Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mập mờ vụ 7.000 m2 “đất vàng” tại Mỹ Đình

Hội đồng Xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của
Toà án huyện Từ Liêm
Qua hai lần xét xử, vụ án tranh chấp khu “đất vàng” gần 7.000 m2 ở Mỹ Đình (Hà Nội) giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Ba Đình và Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Tinh Dầu phải “làm lại từ đầu”, vì những “sơ suất” của cấp sơ thẩm…
 
Trong hai năm 1994 và 1995, UBND TP. Hà Nội đã ra hai quyết định cho Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến Tinh Dầu (Công ty Tinh Dầu) thuê 6.975 m2 tại xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) để xây dựng cơ sở làm việc và cơ sở sản xuất chế biến tinh dầu.

Ngày 5/1/2001, ông Nguyễn Viết Thìn, Giám đốc Công ty Tinh Dầu đã làm giấy ủy quyền cho bà Lê Thị Hường (vợ ông Thìn) được toàn quyền quyết định những vấn đề về thế chấp, chuyển nhượng lô đất mà UBND TP. Hà Nội đã cho Công ty thuê.

Hai tuần sau, “chợt nhớ” bà Hường không phải là thành viên Công ty, nên ông Thìn đã ủy quyền cho em trai (ông Nguyễn Viết Khoa) “đại diện cho Công ty Tinh Dầu trước các cơ quan nhà nước, đối tác kinh tế, cũng như các quan hệ trong sản xuất - kinh doanh của Công ty. Ông Khoa được sử dụng con dấu của Công ty để điều hành kinh doanh - sản xuất”.

Trong năm 2002, ông Nguyễn Viết Khoa, bà Lê Thị Hường đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà xưởng, chuyển quyền sử dụng đất của lô đất trên cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Ba Đình (Công ty Ba Đình), với giá trị hợp đồng 7,5 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Sở Địa chính, Sở Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã có nhiều văn bản tạo điều kiện để Công ty Ba Đình được làm chủ lô đất trên. Tuy nhiên, theo Quyết định 4011/QĐ-UB ngày 10/7/2003 của UBND TP. Hà Nội, diện tích đất thu hồi từ Công ty Tinh Dầu để giao Công ty Ba Đình chỉ là 5.112 m2.

Tháng 8/2006, tại mảnh đất đắc địa này đã “mọc lên” 2 toà tháp đôi và 10 nhà vườn, biệt thự. Vụ việc trở nên phức tạp hơn khi tháng 12/2006, ông Thìn làm đơn khởi kiện ra Toà án huyện Từ Liêm yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà xưởng, quyền sử dụng đất mà ông Khoa, bà Hường đã ký với Công ty Ba Đình.

Tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, ông Thìn luôn khẳng định: “Trong giấy ủy quyền cho ông Khoa, không có việc ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Còn giấy ủy quyền cho bà Lê Thị Hường không có giá trị pháp lý, do bà Hường không phải là thành viên Công ty, nên không có quyền ký giấy bán tài sản của Công ty”.

Đại diện Công ty Ba Đình cho rằng, trên cơ sở pháp lý của giấy ủy quyền hợp đồng chuyển nhượng đã được ký kết, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi và cấp 5.112 m2 đất cho Công ty Ba Đình xây dựng nhà để ở và bán.

Ông Khoa cũng cho rằng, do ý thức về pháp luật còn hạn chế, cộng thêm áp lực nợ nần cùng khả năng điều hành kém, nên ông đã ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản và quyền sử dụng đất và trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông đã nhận 7,2 tỷ đồng.

Sau khi phát hiện việc chuyển nhượng trên là vi phạm pháp luật, ông đã không nhận tiếp số tiền 300 triệu đồng và không xuất hoá đơn thuế giá trị gia tăng. 

Tại phiên toà phúc thẩm mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh án Toà án Kinh tế, Chủ toạ phiên toà cho rằng, bản án sơ thẩm có nhiều điểm chưa được làm rõ. Điểm đầu tiên mà Hội đồng Xét xử chỉ ra là số diện tích đất mà UBND TP. Hà Nội cấp cho Công ty Tinh Dầu là 6.975 m2, nhưng trong Quyết định 4011/QĐ-UB, diện tích đất thu hồi chỉ là 5.112 m2. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ sự khác nhau giữa hai diện tích nêu trên và số diện tích chênh lệch (1.863 m2) hiện do đơn vị nào quản lý, sử dụng.

Tại điều 1, Quyết định 4011/QĐ-UB có ghi: “… phần còn lại (389 m2) do UBND xã Mỹ Đình quản lý”, nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ diện tích này có nằm trong số 5.112 m2 được thu hồi và giao cho Công ty Ba Đình hay không? Cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh số diện tích đất còn lại mà Nhà nước thu hồi để mở rộng đường theo quy hoạch.

Một chi tiết khá quan trọng nữa là, trong Hợp đồng thuê đất số 69/2005/TNMT-TĐTĐTN ký ngày 30/5/2005 giữa Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất với Công ty Ba Đình, diện tích mà Công ty Ba Đình được thuê chỉ là 2.815 m2.

Như vậy, giữa diện tích đất được thuê (2.815 m2) với diện tích được giao theo Quyết định 4011/QĐ-UB (5.112 m2) đã có sự khác biệt lớn.

Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Công ty Ba Đình chưa giải thích được sự khác biệt trên. Đặc biệt, Công ty Ba Đình cũng không xác định được diện tích khu nhà vườn mà UBND TP. Hà Nội cho phép xây dựng để bán. Toà án cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ điều này.

Đối với khoản tiền 7,2 tỷ đồng mà ông Khoa đã nhận, cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc Công ty Tinh Dầu đã sử dụng khoản tiền này như thế nào và trả nợ cho ai.

Chưa hết, trong phần quyết định tại Bản án sơ thẩm của Toà án huyện Từ Liêm đã căn cứ Điều 319, Luật Thương mại năm 2005 để xác định thời hiệu khởi kiện là không chính xác (do Luật Thương mại không điều chỉnh quan hệ mua bán quyền sử dụng đất). Do đó, cần phải áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Dân sự.

Hội đồng Xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của Toà án huyện Từ Liêm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Hiện tại, vụ án đã được Toà án huyện Từ Liêm thụ lý.

(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)

  • “Khóc dở” mua nhà trên giấy
  • Thuế đối với truyền hình
  • Cấp nhãn hiệu chứng nhận cho Rau Đà Lạt
  • 7 điều kiện cho trạm sang chiết gas
  • Lại thêm một vụ vi phạm bản quyền phần mềm
  • Thủ tục hành chính thuế : Trước hết phải cải cách về hành xử
  • Một tháng phát hiện hơn 500 vụ vi phạm thương mại
  • Thông tư ngành thuế, thuế không... "thông"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%