Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ký ức kinh hoàng ở xưởng may đen

39 lao động Thái Nguyên hai ngày qua vạ vật trước cổng cục Quản lý lao động ngoài nước với mong muốn gây sức ép để công ty Vinahandcoop thanh lý hợp đồng. Theo tường trình của lao động, họ được đưa sang Nga làm công nhân may trong xưởng may đen với những ngày tháng kinh hoàng.

Chạy trốn và bắt bớ

Ngô Thị Khai, người Võ Nhai (Thái Nguyên) vẫn không giấu được sự tức tưởi khi kể về những tháng ngày sống tại Nga. “Chúng tôi sống khổ tới mức thèm được ăn cơm no. Suốt ngày lo nơm nớp chạy công an”, Khai kể. Trong 13 tháng sống tại Nga, Khai và số lao động tại xưởng phải chạy trốn, bị công an bắt nhiều lần. Lần thì chạy lên nóc nhà cao tầng, lần phải chạy ra sau vườn để trốn sự truy đuổi của cảnh sát Nga. Nhiều lần Khai và lao động tại xưởng bị bắt nhốt tại đồn cảnh sát trong mấy giờ liền. Với những lao động trình độ thấp, không biết tiếng Nga như Khai, đó là sự hoảng loạn.

“Tôi đã từng bị ông chủ nói đưa đi trốn công an, tôi không đi. Sau đó ông chủ đã doạ đánh và chửi tôi thậm tệ. Trong lúc hỗn loạn, tôi đã trốn được vào nhà kho nhưng những ngày sau đó tôi đã sống như một tù nhân trong sự quản lý theo dõi của người nhà ông chủ cho đến khi được về nước”, Khai kể.

Cùng đoàn với Khai có Nguyễn Thị Thuỳ và Nguyễn Thị Thuyết. Vào ngày 11.11.2008 cả Thuỳ và Thuyết bị chủ đuổi ra khỏi xưởng, sau đó có bốn người nước ngoài đến đánh đập. Số lao động khác bị nhốt vào trong phòng để không có khả năng bảo vệ Thuỳ và Thuyết. Tới chiều cùng ngày, năm công an Nga đã ập đến dồn toàn bộ khoảng 60 công nhân trong xưởng vào phòng nhỏ 16m2.

Đàn ông phải nằm úp ốp hai tay vào gáy và bị đánh. Chứng kiến cảnh này, ba lao động nữ là Đoàn Thị Hiền, Bàng Thị Thiệp, Hoàng Thị Giang đã ngất ngay tại chỗ. Họ bị giam trong bốn giờ liền mới được thả.

38 lao động có cùng hoàn cảnh như Khai, Thuỳ và Thuyết đã vạ vật trước cửa cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ Lao động – thương binh và xã hội) từ chiều ngày 26.8 với hy vọng chồng đơn khiếu nại của mình sẽ được cục này giải quyết. Tạ Quốc Thức người huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đại diện cho nhóm lao động kể, tháng 4.2008, số lao động này được công ty Vinahandcoop đưa sang Nga làm việc tại công ty TNHH Elit-Triet ở thành phố Ivanteevka. Hợp đồng được người lao động ký với ông Trần Duy Long, quốc tịch Việt Nam là phó giám đốc công ty TNHH Elit-Triet có sự chứng nhận của bà Nguyễn Thị Vinh, tổng giám đốc công ty Vinahandcoop. Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân tới Nga, họ đã bị đưa đến một xưởng may làm việc dưới sự quản lý của chủ xưởng tên là Nguyễn Xuân Thuỷ. Kể từ đó 39 lao động này bắt đầu chuỗi ngày sống trong sợ hãi, sau 13 tháng thì họ phải cầu cứu người nhà gây sức ép để công ty Vinahandcoop đưa về nước.

Dấu hiệu lừa đảo?

39 lao động được công ty Vinahandcoop có giấy phép xuất khẩu lao động đưa sang Nga làm việc hợp pháp với thời hạn visa ba tháng. Sau ngày 10.7.2008 khi visa hết hạn số lao động này đã không được gia hạn visa nên đã phải sống chui lủi, chạy trốn cảnh sát như vậy.

Ông Trần Duy Long với chức danh phó giám đốc công ty TNHH Elit-Triet nhưng thực chất chỉ là người môi giới, đem hợp đồng cung ứng về cho Vinahandcoop. Bởi vậy, hợp đồng người lao động ký với ông Long không có giá trị. Theo quy định của bộ Lao động – thương binh và xã hội, trước khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, người lao động phải ký ít nhất hai hợp đồng, một là hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng lao động và một hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Tuy nhiên ở đây người lao động đã không được ký hợp đồng với chủ sử dụng (ông Thuỷ). Điều này cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động của công ty Vinahandcoop, thậm chí biết trước thủ tục không hợp pháp nhưng vẫn đưa lao động sang Nga.

Cả 13 tháng làm việc tại Nga, từ tháng 4.2008 đến hết tháng 5.2009, 39 lao động không nhận được một đồng tiền lương. Tổng số chi phí trước khi đi mỗi lao động phải nộp cho công ty Vinahandcoop là 42,1 triệu đồng. Với họ, 13 tháng sống trong hoảng sợ và không tiền lương đã qua, điều khiến họ sợ hãi là khoản nợ ngân hàng vay trước khi đi Nga vẫn treo đó. Họ không có khả năng trả nợ.

(Theo Tây Giang/SGTT)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%