Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tái diễn than lậu

57 vụ án với hơn 260 cá nhân đã bị khởi tố (trong đó có cả Đoàn Văn Thức, em trai chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Than – khoáng sản – TKV)... chỉ làm tình hình khai thác, xuất lậu than lắng dịu thời gian ngắn trong năm 2008. Sang đầu năm 2009 đến nay, theo khẳng định của tỉnh uỷ Quảng Ninh, tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép, xuất lậu than bằng đường biển qua Trung Quốc lại tái diễn.

Than Quảng Ninh. Ảnh: Trần Việt Đức

Mới đây, trong một báo cáo chính thức gửi Trung ương, tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết: “Tình hình tiêu cực, thông đồng, móc ngoặc với cán bộ ngành than để đưa than từ trong khai trường của các đơn vị TKV bán ra ngoài cho tư nhân và hoạt động thu gom, tiêu thụ than trái phép vẫn diễn biến phức tạp”.

Lủng từ bên trong

Căn cứ các vụ án liên quan đến “nội bộ ngành than” do công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện và khởi tố từ đầu năm 2008 đến 31.7.2009, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá tình trạng móc ngoặc giữa các lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, cán bộ kiểm soát, nhân viên giám định, thủ kho, cán bộ quản lý cân điện tử… là phổ biến.

Các vụ án đã khởi tố về tội tham ô, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà nước tại các công ty than Dưng Huy, Nam Mẫu, Núi Béo, công ty kho vận Cẩm Phả… đều cho thấy rõ thực trạng trên. “Tình trạng này thể hiện quy trình quản lý, giám sát của nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc TKV rất lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng bên ngoài xã hội thông đồng, móc ngoặc với doanh nghiệp của TKV để bán than ra ngoài”, báo cáo của tỉnh uỷ Quảng Ninh nhận định.

Con số than xuất lậu, theo lãnh đạo Quảng Ninh, mỗi năm trước đây khoảng 10 triệu tấn, làm thiệt hại khoảng 4.500 tỉ đồng cho Nhà nước (nhưng ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT của TKV nói là “rất khó tin”). Riêng sáu tháng đầu năm 2009, các cơ quan chức năng Quảng Ninh đã xử lý 241 cửa lò, điểm khai thác và thu mua, gom than trái phép, 29 phương tiện đường thuỷ và 448 ôtô vận chuyển than trái phép đã bị giữ. Tổng số than khái thác, vận chuyển trái phép bị thu giữ trên 32 ngàn tấn, trị giá 10,5 tỉ đồng. Đã có 647 vụ việc phải xử phạt hành chính với số tiền gần 2 tỉ đồng. Đó là những nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước của Quảng Ninh.

Về phía ngành than, đã có hàng chục cán bộ, nhân viên một số công ty trực thuộc TKV ở Quảng Ninh trong thời gian gần đây đã bị cách chức, cho thôi việc, cảnh cáo… vì “vi phạm trong công tác quản lý tài sản, tài nguyên” như bảy người của công ty TNHH than Mạo Khê (gồm cả giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kế hoạch…), bốn người của công ty than Đồng Vông (có cả phó giám đốc, trưởng phòng), 30 người của công ty cổ phần đầu tư, thương mại và dịch vụ (gồm cả lãnh đạo một xí nghiệp, các nhân viên phụ trách bán than), một số cán bộ thuộc công ty Cảng, xí nghiệp 790 của tổng công ty Đông Bắc… Nhưng có vẻ như, các mức án kỷ luật cũng chưa đủ độ răn đe.

Mới đây, ngày 31.8, công an tỉnh Quảng Ninh lại có công văn gửi TKV đề nghị xử lý những điểm khai thác trái phép trong ranh giới mỏ, nhất là tại khu vực vỉa 10, 11 của công ty TNHH một thành viên than Mạo Khê. Vì trước đó, ngày 30.8, công an tỉnh đã đồng loạt kiểm tra và phát hiện tại khu vực trên, năm điểm lò khai thác than trái phép; bắt giữ 17 người đang tham gia khai thác than; thu giữ 140 tấn than nguyên khai, chín máy tời điện, chín máy phát điện, hai tấn thuốc nổ...

Nên dừng xuất khẩu than?

Như thừa nhận của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TKV, các hoạt động khai thác, vận chuyển, xuất lậu than đã xảy ra ở nhiều nơi mà chưa xử lý ngay được. Tại các khu vực than thùng (Yên Tử), vùng ranh giới khai thác công ty than Mạo Khê, vùng than: Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh, khu vực giáp ranh giữa công ty than Núi Béo và công ty than Hà Tu... tình trạng khai thác hầm lò có nơi còn diễn ra công khai, nhiều băng nhóm còn lộng hành ở khu vực Hòn Gai, Đông Triều. Công an thị xã Cẩm Phả lại mới bắt thêm hai tàu chở gần 800 tấn than bán cho một công ty tư nhân (để xuất lậu sang Trung Quốc).

Theo một số chuyên gia làm việc trong ngành than, nên chấm dứt ngay mọi hoạt động xuất khẩu than và nâng giá bán than trong nước theo đúng giá thị trường. Bởi, còn xuất khẩu than – một loại tài nguyên quý không thể tái tạo của đất nước – sẽ không thể nào chấm dứt được các hoạt động khai thác, xuất lậu than vì lợi ích đem lại cho những kẻ phạm pháp là quá lớn.

Nếu không, cứ chặn được khe hở về khai thác, vận chuyển lại có những kẽ hở mới về việc kiểm duyệt bán than (giá thấp hơn) cho các hộ tiêu thụ trong nội địa, trong cấp phép kinh doanh than... để từ đó những nguồn than lại bị chiếm đoạt, xuất lậu. Cho nên, chừng nào TKV còn muốn đẩy mạnh xuất khẩu than, lập thành tích thì chừng đó, tài nguyên còn bị thất thoát. Để rồi, theo tính toán của chính tập đoàn này, năm 2013, Việt Nam sẽ chính thức phải nhập than, đặt nền kinh tế đứng trước nguy cơ mất cân bằng năng lượng.

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Giải tỏa những khúc mắc về thuế
  • Bắt Giám đốc trộm cắp hơn 1 tỷ đồng
  • Vedan không chấp nhận hỗ trợ dân 550 tỷ đồng
  • TPHCM: Nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa
  • Phát hiện phế liệu điện tử nguy hại nhập trái phép
  • Không phát sinh thêm tình tiết mới !
  • Truy thu thuế với ôtô nhập khẩu vi phạm về thuế
  • Kinh hoàng da lợn thối làm nem chua!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%