Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để giảm oan sai cho người dân?

Cải cách tư pháp và phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự, đó là nội dung cuộc hội thảo khoa học do Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LSVN) vừa tổ chức tại Hà Nội.


Minh oan khó, bồi thường càng khó!

Ban tổ chức hội thảo mời đến một nhân chứng khá đặc biệt. Đó là ông Lương Ngọc Phi, ở Thái Bình, hiện là Giám đốc Cty TNHH thương mại Thanh Phong. “Tôi từng ngồi tù oan 35 tháng”, câu mở đầu khiến hội trường lặng phắc.

Ông Phi đang kể về những nỗi khổ nhiều năm qua. - Ảnh: Phạm Nguyên Bảng

Không chỉ những ngày tháng tù tội cách đây chục năm, chuyện của ông Phi đến nay vẫn chưa kết thúc.

Năm 1998, ông bị Công an Thái Bình khởi tố, bắt giam về các hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế”. TAND tỉnh Thái Bình kết ông 17 năm tù cho cả hai hành vi đó.

Ông chống án, kêu oan. TANDTC xử phúc thẩm, tuyên ông không có hành vi “lạm dụng”, đồng thời trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại về hành vi “trốn thuế”.

Năm 2001, ông Phi được tại ngoại. Năm 2003, được đình chỉ vụ án.

Thế nhưng, đó chỉ là khởi đầu chuỗi ngày dường như bất tận ông Phi đi tìm lại những gì đã mất, cả tinh thần và vật chất. “Tôi làm đơn đề nghị được xin lỗi, bồi thường. Toà chỉ sang viện, viện chỉ sang công an, công an lại chỉ sang toà. Tôi đi lòng vòng mấy năm, đến 2006 mới được người ta xin lỗi”.

Ông Phi cười như mếu “Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa được bồi thường đồng nào. Tôi bị tịch thu 380 tấn ý dĩ (vị thuốc bắc), 31 tấn kê giống, trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Thương lượng không thành, tôi khởi kiện ra toà.

Mãi toà không mở, tôi nghĩ ra một kế, đề nghị tách ra. Phần nào đã rõ, thì thôi tôi không kiện, phần nào chưa rõ mới cần đến toà. Toà đồng ý. Thế nhưng, đến nay cái phần bồi thường thiệt hại gần bảy trăm triệu đồng, đã rõ lắm rồi, vẫn chưa ai trả tôi đồng nào”.

Hoạt động toà án - trọng tâm cải cách

TS Nguyễn Đức Mai (Chánh toà hình sự TAQSTƯ) trích dẫn Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 Bộ Chính trị, khẳng định vai trò trọng tâm của toà án trong cải cách tư pháp. Để chống làm oan, ông Mai nhấn mạnh tranh tụng tại toà.

Đấu tranh cho nguyên tắc độc lập của toà án là cuộc chiến lâu dài của nhiều nhà nước trên thế giới. Chẳng có nước nào có được ngành tư pháp độc lập, mà thường bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực chính trị can thiệp vào những quyết định của nó  - GS - TS Nguyễn Đăng Dung

Ông nhận xét: Một số kiểm sát viên còn quan niệm ra toà chỉ để bảo vệ cáo trạng, họ né tránh các vấn đề, các tình tiết cần làm sáng tỏ tại phiên toà; nhiều thẩm phán gặp trường hợp bị cáo không nhận tội, thường xét hỏi theo hướng buộc tội đến cùng; nhiều luật sư còn thiếu kỹ năng tranh tụng, chưa làm tròn vai của mình. Những điều đó đã hạn chế việc tranh tụng tại toà, dẫn đến làm oan.

Để xảy ra oan sai trong xét xử, TS Phạm Minh Tuyên (Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh) nêu những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về chủ quan, ông Tuyên thẳng thắn nhận định nhiều thẩm phán chưa thực sự có trách nhiệm, nghiên cứu hồ sơ còn sơ sài, nhiều người chưa chịu khó cập nhật, nâng cao kiến thức, đôi khi xét xử còn theo cảm tính.

Về khách quan, ông Tuyên cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay.

GS - TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh “trọng tâm của cải cách tư pháp là đảm bảo nguyên tắc toà án độc lập có hiệu lực trên thực tế”.

Để đạt được điều ấy, theo ông Dung, cần có những chính sách kèm theo quy định của hiến pháp và pháp luật, như: Nhiệm kỳ của thẩm phán phải vững chắc và lâu dài; chế độ lương bổng cho thẩm phán phải đảm bảo; giải quyết vấn đề án đụng trần vẫn phải trên cơ sở hiến pháp và pháp luật...

Sau khi thành lập tháng 5/2009, đây là hội thảo khoa học đầu tiên do Liên đoàn LSVN tổ chức. Cùng đông đảo luật sư, sinh viên luật, nhà báo, hội thảo có mặt nhiều chuyên gia pháp luật có uy tín, và nhiều cán bộ đang công tác trong các cơ quan của Đảng và các cơ quan tiến hành tố tụng, cho thấy đề tài hội thảo đã thu hút được đông đảo giới chức quan tâm.

(Theo Tien Phong Online)

  • Làm gì để giảm oan sai cho người dân?(tiếp theo)
  • Đề nghị thay đổi hình thức thi hành án tử hình
  • Chuyện dài về thuế bất động sản
  • Trọng tài sẽ giảm tải về giải quyết tranh chấp thương mại
  • Biểu phí trước bạ mới có gì mới?
  • Xây nhà khỏi xin giấy phép
  • Hà Nội: Sẽ khởi kiện 38 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội
  • Giải phóng mặt bằng ở Nam ga Hạ Long – Quảng Ninh : Điệp khúc của...“cỗ xe rùa”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%