Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan đang bị xâm hại

Đầm Ô Loan. (Nguồn: Internet)
Thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang bị xâm hại và ô nhiễm môi trường do nạn xây nhà trái phép, đắp hồ nuôi trồng thủy sản trong đầm.

Xây nhà, đắp hồ nuôi thủy sản trái phép


Mặc dù từ năm 1996, Sở Văn hóa và Thông tin Phú Yên đã lập bản đồ vị trí khoanh vùng và quy định bảo vệ diện tích đầm Ô Loan; đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An thông báo đình chỉ việc giao quyền sử dụng đất mặt nước đầm Ô Loan vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chính quyền huyện Tuy An cũng như 5 xã có dân cư sống quanh đầm là An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông buông lỏng công tác quản lý và không xử lý kiên quyết những trường hợp sai phạm. Do vậy, tình trạng xâm hại đầm Ô Loan ngày càng tăng.

Thống kê cho thấy, trước năm 1997 là mốc thời điểm sau khi đầm Ô Loan vừa được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, trong đầm Ô Loan đã có 656 hồ nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 325ha, chiếm 1/4 diện tích mặt đầm. Trong số đó, chỉ có 66ha được Ủy ban Nhân dân huyện Tuy An cấp quyết định giao đất mặt nước; còn lại đều lấn chiếm trái phép nhưng từ đó đến nay chính quyền huyện Tuy An vẫn chưa thực hiện cưỡng chế. Chính vì buông lỏng công tác quản lý nên từ năm 1997 đến nay, có thêm 82 trường hợp xây hồ nuôi trồng thủy sản với diện tích vi phạm hơn 16ha.

Tương tự, đối với trường hợp xây cất trái phép ven bờ đầm Ô Loan, có đến 232 hộ xây dựng nhà ở và công trình khác với tổng diện tích vi phạm gần 17.190m2. Riêng từ năm 1997 đến nay phát sinh thêm 177 hộ ở các xã An Cư, An Hòa, An Hiệp và An Ninh Đông vi phạm với diện tích hơn 14.000m2. Điều đáng nói là hiện nay có một số hộ tự ý cải tạo nâng cấp nhà ở trên diện tích đã vi phạm.

Địa phương có tình trạng xâm hại đầm Ô Loan lớn nhất là xã An Cư với 120 ha mặt nước đầm bị lấn chiếm xây hồ nuôi tôm trái phép và có 123 hộ xây cất trái phép trên mặt đầm với diện tích 14.766m2.

Bí thư Chi bộ thôn Phú Tân 1 (xã An Cư), ông Lê Ngọc Huỳnh cho biết, những trường hợp vi phạm đều được Ban nhân dân thôn báo cáo lên xã nhưng chính quyền không kiên quyết xử lý.

Môi trường bị ô nhiễm


Do các hồ đều xây theo kiểu hồ hở (dùng san hô, đá để chèn làm bờ) nên thức ăn thừa và các hóa chất trong quá trình nuôi tôm thải ra bên ngoài thường mang theo mầm bệnh gây lây lan rất nhanh các hồ khác. Do vậy, hầu như năm nào vùng nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan cũng phát sinh dịch bệnh.

Ngoài ra, hầu hết các chất thải từ sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm của hàng nghìn hộ dân sống chung quanh đầm vô tư xả vào đầm; cộng với hơn 230 hộ xây dựng nhà trái phép trên mặt đầm nhưng nhiều hộ không xây hố xí thải là nguyên nhân quan trọng dẫn tới ô nhiễm môi trường đầm Ô Loan.

Một người dân ở thôn Tân Long, xã An Cư đang sinh sống ngay trước mặt đầm cho biết: Trước đây, nguồn lợi ở đầm Ô Loan rất lớn như tôm, cá, cua, sò, hàu... Bây giờ đầm bị ô nhiễm do nuôi tôm hoặc dân thải phân bò, phân heo, nên không chỉ hôi thối mà nguồn lợi giảm nhiều. Nhiều hộ chúng tôi sống quanh đây làm không đủ ăn. Có khi cả ngày ngâm mình dưới nước nhưng cũng chỉ kiếm đủ tiền để mua hai, ba ký gạo.

Trước đây, mỗi năm cư dân sống quanh đầm Ô Loan khai thác ít nhất 200 tấn tôm, 150 tấn cá, 20 tấn cua, hàng chục tấn rau câu; đặc biệt là các loài nhuyễn thể khác vốn được xem như là đặc sản của Phú Yên như hàu, điệp và sò huyết…Tuy nhiên, nguồn lợi này hầu như giảm hẳn. Như sò huyết chẳng hạn, là một đặc sản vốn rất nổi tiếng nhưng từ nhiều năm nay sản lượng khai thác đã giảm đến 90%.

Khi nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại, sản lượng khai thác ngày càng ít nhưng dân số mỗi năm đều tăng nên tất yếu dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại nghề dùng xung điện, soi điện, lưới điện…nhằm khai thác cạn kiệt.

Cụ thể như nghề lưới điện vốn trước đây chỉ sử dụng trong hồ nuôi tôm sú mỗi khi thu hoạch nhưng nay đem ra đầm với điện áp mạnh hơn; lưới 3 màn vốn trước đây dùng khai thác trên biển nay lại đưa vào đầm quây kéo không chỉ gây xáo trộn đáy đầm mà bắt tất cả các loài thủy sản khi vào lưới. Hoặc như loại nghề bóng Thái Lan khi thả xuống đáy đầm thì bất cứ loài thủy sản nào đều không thoát. Phổ biến nhất là nghề lưới chấn. Khi màn đêm buông xuống, trên mặt đầm Ô Loan xuất hiện ánh đèn của hàng nghìn lưới chấn, nhưng nguy hiểm là kích thước mắt lưới nhỏ hơn qui định khai thác các cá thể nhỏ dưới mức cho phép.

Ông Nguyễn Văn Do - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết đã phát hiện và thông báo trong dân cấm một số nghề có tính chất hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở đầm Ô Loan nhưng xem ra biện pháp hành chính này vẫn không đem lại kết quả.
 
Thế Lập (TTXVN/Vietnam+)

  • Rùng mình với công nghệ làm bún tẩm hóa chất
  • Doanh nghiệp điện “kêu” bị áp thuế nhập khẩu vô lý
  • Cảnh báo tranh chấp đăng thông tin trên website của DN
  • Nhiều phương tiện, thiết bị sẽ phải dán nhãn năng lượng
  • Phát hiện thêm nhiều đồ chơi đĩa bay Trung Quốc giả sáng chế của TOSY
  • Từ 1/11 thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc
  • Hàng lậu vào cả siêu thị
  • Cảnh báo nguy hiểm từ thực phẩm, nước uống NK của Đài Loan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%