Bộ Tài chính bác các đề xuất chính sách về tài chính góp phần hạn chế ùn tắc giao thông ở TPHCM và TP Hà Nội vì cho rằng không hiệu quả
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa có ý kiến đối với đề xuất chính sách tài chính góp phần hạn chế ùn tắc giao thông ở TPHCM và TP Hà Nội. Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đồng ý cho hai TP quyết định mức thu lệ phí trước bạ đến 15% đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi (tăng gấp 3 lần so với mức hiện hành) để hạn chế tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân. Còn các đề xuất khác Bộ Tài chính không đồng ý.
Không cho thu phí lưu hành xe.
Theo đề xuất của TPHCM, người sử dụng xe máy phải đóng 500.000 đồng/năm, ô tô 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đóng 10 triệu đồng/năm. Số tiền này được gọi là phí lưu hành xe hằng năm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không đồng ý với đề xuất này và cho biết sẽ nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước như Singapore, Philippines... để cân nhắc việc chỉ nên thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông hay thu cả 2 loại phí (phí quản lý, lưu hành phương tiện về khí thải).
Đối với đề xuất tăng mức lệ phí đăng ký xe máy và ô tô (đối với xe máy: từ 500.000 đồng – 2 triệu đồng/lần/xe lên 1 triệu đồng – 4 triệu đồng/lần/xe, đối với ô tô: tăng từ 2 triệu đồng/lần/xe lên 50 triệu đồng/lần/xe), Bộ Tài chính cũng không đồng ý. Riêng đề xuất điều chỉnh nâng mức thu phí tạm dừng ô tô từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/xe/lượt dừng hoặc 500.000 đồng/xe/tháng của UBND TPHCM, Bộ Tài chính yêu cầu vẫn phải áp dụng mức thu không được quá 5.000 đồng/xe/lần tạm dừng và không quá 100.000 đồng/xe/tháng. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, sửa đổi mức thu cho phù hợp thực tế của từng địa phương.
Giải pháp không khả thi!
Sở dĩ Bộ Tài chính bác phương án tăng lệ phí đăng ký, phí lưu hành xe hằng năm vì lo ngại sẽ làm tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông. Theo Bộ Tài chính, đối với vấn đề tăng cao lệ phí đăng ký xe ở 2 TP lớn sẽ dẫn đến tình trạng chủ sở hữu đăng ký lưu hành tại các địa phương lân cận (đặc biệt là xe máy) rồi mang xe vào TP sử dụng. Như vậy, số lượng xe tham gia giao thông vẫn tăng, việc hạn chế giao thông không có hiệu quả. Điều này đã được chứng minh qua chính sách cấm đăng ký xe tại TP Hà Nội và TPHCM trước đây.
Về việc thu phí lưu hành xe hằng năm, Bộ Tài chính cho rằng nếu muốn áp dụng khoản thu phí này nhằm làm giảm ùn tắc giao thông thì cần xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung vào danh mục phí, lệ phí. Một vấn đề nữa đặt ra: Nếu chỉ thu phí riêng ở TPHCM và TP Hà Nội thì phải thu như thế nào đối với xe ngoại tỉnh, thu theo số lần tham gia lưu thông hay theo năm, tổ chức bộ máy như thế nào...? Nếu theo số lần tham gia lưu thông thì cần đặt các trạm thu phí, điều này không khả thi vì có thể gây ùn tắc nhiều hơn tại trạm thu phí. Nếu thu hằng năm thì phải tổ chức kiểm tra việc nộp phí của người sử dụng phương tiện, việc này cũng gây nhiều phiền toái.
Riêng việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Tài chính yêu cầu 2 TP lớn kiến nghị với Bộ GTVT, Bộ Công an vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2008). Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng/lần vi phạm (trước đây là 30 triệu đồng/lần vi phạm).
(Theo báo Người lao động )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com