Cơ quan Cảnh sát Điều tra CA TPHCM vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh khám xét đối với nguyên cán bộ chủ chốt Cty Cơ khí Công nghiệp Sài Gòn (SIMC) để điều tra hành vi tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 Bộ luật Hình sự.
SIMC chốt đóng then gài sau hàng loạt xì-căng-đan tiêu cực. Ảnh: T.H.V |
Đó là ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc và bà Phạm Thị Lệ Hoàng- Kế toán trưởng. Hai bị can trên được tạm thời cho tại ngoại.
Sai phạm nghiêm trọng
Kết luận của phía thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra nhận định, sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở SIMC trong thời kỳ ông Hùng và bà Hoàng đương nhiệm (11/1995 – 10/2006) gồm chín nội dung:
Toàn bộ hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán được ghi chép không trung thực, vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán; báo cáo tài chính không trung thực trong 10 năm, gây thiệt hại nặng vốn Nhà nước; chi sai quy định lương, thưởng lễ, tết cho CB-CNV gần 6,7 tỷ đồng, trong đó nhập khống thiết bị để rút 276 triệu đồng chi tết năm 2000 và 2001; thanh toán bằng ngoại tệ đồng USD không đúng quy định trong việc mua máy móc, thiết bị phụ tùng thay thế trị giá 121.000USD (tương đương 1,89 tỷ đồng).
Sử dụng tổng cộng 2.503 hoá đơn GTGT khống từ năm 2000 - 2004, gồm 529 hóa đơn đầu vào trị giá 59,9 tỷ đồng và 1.974 hóa đơn đầu ra trị giá 74,9 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có đến 1.875 hóa đơn đỏ bị hủy trị giá gần 55,9 tỷ đồng; nhập, xuất thu chi khống đối với máy mài răng trị giá 1,96 tỷ đồng; mua sắm máy móc thiết bị không phù hợp với quy mô sản xuất, sau đó phải bán thanh lý gây thiệt hại cho Nhà nước xấp xỉ bốn tỷ đồng; dùng nhiều tài sản (chín nhà xưởng) thế chấp vay vốn ngân hàng hàng chục tỷ đồng không đúng mục đích gây lỗ, không có khả năng chi trả; không phản ánh đúng bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kinh tế tài chính trong việc thu và trả lãi vốn huy động cá nhân, để ngoài sổ sách 231 triệu đồng…
Trong nhiều năm, sai phạm của ông Nguyễn Việt Hùng đã đưa doanh nghiệp (DN) này đến bờ vực phá sản vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả, làm mất vốn nhà nước một cách nghiêm trọng. Số lỗ lũy kế, tính đến 30/6/2005, theo kết quả kiểm toán là hơn 37,3 tỷ đồng, tính đến 31/12/2005, theo xác định của kế toán trưởng SIMC, là gần 68,8 tỷ đồng.
Báo cáo sai vì muốn doanh nghiệp tồn tại
Tuy nhiên xác định ban đầu làm căn cứ để khởi tố hai bị can của cơ quan điều tra có vẻ rất nhẹ nhàng. Theo đó, từ năm 1995 đến năm 2004, SIMC kinh doanh liên tục thua lỗ, nhưng đã kê khai kinh doanh có lãi, bằng cách khai khống doanh số mua bán không có thật và việc kinh doanh có lãi, rồi dùng báo cáo này báo cáo với các cơ quan chức năng.
Bị can Nguyễn Việt Hùng và Phạm Thị Lệ Hoàng khai với cơ quan điều tra rằng đã lập báo cáo sai, che giấu việc thua lỗ. Nếu báo cáo kinh doanh thua lỗ thì DN phải giải thể.
Từ đây, SIMC được chỉ đạo xây dựng một hệ thống sổ sách, báo cáo kinh doanh có lãi và trả lương sai quy định. Cụ thể, từ năm 1995 – 2004, trả sai hơn 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2000-2001, mặc dù lỗ, SIMC vẫn chi tiền tết trái quy định hơn 276 triệu đồng.
Mặt khác SIMC gánh số nợ 43 tỷ đồng và đã được Cty Mua Bán nợ (Bộ Tài chính) mua nhưng hiện tại vẫn ghi nợ ở SIMC. Sai phạm có sự đồng thuận trong ban giám đốc, các phòng ban, nhưng trách nhiệm chính thuộc về ông Hùng và bà Hoàng.
Sau khi có kết luận thanh tra, ông Nguyễn Việt Hùng đã làm khiếu nại. Theo ông Hùng, những sai phạm về việc kê khai và chi khống đều có ý kiến đề xuất hoặc trình duyệt từ các phòng nghiệp vụ.
|
(Theo Hữu Vinh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com