của Việt Nam liên quan đến chống bán phá giá
  • Cục Hàng không "tố" Jetstar Pacific mập mờ lách luật
  • Nhà ở trong hành lang an toàn điện được bồi thường đến 70%
  • Kiểm soát chặt việc bán tài sản nhà nước
  • Đất sử dụng sai mục đích, không hiệu quả: Vì sao chưa thu hồi được?
  • Nhiều nữ cán bộ UBND tỉnh bị nhắn tin khủng bố
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%