Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một văn bản pháp luật được mong chờ


Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển là văn bản quy phạm pháp luật được giới hàng hải mong chờ nhiều năm qua. Ảnh minh họa: Hữu Thắng

 
Một trong những văn bản quy phạm pháp luật được giới hàng hải mong chờ nhiều năm qua sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1-7-2009, đó là Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển (PLBGTB).

 

Đây là văn bản chuyên ngành được ban hành lần đầu tiên tại Việt Nam quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển, thủ tục thả tàu biển bị bắt giữ.


Trước khi PLBGTB được ban hành, Việt Nam chưa có văn bản nào quy định riêng và đầy đủ các lĩnh vực của bắt giữ tàu biển. Thực tế này bộc lộ sự chậm trễ của nền pháp lý hàng hải Việt Nam so với các nước lân cận.


Ngoài ra, việc bắt giữ tàu biển theo các quy định chung của thủ tục tố tụng dân sự thường không có được sự thống nhất khi áp dụng ở những địa phương khác nhau. Đó cũng là nguyên nhân giải thích cho việc cần phải ban hành PLBGTB. Bài viết dưới đây nhằm điểm qua một số nội dung mới và đáng chú ý của PLBGTB.


Bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải tại Việt Nam

 

Theo quy định của Bộ luật Hàng hải (BLHH) 1990, Giám đốc cảng vụ có quyền tạm giữ tàu biển trong vòng 72 giờ để bảo đảm cho các khiếu nại đối với tàu về cảng phí hoặc tiền bồi thường thiệt hại cho thiết bị cảng, cầu bến, luồng lạch, vũng đậu tàu, ụ tàu.


BLHH được ban hành năm 2005 giao quyền bắt giữ tàu biển để giải quyết các khiếu nại hàng hải cho tòa án. Tuy nhiên, vì BLHH 2005 chưa quy định rõ, nên trên thực tế hầu như chưa có trường hợp nào tòa án ra quyết định bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải kể từ khi BLHH 2005 có hiệu lực từ ngày 1-1-2006.


Trong một diễn biến khác, các giám đốc cảng vụ hàng hải, mỗi khi nhận được yêu cầu tạm giữ tàu biển, tuy không ký quyết định tạm giữ tàu biển, nhưng không thông qua các thủ tục cho tàu biển khởi hành, mặc dù BLHH 2005 không hề quy định họ được làm như vậy.


Nay, vấn đề này đã được PLBGTB quy định rõ. Chương II của PLBGTB bao gồm 16 điều quy định chi tiết thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển và bắt giữ lại tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải của tòa án. Các giám đốc cảng vụ hàng hải chỉ thực hiện việc bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải chỉ khi có lệnh của tòa án.


Cần lưu ý là quyết định bắt giữ tàu biển để giải quyết khiếu nại hàng hải của tòa án có thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày tàu biển bị bắt giữ. Trong thời hạn đó, bên yêu cầu bắt giữ tàu biển sẽ phải quyết định mình có nộp đơn khởi kiện bên kia ra tòa án hoặc trọng tài và tiếp tục yêu cầu bắt giữ tàu biển hay không, nếu không thì tàu biển đang bị bắt giữ sẽ được thả ngay sau khi hết hạn nêu trên.


Trường hợp đơn khởi kiện kèm theo yêu cầu tiếp tục bắt giữ tàu biển được nộp cho tòa án có thẩm quyền trong thời hạn nêu trên, thời hạn bắt giữ tàu biển sẽ chấm dứt khi tòa án có quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển.


Bắt giữ tàu biển để thi hành án


Việc bắt giữ tàu biển để thi hành án được đề cập tại BLHH 1990 nhưng thủ tục bắt giữ tàu biển khi đó chưa được quy định cụ thể, nên hầu như việc bắt giữ tàu biển để thi hành án chưa từng xảy ra. BLHH 2005 không còn quy định này nữa. Vì vậy, Chương IV của PLBGTB bao gồm 13 điều quy định cụ thể về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển để thi hành án được xem là những nội dung mới, lần đầu tiên được ban hành. Theo đó, tàu biển có thể bị bắt giữ nếu chủ tàu, người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến hoặc người khai thác tàu là người phải thi hành án về tài sản.


Ủy thác tư pháp cho tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển


Theo điều 56 của PLBGTB, trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án Việt Nam, hoặc giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài Việt Nam mà có yêu cầu bắt giữ tàu biển, thì tòa án Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp cho tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển. Tòa án Việt Nam thực hiện ủy thác về vấn đề này trên cơ sở áp dụng pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. Đây là một quy định hoàn toàn mới, đánh dấu một bước phát triển của hệ thống tòa án Việt Nam hội nhập và hợp tác với hệ thống tư pháp quốc tế, cho phép tòa án Việt Nam mở rộng quyền lực ra nước ngoài.


