Việc chi “hoa hồng” cho tài xế làm ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch ở Bãi Sau, TP. Vũng Tàu. |
Cách đây hơn 3 năm, ngày 21-3-2006, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã ra nghị quyết số 02 về việc không chi “hoa hồng” cho tài xế nhưng đến nay, nghị quyết đó đã không được các khu du lịch (KDL), trong đó có cả hội viên Hiệp hội chấp hành. Thế là Hiệp hội Du lịch tỉnh lại phải lên tiếng về nạn chi “hoa hồng” cho tài xế của các KDL trên địa bàn TP. Vũng Tàu.
Theo ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, việc thu hút du khách về Bà Rịa-Vũng Tàu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng sản phẩm, cách thức phục vụ, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Thế nhưng thời gian gần đây tại khu vực Bãi Sau, TP. Vũng Tàu, tình trạng một số KDL chi “hoa hồng” cao cho tài xế để tài xế đưa khách đến với mình lại tái diễn với “thủ thuật” ngày càng tinh vi. Những việc làm này đã làm xấu đi hình ảnh của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu mà UBND tỉnh và các sở, ban, ngành luôn ra sức chấn chỉnh nhằm thu hút nhiều du khách về địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các KDL tại Bãi Sau đều chi “hoa hồng” cho tài xế. Mức chi “hoa hồng” tương ứng với số khách mà tài xế đưa vào các bãi tắm: xe 16 chỗ có hoa hồng từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng; xe 30 chỗ là 300.000 đồng đến 350.000 đồng; xe 50 chỗ tài xế được chi 500.000 đồng, thậm chí có nơi chi tới 600.000 đồng. Lãnh đạo một KDL không chi hoa hồng tính toán, với kiểu chi “đổ đồng” 10.000 đồng/du khách thì những KDL làm ăn chân chính, đóng thuế đầy đủ khó mà tồn tại. Bởi lẽ, đối tượng khách này thường đi về trong ngày nên họ vào bãi tắm chủ yếu để tắm biển, thuê vài cái ghế với cây dù, có người tắm nước ngọt, người không; đồ ăn, thức uống họ mang theo từ nhà nên KLD không thu được nhiều tiền từ việc bán các dịch vụ. Vì vậy, để có tiền chi cho tài xế, KDL phải “móc túi” khách bằng việc nâng giá dịch vụ. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường du lịch.
Mức chi hoa hồng đang được các KDL “đổ đồng” 10.000 đồng/khách. |
Nhiều tài xế cho biết, khi được chủ giao xe chở khách còn thỏa thuận ngay từ đầu là không trả công cho tài xế. Vì vậy, khi đưa khách xuống Vũng Tàu, tài xế phải tìm đến những nơi có hoa hồng để lấy công. Du khách nào đến Vũng Tàu lần đầu, muốn vào một KDL nào đó mà không phải “mối” của tài xế thường bị tài xế “hù”: “KDL này không tốt vì giá đắt mà mới hôm rồi còn có mấy du khách bị chết đuối”. Chỉ nghe qua là du khách đã sợ khiếp vía và lúc này chỉ trông cậy vào tài xế, còn những du khách đã từng đến Vũng Tàu hoặc tìm hiểu cặn kẽ và cương quyết yêu cầu tài xế đưa vào những bãi tắm “sạch” thì tài xế mới miễn cưỡng đưa đi.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo một KDL có chi hoa hồng cho tài xế cho biết, họ phải chịu nhiều áp lực về tiền thuê mặt bằng phải trả cho đơn vị chủ quản, áp lực về lợi nhuận ngắn hạn, thu hồi vốn nhanh (vì còn lo bị đòi mặt bằng)… nên họ buộc phải chi hoa hồng để được tài xế đưa khách vào. Hiện tại, chưa có điều luật nào cấm các KDL chi hoa hồng cho tài xế. Trong khi đó cũng chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra, bắt quả tang được các KDL nâng giá dịch vụ đối với du khách, mặc dù, theo Ban quản lý các KDL TP. Vũng Tàu thì thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số KDL ở Bãi Sau thu giá dịch vụ vượt quá quy định của nhà nước vào những ngày cao điểm, đông khách.
Việc chi hoa hồng cho tài xế là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, về lâu dài sẽ dẫn đến hệ quả là tất cả các KDL cùng “chết” vì bị du khách tẩy chay. Ông Trần Tuấn Việt nói: “Nếu các KDL cùng “nói không với hoa hồng”, trong khi khách vẫn có nhu cầu đi du lịch thì chẳng có gì phải sợ không có khách”.
Nghị quyết số 02 của Hiệp hội Du lịch tỉnh đã khẳng định: “Việc chi hoa hồng cho tài xế là biểu hiện của việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Đây chính là nguồn gốc của hiện tượng tiêu cực, tệ cò mồi, gây mất an ninh trật tự, quảng bá thiếu văn hóa, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, gây mâu thuẫn nội bộ. Hoa hồng là nguồn gốc của việc tài xế nói xấu KDL này để đưa khách vào KDL khác chỉ vì nơi đó có hoa hồng cao hơn. Các doanh nghiệp hội viên nhất trí thời gian thực hiện việc xóa bỏ chi hoa hồng cho tài xế có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2006”.
(Bài, ảnh: Anh Thy // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com