Số da heo vi phạm này sẽ được tiêu hủy ngay khi cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu sau khi tiêu hủy có thể biết số da trên đã được tẩm hóa chất gì? Cơ sở sản xuất nào đặt mua và mua để làm gì?
Như thông tin đã đưa, chiều 4-9, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 4 và Công an quận Đống Đa (hà Nội) đã kiểm tra xe khách 65M-1610 đang rời Bến xe Nước Ngầm đi Cần Thơ. Có 26 bao tải chứa 2,6 tấn da heo không giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã được phát hiện và trong số đó có lượng da “đang trong quá trình phân hủy”.
Bức xúc cách xử lý
Rạng sáng 7-9, chiếc xe trên đã về tới Cần Thơ. Trao đổi với PV, chủ xe là ông Nguyễn Hùng Dũng khẳng định ông chỉ chở thuê cho người khác, không phải chủ nhân của số da thối nói trên như các báo đưa tin. Ông nói: “Số hàng này là của một người tên D. thuê tôi vận chuyển về Cần Thơ với giá 50.000 đồng/bao. Ông này khẳng định hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nên không cần giấy tờ gì cả. Tôi tin nên chấp nhận chở, không ngờ sự việc nghiêm trọng khiến mình bị vạ lây!”.
Theo ông Dũng, khi cơ quan chức năng kiểm tra, ông đã từ chối ký biên bản với tư cách chủ hàng và đã điện thoại thuyết phục ông D. đến Đội QLTT số 4 giải quyết. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút “làm việc riêng” với ông D., Đội QLTT lại tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính ông Dũng và buộc ông ký tên chủ lô hàng vi phạm. Ông Dũng bức xúc: “Xe bị giữ trễ hơn bốn tiếng đồng hồ, mấy chục khách trên xe phản đối nên tôi phải chấp nhận ký cho êm xuôi để về sớm. Tôi không biết nên vi phạm lỗi vận chuyển hàng không có kiểm dịch, tôi chấp nhận chịu phạt theo quy định pháp luật. Còn chủ số hàng thật sự đến gặp mặt và làm việc trực tiếp với họ, vậy mà họ không lập biên bản vi phạm, lại vui vẻ cho về!”.
Một cơ sở sản xuất nem chua.
Trả lời chúng tôi về việc “số da trên có được bán cho các cơ sở làm nem?”, ông Dũng khẳng định: “Tôi không biết ai là người mua làm sao biết mua để làm gì. Biên bản có ghi như vậy, theo tôi là do sau khi làm việc với ông D., cán bộ lập biên bản tự ghi vào. Việc này tôi cũng có làm tường trình riêng và đã gửi cơ quan chức năng.”. Anh Dương, một người đi chuyến xe trên, nói: “Đội QLTT làm dữ lắm, làm việc căng thẳng và rất lớn tiếng. Nhưng khi chủ hàng đến (ý nói ông D. - PV) thì kéo vào phòng riêng làm việc rồi... êm xuôi! Tôi cũng thấy kỳ lạ.”.
Mỗi đợt, hàng chục tấn da thối nào Nam?
Theo một nguồn tin, ông D. chuyên thu gom da heo ở nhiều khu giết mổ và chợ bán lẻ tại Hà Nội, sau đó cho tập kết về các bến, thuê xe chở về miền Nam. Một tài xế tuyến Hà Nội - Cần Thơ cho biết cứ khoảng hai tháng ông D. sẽ thuê một chuyến chở hàng 10-15 tấn về Vĩnh Long. Các xe được thuê chở không được biết ai là người mua. Thường thì đến tại bãi đậu xe gần chân cầu Mỹ Thuận - phía bờ nam sông Tiền, hàng sẽ được tuồn xuống và sẽ có người ra nhận. Cước vận chuyển từ 50.000 đồng/bao tải và đã được ông D. trả trước.
Một tài xế xe ôm thường đậu ở điểm này nói: “Từ đây, số hàng sẽ được vận chuyển đi Lai Vung, Sa Đéc (Đồng Tháp) và một số về các lò nem ở trung tâm tỉnh Vĩnh Long” (?).
Nhìn rất ngon mắt, nhưng chất lượng thì còn bò ngỏ...
Để gom đủ số hàng đến cả chục tấn như vậy, ít nhất ông D. cũng mất vài ngày đến một tuần. Thời gian vận chuyển vào Nam cũng mất thêm hai ngày hai đêm. Theo chúng tôi, rất có khả năng hàng sẽ được bảo quản bằng hóa chất, không an toàn cho người tiêu dùng nếu được làm nguyên liệu chế biến nem - món ăn rất được ưa thích của nhiều người dân Nam bộ.
Người bán nem cũng không rõ chất lượng
Anh Hòa, chủ một cửa hàng bán nem, chả khá lớn ven quốc lộ 1A (TP Vĩnh Long), cho biết: “Thông thường các lò nem tự lo hết phần thủ tục, chứng nhận đảm bảo chất lượng. Dân bán lẻ như chúng tôi khó biết họ mua nguyên liệu gì và chế biến ra sao. Thấy người tiêu dùng tin tưởng, hỏi mua nhãn hiệu gì nhiều thì mình lấy về bán thôi”.
Trung bình một cửa hàng bán lẻ có thể bán cho hơn 100 khách với số lượng 1.000-2.000 nem/ngày. Theo ước tính của một người có 10 năm kinh nghiệm trong nghề, chỉ riêng Đồng Tháp và Vĩnh Long đã có trên 30 cơ sở sản xuất nem hoạt động nhộn nhịp với lượng bán ra trung bình từ 20.000 nem/cơ sở/ngày. Trong khi đó, để làm ra từ 10.000 nem, một cơ sở phải cần đến hơn một tấn da và nguyên liệu. Đây là con số không dễ tìm nếu chỉ mua da tại các tỉnh lân cận!
Theo quy định, số da heo vi phạm này sẽ được tiêu hủy ngay khi cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi liệu sau khi tiêu hủy có thể biết số da trên đã được tẩm hóa chất gì? Cơ sở sản xuất nào đặt mua và mua để làm gì? Điều này chỉ chờ câu trả lời từ Đội QLTT số 4 TP Hà Nội.
Trả lời các cơ quan báo chí sau sự việc này, bà Đỗ Thị Tú - Trạm trưởng Trạm thú y quận Đống Đa (Hà Nội), nói: “Số da heo này đã xử lý bằng hóa chất rất độc hại. Nó lại được dùng làm nem chua. Việc người dân ăn loại nem sử dụng nguyên liệu này rất nguy hiểm. Đây cũng chính là căn nguyên của những bệnh nan y”... Tuy nhiên, tại biên bản kiểm tra không có điểm nào thể hiện việc “xử lý bằng hóa chất độc hại”.
(Theo baoangiang)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com