Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thay thế thủ tục hành chính : Mới dừng ở... phép cộng

Kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, các bộ ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị bãi bỏ, thay thế thủ tục hành chính (TTHC) chỉ là việc ghép cơ học các thủ tục. Việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC còn thiếu chính xác. Đây là kết luận của Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, tại buổi giao ban mới đây.

Kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, theo báo cáo của các bộ, ngành, có trên 5.500 TTHC đã được rà soát, trong đó có 453 TTHC được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; 3.794 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung; và 288 thủ tục được kiến nghị thay thể, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%.

Còn nhiều tồn tại

Tổ phó Tổ công tác chuyên trách Ngô Hải Phan cho biết, mặc dù đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%. Tuy nhiên, chất lượng rà soát TTHC của các bộ, ngành còn nhiều tồn tại, thể hiện trên cả hai mặt chất lượng của phương án đơn giản hóa, cũng như việc tính toán chi phí tuân thủ TTHC. Nếu tính toán chi phí tuân thủ chính xác hơn thì còn nhiều bộ, ngành chưa đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí như yêu cầu.

Theo tính toán của các bộ, ngành, chi phí tuân thủ TTHC có thể được cắt giảm tương đương gần 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp áp dụng định mức chi phí rất cao đối với các thủ tục có phương án đơn giản hóa nhằm tăng tỷ lệ cắt giảm chi phí của bộ, ngành mình. Nhiều TTHC mặc dù không có kiến nghị đơn giản hóa, hoặc kiến nghị chưa đi vào các biện pháp cắt giảm chi phí nhưng kết quả tính toán giảm chi phí rất cao. Thậm chí, nhiều trường hợp việc cắt giảm chi phí đơn thuần là do cách thức tính toán mà không xuất phát từ phương án đơn giản hóa...

Theo Tổ công tác chuyên trách, nhiều kiến nghị bãi bỏ, thay thế TTHC được các bộ, ngành đưa vào báo cáo, nhưng bản chất chỉ là việc ghép cơ học các thủ tục, hoặc bãi bỏ các thủ tục được thống kê sai trước đây. Các kiến nghị đơn giản hóa mới chủ yếu tập trung vào các kiến nghị hoàn thiện pháp luật, sửa chữa các sai sót trong quá trình thống kê, sửa đổi biểu mẫu. Phương án đơn giản hóa đưa ra còn chung chung, thiếu thuyết phục, cá biệt có trường hợp không nêu lý do.

Tổ công tác chuyên trách đã chỉ ra nguyên nhân trực tiếp của những tồn tại trên là do các đơn vị chịu trách nhiệm rà soát TTHC chưa vào cuộc một cách nghiêm túc, vẫn còn tư tưởng làm đối phó cho xong.

Thiết lập hệ thống cơ quan kiểm soát TTHC

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc - Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, kiến nghị các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ của Đề án, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời gian trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát TTHC. Đây là cơ sở pháp lý để duy trì những kết quả cải cách TTHC mà Đề án 30 đã mang lại.

VN đã thiết lập và công bố công khai bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Đề án 30 giúp chuẩn hóa thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống chỉ còn 63 bộ TTHC cấp xã và 63 bộ cấp huyện tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo tính toán, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC này sẽ tiết kiệm được cho dân và doanh nghiệp khoảng 5.700 tỷ đồng/năm (tương đương 300 triệu USD/năm).

Theo tinh thần của Nghị định 63/NĐ-CP, một hệ thống các cơ quan kiểm soát TTHC sẽ được thành lập từ trung ương đến địa phương trên cơ sở kiện toàn lại 88 Tổ công tác thực hiện Đề án 30 tại các bộ, ngành, địa phương. Các bộ phận này được đặt tại Văn phòng bộ và Văn phòng UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, trên cơ sở phương án đơn giản hóa TTHC do Tổ công tác Đề án 30 đề xuất và thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, trước ngày 30/6 cần hoàn thiện phương án đơn giản hóa đối với TTHC thuộc phạm vi chức năng của lý của bộ, ngành, đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC. Một số đơn vị có chất lượng rà soát thấp như Bộ Công Thương và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được đưa ra kiểm điểm, nhắc nhở tại kỳ họp tổng kết 6 tháng đầu năm của Chính phủ.

Truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/NĐ-CP về kiểm soát TTHC, bảo đảm tính liên tục của việc cải cách TTHC trong và sau Đề án 30. Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm bảo đảm tính công khai, chính xác của các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành theo đúng hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Báo cáo về công tác cải cách và đơn giản hóa TTHC để Quốc hội giám sát.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Kiểm soát chặt chẽ khí thải xe môtô, gắn máy
  • Hà Nội: Thực hiện thành công dự án hiện đại hóa quy trình quản lý thu, nộp thuế
  • Phạt tiền lên tới 40 triệu đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực điện lực
  • “Thay tên đổi họ” có mạnh lên?
  • Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hoà trung tâm
  • Giá tính thuế tài nguyên
  • Sẽ giảm phiền toái nhờ bớt thủ tục
  • TPHCM: Ban hành chính sách nhà ở và thị trường bất động sản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%