Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thịt bẩn nhập khẩu : Hàng trăm tấn bán đi đâu?

Hôm  21.7, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra các kho chứa thực phẩm nhập khẩu của công ty Vinafood ở Bình Dương, sau khi phát hiện nhiều sai phạm đối với những lô hàng nhập khẩu của đơn vị này mà Sài Gòn Tiếp Thị đã đưa tin

Vấn đề nguy hiểm là thịt đông lạnh nhập khẩu (không loại trừ thịt bẩn đã bị cơ quan chức năng phát hiện), bằng nhiều con đường, đã đến được với bữa ăn của người dân và rất khó kiểm soát.

Đường đi của thịt đông lạnh

Người tiêu dùng sẽ không thể phân biệt đâu là thịt sạch, đâu là thịt bẩn với cách buôn bán như thế này. Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo trung tâm Thú y vùng VI, hiện có 37 công ty nhập sản phẩm thịt gia cầm và bảy công ty nhập thịt heo làm thủ tục nhập khẩu qua cảng TP.HCM. Trong đó, Vinafood là một trong những nhà nhập khẩu thịt đông lạnh lớn nhất Việt Nam.

Một số doanh nghiệp, siêu thị… mà chúng tôi tiếp xúc đều chối đây đẩy: “không lấy thịt của Vinafood”. Trong khi chờ cơ quan chức năng xác định (qua hoá đơn) về số thịt nhập về (có thịt không đạt chất lượng) đã được bán đi đâu, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thịt đông lạnh nhập khẩu được phân phối ra thị trường qua hai ngả: công ty sản xuất chế biến thực phẩm và thị trường tiêu thụ lẻ gồm nhà hàng, khách sạn, quán ăn, sạp chợ…

Ở đầu ra thứ nhất, có thể thấy các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm công nghệ như: xúc xích, đồ hộp, giò chả… là khách hàng lớn nhất, tiêu thụ từ vài trăm đến hàng ngàn tấn thịt đông lạnh mỗi tháng. Chế phẩm của thịt đông lạnh là các loại xúc xích tiệt trùng, thịt xốt cà, thịt hầm, thịt chà bông, giò chả, kể cả chả lụa.

Đường tiêu thụ thứ hai, là bán cho các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, quán ăn và các hộ gia đình...

Bảo quản: “sạch” cũng thành “bẩn”

Ngoài chợ, với cách bán thịt đã rã đông để trên khay cho khách chọn và cân ký, hoặc thịt bán trong bao nilông có thương hiệu nhưng đã cắt mở miệng bao, thịt gà tẩm ướp gia vị sẵn… thì người mua không thể phân biệt nguồn gốc.

Chưa kể tới thịt sạch nhập khẩu cũng bị biến chất nếu bảo quản không đúng cách. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tiết lộ, để trữ đông lượng thịt gà từ 60 – 70 tấn, doanh nghiệp nhập khẩu phải đầu tư ít nhất 500 triệu đồng xây dựng kho (chưa tính tiền thuê đất, mua đất làm mặt bằng kho). Trong số trên 40 công ty nhập khẩu thịt gia cầm và heo đông lạnh, doanh nghiệp có hệ thống kho lạnh bảo quản chỉ đếm đầu ngón tay, còn lại hầu hết phải đi thuê kho dự trữ với giá khoảng 33 USD/tấn/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng VI cho biết, qua kiểm tra, kho trữ đông của các đơn vị cho thuê lại không chuyên dùng, cùng một lúc chứa nhiều mặt hàng chung nhau, rất dễ gây nhiễm vi khuẩn từ loại thực phẩm này sang loại khác. Vinafood là một đơn vị nhập khẩu thực phẩm lớn nhưng đơn vị này phải đi thuê kho ở nhiều nơi như Thủ Đức, Tân Bình, Bình Dương, cảng rau quả quận 7 để trữ hàng.

