Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siết chặt thời hạn sử dụng thuê bao trả trước: Nhiều sim chưa sử dụng sẽ bị khóa

Quyết định của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), ban hành ngày 6-7-2011, về thời hạn sử dụng sim/kit trả trước của MobiFone và VinaPhone đến nay, vẫn gặp phải sự phản ứng từ phía các đại lý sim thẻ…

Quyết định của nhà mạng đưa ra nhằm quản lý tốt hơn các thuê bao nhưng điều quan lại ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Khả năng nhiều sim chưa sử dụng sẽ bị khóa
Khả năng nhiều sim chưa sử dụng sẽ bị khóa. Ảnh: Minh Đức

Cái lý của nhà mạng

Theo Quyết định 978/QĐ-VNPT-KD của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, các loại sim/kit của MobiFone và VinaPhone phát hành trước 0h ngày 1-8-2011, chỉ có thời hạn sử dụng tối đa đến hết ngày 31-12-2013.

Các sim/kit phát hành sau 0h ngày 1-8-2011, có thời hạn sử dụng 24h00 ngày 31-12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành. Sau thời gian này, tất cả các sim/kit của VinaPhone và MobiFone đã phát hành ra thị trường nhưng không được kích hoạt, hoặc đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước sẽ bị thu hồi để phát hành lại theo quy định hiện hành.

VNPT lý giải, quyết định về thời hạn sử dụng đối với thuê bao trả trước không ngoài mục đích nào hơn là nhằm quản lý tốt các thuê bao. Thông qua chính sách này các hãng viễn thông mong muốn hạn chế được thuê bao ảo, không phát sinh cước đang nằm tại các cửa hàng đại lý, gây lãng phí tài nguyên. Cạnh đó, việc siết hạn dùng sẽ hạn chế được hiện được đại lý “đầu cơ” sim số đẹp để mua qua, bán lại kiếm lời.

Đại diện của VinaPhone và MobiFone đều thừa nhận, hiện nay có hàng triệu sim di động đang nằm tại đại lý cửa hàng trên toàn quốc. Việc giới hạn thời gian lưu hành sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường và cả người bán.

Tuy nhiên, cả hai hãng viễn thông này đều nhìn nhận, việc siết hạn dùng sẽ giúp họ quản lý kho số hiệu quả hơn. Đồng thời, các cửa hàng đại lý cũng có trách nhiệm bán hàng nhanh hơn thay vì nhập hàng nghìn sim sau đó găm trong kho bán dần số đẹp kiếm lời. Một lý do nữa mà nhà mạng đưa ra là chống sim phát hành quá lâu bị hỏng và tránh những sim số đẹp bị hacker lợi dụng mà ngay cả khách hàng lẫn nhà mạng không biết…

Nỗi khổ của đại lý

Nhiều sim chưa sử dụng nằm ở đại lý sẽ bị khóa
Nhiều sim chưa sử dụng nằm ở đại lý sẽ bị khóa.

Theo anh Hưng, chủ một đại lý kinh doanh sim tại Thái Hà, trước ngày 1-8-2011, cửa hàng đã lấy 10.000 sim, với giá 50 nghìn đồng/sim và tổng số tiền phải trả cho nhà mạng là 500 triệu đồng. Trong 10.000 sim đó có khoảng 200 sim được coi là đẹp được đại lý giữ lại để bán dần. Còn 9.800 sim còn lại sẽ phân ra đem bán cho các cửa hàng bán lẻ, thậm chí còn cung ứng trước. Như vậy với nhà mạng thì tiền đã trao tay còn các đại lý thì chưa thu hồi được vốn. Với những đại lý lấy số lượng nhiều 40.000 - 50.000 sim, nếu quá hạn 31-12-2013 mà nhà mạng quy định vẫn chưa bán hết, phải huỷ hoặc bị thu hồi rõ ràng các đại lý bị thiệt hại quá nhiều.

Mặt khác, nhà mạng, nhất là mạng Vinaphone, suốt một thời gian dài ra chính sách bán sim kèm thẻ cào. Đại lý nào muốn được mua 1 nghìn sim phải mua 2 tỷ đồng thẻ cào. Giá chiết khấu thẻ cào mà tổng đại lý mua từ nhà mạng là 6,7%, trong khi để được mua sim, tất cả các đại lý phải bù lỗ và bán ra thị trường với mức 8-10%. Để có được lượng sim hiện nay, các đại lý đã phải chịu chi phí bù lỗ thẻ cào trong nhiều năm.

Do đó, đại lý buộc phải tính toán vào giá trị của sim số đẹp để thu hồi vốn và đảm bảo kinh doanh có lãi. Việc này, các nhà mạng đều biết nên trong những chương trình bán hàng để hoàn thành kế hoạch cuối năm, các nhà mạng thường có chính sách thưởng số đẹp cho các đại lý nếu mua những đơn hàng thẻ cào lớn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Anh Tùng, chủ đại lý sim trên phố Bạch Mai cho rằng, không nên quy định thời hạn chung đến 31-12-2013, vì mỗi đại lý có số lượng sim tồn kho khác nhau. Đại lý nắm giữ càng nhiều sim sẽ cần có thời gian dài hơn để tiêu thụ, bởi số lượng bán ra còn tùy thuộc vào sức mua của thị trường.

Hơn nữa, khái niệm về sim số đẹp cần phải được thừa nhận, vì ngay cả nhà mạng cũng cho đấu giá sim số đẹp và cũng đã cung cấp sim số đẹp cho người dùng dưới dạng sim số đẹp cam kết.

Việc đưa ra quyết định nhằm chấn chỉnh thị trường sim thẻ trả trước của nhà mạng đặt các nhà phân phối, đại lý cận kề với nguy cơ mất hàng tỷ đồng. Vấn đề đặt ra làm thế nào đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của đại lý và người tiêu dùng. Theo quan điểm của các đại lý, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa nhà mạng và tổng đại lý, sau khi đại lý đã thanh toán đầy đủ thì hàng hóa thuộc quyền sở hữu của đại lý.

Nếu nhà mạng đơn phương hủy số trong kho của đại lý và phát hành sim mới và bán lượng sim đó ra thị trường (thu tiền thêm lần nữa), thì rõ ràng nhà mạng đã lấy đi tài sản đã được pháp luật công nhận của đại lý.

Nếu muốn thay đổi điều khoản trong hợp đồng, nhà mạng (bên A) phải mời đại lý (bên B) đến để thỏa thuận. Nếu được sự đồng ý của bên B, thì hai bên mới thống nhất bổ sung điều khoản.

Phía các đại lý cho rằng, đối với lượng sim mà nhà mạng đã bán cho đại lý căn cứ vào hợp đồng cũ thì nhà mạng nên rút lại quyết định trên. Sau khi hợp đồng cũ hết hạn, nhà mạng bổ sung điều khoản về thời hạn kích hoạt sim trong hợp đồng mới thì việc thực hiện thời hạn kích hoạt đối với lượng sim phát hành mới sẽ có được sự đồng thuận của tất cả các bên.

(Theo Tiền phong)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%