Tuy nhiên, để tòa án thi triển quyền lực của mình đòi hỏi phải trải qua nhiều thủ tục chặt chẽ và tốn nhiều thời gian, công sức.


Bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài


Việc tàu biển nước ngoài có thể bị bắt giữ tại Việt Nam theo yêu cầu của tòa án nước ngoài để bảo đảm cho việc giải quyết việc kiện mà tòa án đó thụ lý đã được quy định tại BLHH 1990. Tuy nhiên, nội dung BLHH 2005 không còn quy định này nữa. Trong những năm qua, đã có nhiều luật sư hàng hải nước ngoài yêu cầu các đồng nghiệp Việt Nam tư vấn và hỗ trợ thực hiện thủ tục xin bắt giữ một con tàu đang neo đậu tại một bến cảng của Việt Nam theo ủy thác của tòa án nước ngoài, nhưng các luật sư Việt Nam, sau khi tham khảo các cơ quan chức năng, đành phải từ chối vì những thủ tục như vậy chưa từng được quy định cụ thể đến mức có thể tư vấn, thực hiện được.


Một số vấn đề cần lưu ý trong trường hợp này:


(i) PLBGTB quy định văn bản ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài phải ghi rõ thời hạn bắt giữ tàu biển. Có nghĩa là pháp luật Việt Nam không chấp nhận bắt tàu không hạn định trong trường hợp này.


(ii) Tàu biển đang bị tòa án Việt Nam bắt giữ theo ủy thác tư pháp sẽ được thả ngay khi quyết định bắt giữ tàu biển bị hủy theo thủ tục khiếu nại tại tòa án Việt Nam; hoặc thời hạn bắt giữ tàu biển theo quyết định của tòa án đã hết hoặc có yêu cầu của tòa án nước ngoài đã ủy thác bắt giữ tàu biển.


Những quy định chung đáng lưu ý về bắt giữ tàu biển


Các chủ tàu nước ngoài, các hiệp hội bảo hiểm thường phàn nàn rằng quyền lợi của họ chưa được bảo vệ thỏa đáng tại Việt Nam. Việc bắt giữ tàu biển, kể cả trong một số trường hợp thiếu cơ sở, thường được chấp nhận mà bên khiếu nại đôi lúc không phải ký quỹ để đảm bảo việc bồi thường các thiệt hại của chủ tàu. Nay, điều 5 PLBGTB quy định bên yêu cầu bắt giữ tàu biển phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính để có thể bồi thường thiệt hại của chủ tàu nếu yêu cầu bắt giữ tàu biển bị xác định là sai. Với quy định nêu trên, kể từ ngày 1-7-2009, biện pháp bảo đảm sẽ trở thành điều kiện bắt buộc trước khi tòa án xem xét việc ban hành lệnh bắt giữ tàu biển.


Một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm là mức độ của biện pháp bảo đảm tài chính khi yêu cầu bắt giữ tàu biển. Cũng như BLHH 2005, PLBGTB quy định chung rằng giá trị bảo đảm tài chính sẽ do tòa án toàn quyền ấn định sao cho có thể bồi thường các thiệt hại có thể phát sinh nếu việc yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng. Vì vậy, quan điểm của tòa án trong vấn đề bảo đảm tài chính cho việc bắt giữ tàu biển theo tinh thần của PLBGTB trong thời gian tới rất được quan tâm.


Theo tác giả, mức bảo đảm tài chính cho việc bắt giữ tàu biển cần được nâng lên. Đồng thời, các khiếu nại hàng hải và yêu cầu bắt giữ tàu biển cần được kiểm tra, xem xét thận trọng về cơ sở pháp lý để bảo đảm rằng việc bắt giữ tàu biển được thực hiện đúng pháp luật.


Ngoài biện pháp bảo đảm tài chính, theo PLBGTB, bên có yêu cầu bắt giữ tàu biển còn phải nộp lệ phí bắt giữ tàu biển (theo quy định là 5 triệu đồng). Đây là một quy định hoàn toàn mới.

 

(Theo Luật sư Đinh Quang Thuận // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Điều tra 2 công ty gas về vi phạm cạnh tranh
  • Vụ trốn thuế hơn 16 tỷ đồng ở Quảng Nam: Khởi tố thêm 2 đối tượng
  • Nhận diện doanh nghiệp “ma”
  • Hơn 500 tấn phân bón không nguồn gốc
  • 23 đơn vị thuộc EVN bán chất thải độc hại trái phép
  • Thuế bảo hộ hàng hóa trong nước
  • Khởi tố cựu giám đốc Cty Cơ khí Công nghiệp Sài Gòn
  • Kết luận điều tra vụ tiêu cực tại Potmasco: Quên vai trò của Tổng GĐ đương nhiệm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%