Trên đường Hồ Chí Minh từ Nam Giang sang Đông Giang (Quảng Nam) trong những ngày mưa xối xả này, ngoài xe máy thì trâu, ca nô, thuyền, xe khách, ô tô… và mới đây là xe container cũng rất tích cực trong công tác chở gỗ lậu.
Vận chuyển gỗ lậu bằng xe máy - Ảnh: N.C |
Chuyện phá rừng vẫn đang là thời sự nóng hổi của những huyện miền núi Quảng Nam. Từ việc lâm tặc tông barie hòng chở gỗ lậu thoát thân đến chống đối kiểm lâm, và vừa rồi là bắn tin dọa giết cả nhà Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang.
Dù không nao núng, nhưng đa phần cán bộ kiểm lâm đều thừa nhận, lực lượng quá mỏng, lại có trong tay ít quyền hành nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với lâm tặc.
Ông Lê Hoàng Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang, cho biết: “Hạt kiểm lâm huyện chỉ có 21 cán bộ mà bao hơn 60 ngàn hécta rừng thì đó gần như là nhiệm vụ bất khả thi”. Ông Sơn chính là kiểm lâm bị một lâm tặc ở Túy Loan (Đà Nẵng) nhắn tin dọa giết cả nhà vì đã dám... bắt xe chở gỗ lậu của hắn.
Trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ thủy điện A Vương về Thạnh Mỹ (Nam Giang), dù trời mưa khá to, nhưng lực lượng xe Minsk vẫn chăm chỉ chở gỗ về xuôi, qua thị trấn Thạnh Mỹ như chỗ không người.
Một cán bộ kiểm lâm Nam Giang cho hay, bắt loại xe Minsk này rất khó vì lâm tặc liều lĩnh, hoặc tông kiểm lâm, hoặc vứt xe chạy trốn. Từ thị trấn Thạnh Mỹ, hoặc gỗ lậu được chất lên xe ô tô, hoặc tự bản thân xe Minsk chở thẳng về Đại Lộc.
Tại trạm kiểm tra liên ngành Đại Lộc, đóng tại xã Đại Hồng, gỗ lậu bày la liệt. Trạm kiểm tra này là chốt chặn phải hoạt động vất vả nhất, ngăn gỗ lậu từ các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang về xuôi. Ngoài gỗ lậu, nhiều phương tiên khác như xe máy, ô tô và cả xe container cũng bị tạm giữ.
Đại úy Mai Thanh Tâm - đội phó đội kiểm tra liên ngành ở chốt chặn cho hay, ngoài xe máy, xe khách, lâm tặc còn dùng thuyền bè chở gỗ theo đường sông. Đội liên ngành cùng các cán bộ kiểm lâm chỉ trên dưới 15 người nên nhiều lúc không thể kham hết việc.
Theo Đại úy Tâm, thêm vụ bắt hơn 40m3 khối gỗ chưa rõ giấy tờ vào đêm 14/10 vừa rồi khi gỗ được chở bằng xe container thì tính đến nay, hầu như lâm tặc đã không từ bất kỳ thủ đoạn, phương tiện hiện có nào để chống đối với lực lượng chức năng.
Tại sân của trạm, 40m3 khối gỗ nhóm 2 - 3, gồm các loại gỗ quý như chò, dầu... chất đống ngổn ngang. Số gỗ trên được xe container mang BKS 43R - 0807 chở về từ Phước Sơn. Tài xế Bùi Thanh Sơn khai rằng, số gỗ trên là sự mua bán giữa thuỷ điện Đăk Mi 4 và Cty TNHH Ngân Hoa ở Thanh Hóa, anh ta không hề hay biết.
Theo Đại úy Tâm, trong 8 tháng của năm 2009, có đến 200m3 gỗ lậu bị trạm liên ngành bắt. Trong đó, 20 phần trăm là gỗ nhóm 1 thuộc loại đặc biệt quý hiếm, số còn lại thuộc nhóm 2 - 3.
Cuối năm 2008, xe khách 43K- 7771 chở gỗ lậu tông barie hòng thoát thân. Lúc đó, xe chở ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chạy qua, đã quyết truy đuổi và bắt được.
Dù tình cờ nhưng vị GĐ Sở này cũng được “nếm mùi” khắc nghiệt của cuộc chiến với lâm tặc. Chính ông Quang trong phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam tháng 7 vừa rồi, đã thẳng thắn về trách nhiệm trước vấn nạn phá rừng: “Năm sau nếu có hỏi, tôi cũng nhận trách nhiệm và hứa tiếp!
Chúng tôi, cơ quan chức năng cũng đã cố gắng hết sức nhưng quả thật là rất khó khăn. Khó khăn trong việc tìm chứng cứ, lực lượng lại không cân sức. Ca nô kiểm lâm chạy thua ghe lâm tặc, số biên chế quá ít so với địa bàn, chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm vì tinh thần có nhưng vật chất không có”.
Chống phá rừng ở Quảng Nam, kế sách nào, xem ra mới chỉ ở phần ngọn.
(Theo Nam Cường/TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com