Từ lâu, Tiên Phước đã là địa phương nổi tiếng với những đặc sản như quế, tiêu, lòn bon... đã tạo hương vị riêng của một vùng. Những loại cây trồng này được xem là cây chủ lực trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, sản phẩm làm ra vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và chưa làm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho “đặc sản” Tiên Phước.
Hoa quả trên vùng đồi dốc
Kể từ năm 1996 đến nay, huyện Tiên Phước đã thông qua 3 đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Mỗi đề án thông qua mang tính đặc thù, kế tục nhằm vạch chiến lược qui hoạch phát triển kinh tế vườn phù hợp ở từng giai đoạn. Đề án sau đòi hỏi chuyển tiếp nâng lên một bước, mở rộng qui mô, chất lượng, theo hướng phát triển huyện Tiên Phước thành một vùng chuyên canh, về sản xuất hàng nông sản thực phẩm và tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp chế biến cho những năm sau này. Theo đó, huyện đã huy động mọi nguồn lực tạo cơ chế, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn ưu đãi trong và ngoài nước và xây dựng các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại nhằm hướng dẫn nhân dân áp dụng vào trồng trọt ở địa phương. Riêng trong 3 năm gần đây (2006-2008) huyện Tiên Phước đã tạo điều kiện cho các ngành, đoàn thể vận động và đứng ra tín chấp ngân hàng hơn 30 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt hộ dân vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và chăn nuôi. Nhờ vậy, nông dân Tiên Phước bắt tay ngay vào việc cải tạo các vườn tạp, kém hiệu quả kinh tế và các vùng đất bỏ hoang, để trống, xây dựng thành những mô hình kinh tế vườn có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã tiến hành cải tạo 1.859 ha diện tích vườn tạp và có 1.000 hộ đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại với tổng diện tích 700 ha. Riêng thu nhập kinh tế vườn, mỗi năm đạt hơn 30 tỷ đồng và trung bình mỗi vườn hằng năm thu hoạch đạt từ 20 đến 25 triệu đồng.
Cây tiêu, cây quế, lòn bon của Tiên Phước hiện nay chiếm vị trí chủ lực trong cơ cấu cây trồng kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở địa phương. Riêng cây quế toàn huyện hiện có khoảng 1,5 triệu cây, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 200 tấn quế khô và hiện có hơn 100 nghìn gốc tiêu, mỗi năm cho thu hoạch 300 tấn hạt. Đó là chưa kể đến mỗi năm sản lượng lòn bon đạt khoảng 500 tấn/năm, sản lượng chuối trên 1.000 tấn quả/năm. Ngoài ra, nhiều loại cây giống mới du nhập về vùng đất Tiên Phước như thanh long, măng cụt, nhãn và các loại cây có múi khác, bước đầu kết hoa sum sê, lúc lỉu quả ngọt, hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho “đặc sản” Tiên Phước
Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân những năm gần đây, nông dân Tiên Phước doanh thu từ cung ứng các loại cây con giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh đạt trên hàng trăm triệu đồng. Dù nổi tiếng với hàng nông sản, nhưng thương hiệu các mặt hàng của Tiên Phước vẫn chưa định danh trên thị trường. Một trong những nguyên nhân là do chưa xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản, về xuất xứ hàng hóa hàng nông sản. Bởi vì, hàng nông sản Tiên Phước cung ứng ra khỏi địa phương, nằm cạnh với các mặt hàng nông sản khác, thì ai có thể phân biệt được, đâu là tiêu, đâu là quế Tiên Phước. Đặc biệt, trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt, vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý là vấn đề quan trọng, để tạo sự uy tín chiếm lĩnh thị trường.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Geographical Indication GI) là chỉ dẫn xác định một hàng hoá có nguồn gốc từ một lãnh thổ nhất định, hoặc một khu vực hoặc địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định, chủ yếu do nguồn gốc địa lý quyết định. Chỉ dẫn địa lý được thừa nhận ở 150 quốc gia tham gia TRIPS bởi những lợi ích thương mại của nó mang lại. Việc xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm giúp cho người sản xuất các sản phẩm sẽ tổ chức và sử dụng tốt hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thêm nguồn thu kinh tế tiềm năng và phát triển vùng. Đối với người tiêu dùng là bảo vệ tránh lừa dối và sử dụng sản phẩm đáng tin cậy; còn đối với nền kinh tế quốc gia là bảo vệ các giá trị truyền thống và di sản quốc gia và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. |
Thực tế cho thấy nhiều loại nông sản nối tiếng như quế, tiêu, lòn bon, chuối mít... mang hương vị riêng của Tiên Phước, nếu như xây dựng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khẳng định được xuất xứ của hàng hóa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vì, từ trước đến nay, từ trồng trọt đến thu hoạch chế biến và bán ra thị trường hàng nông sản đều mang tính tự phát. Theo ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết: “Hiện nay, Sở Khoa học & Công nghệ đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ xúc tiến xây dựng một số chỉ dẫn đăng ký bảo hộ các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của tỉnh, trong đó có các mặt hàng nông sản ở huyện Tiên Phước”. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là xác định cơ sở khoa học cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đang gặp nhiều trở ngại. Trước hết, việc xác định về điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, phương thức sản xuất của các mặt hàng nông sản còn thiếu dữ liệu có liên quan đến các yếu tố đất đai, thổ nhưỡng với thời gian điều tra, đánh giá và việc xác định tập quán sản xuất, một trong những yếu tố quyết định đến sự khác biệt (phân biệt) về chất lượng sản phẩm còn mang tính chất định tính, vì một số sản phẩm nông sản được người dân xem đó là bí quyết gia truyền của dòng họ, của làng, xã. Theo ông Tích, trong thời gian đến Sở Khoa học & Công nghệ sẽ mở đợt khảo sát đánh giá hiện trạng các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng trên địa bàn của tỉnh, xác định cơ sở khoa học để xây dựng danh mục, đánh giá khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm đặc trưng hàng nông sản nổi tiếng của tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định hiện trạng pháp lý để xác định hình thức bảo hộ cho phù hợp. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 100% sản phẩm nổi tiếng trên địa bàn của tỉnh được bảo hộ sở hữu trí tuệ theo nghị quyết HĐND tỉnh về triển khai Chiến lược khoa học và công nghệ đã đề ra.
(Theo báo Quảng Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com