Ông Nguyễn Xuân Bình nói: “Theo quy định, thời hạn sử dụng thịt nhập khẩu tối đa một năm rưỡi đến hai năm tính từ ngày sản xuất, với điều kiện phải được bảo quản thường xuyên trong điều kiện nhiệt độ âm 18 đến âm 200C. Thế nhưng, do doanh nghiệp xuất kho bán thường xuyên nhiều lần trong ngày nên nhiệt độ khó đảm bảo. Nguyên tắc bắt buộc là khi đã rã đông, nếu bán không hết trong ngày thì phải huỷ bỏ”.

Chưa “xem” khâu chế biến

Đáng lưu ý là đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành kiểm tra việc sử dụng thịt nhập khẩu ở các nhà máy chế biến, bếp ăn tập thể, mà mới chỉ kiểm tra khâu nhập khẩu, phân phối lưu thông. Ngay tại các chợ, việc kiểm tra vẫn rất “thưa thớt”, và phổ biến chuyện bán thực phẩm đông lạnh không đúng quy cách (không có tủ lạnh). Còn thịt nhập khẩu nhiễm vi sinh, trước đây vẫn được phép đem chiếu xạ rồi sử dụng. Mãi đến 14.7, cục Thú y mới có công văn quy định phát hiện thực phẩm nhập khẩu nhiễm vi sinh thì buộc tiêu huỷ, tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng (làm thức ăn gia súc)!

Đặng Hoàng – Minh Thành

Vinafood: phát hiện thêm hàng loạt sai phạm

Chiều ngày 21.7, đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương tiếp tục phát hiện hai lô hàng thịt nạc đầu heo với số lượng gần 600 thùng của Vinafood đang để trong kho lạnh Sea Sài Gòn (khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương) bị dán nhãn mới, trong đó có ghi hạn sử dụng đến tháng 1.2010, trong khi nhãn gốc ngày sản xuất là tháng 12.2007. Ngoài ra, ba mặt hàng gan heo với số lượng lên đến 50 tấn (hơn 3.600 thùng) phát hiện ghi sai thành phần (gan heo nhưng lại ghi thịt heo). Có 26 tấn thịt heo khác cũng được Vinafood dán nhãn phụ ghi hạn sử dụng hai năm trong khi quy định cho phép chỉ được tối đa 12 – 18 tháng tuỳ vào nhiệt độ bảo quản. Cũng tại kho Sea Sài Gòn, một số thùng hàng thịt nạc trong nhãn gốc ghi ngày sản xuất tháng 4.2008 nhưng Vinafood lại dán nhãn phụ ghi ngày sản xuất tháng 5.2008.

Sáng cùng ngày, khi kiểm tra 379 tấn gia súc, gia cầm tại kho lạnh Swire (khu công nghiệp Sóng Thần) đoàn cũng phát hiện một lô hàng bất nhất về nội dung nhãn: trên nhãn phụ của Vinafood ghi thịt heo nhưng thực tế mở ra kiểm tra lại là… lá lách heo! Cũng tại kho này, ba lô hàng thịt heo ba rọi với khối lượng lên đến 55 tấn không có nhãn hàng hoá của nhà nhập khẩu. Ngoài ra, một lô sườn heo Hans Fresh với khối lượng trên 8 tấn (413 thùng) ghi sai ngày sản xuất. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu công ty Vinafood cung cấp hồ sơ và giải trình về những bất minh này.

Hoàng Bảy

(Theo SGTT)

  • Vụ dàn cảnh trộm tiền của người giao dịch ngân hàng: Phá chuyên án sau 6 ngày
  • Niêm phong 8 tấn thịt heo của Vinafood chờ tiêu hủy
  • Thực phẩm nhập khẩu hết hạn: Vẫn tuồn ra thị trường
  • Dân thắng kiện, nhà thầu Nhật phải bồi thường
  • Vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn: Truy tố nguyên Chủ tịch UBND huyện và 9 đồng phạm
  • 61% nhà, đất công bị sử dụng sai mục đích tại TP HCM
  • Phát hiện hàng trăm tấn thực phẩm quá hạn trong kho Vinafood
  • Truy thu tiền thuê đất công
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%