Ngày 6-10-2009, lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tổ chức tiếp xúc cử tri là đại diện các doanh nghiệp (DN) để nghe trình bày về những nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động. Ngoài những đề nghị được trợ giúp về vốn, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa,… cải cách hành chính vẫn là vấn đề khiến nhiều DN bức xúc…
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: CÒN PHIỀN HÀ
Theo đánh giá của đại diện các DN, trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện TTHC có liên quan. Tuy nhiên, việc cải cách TTHC còn nhiều mặt tồn tại, như thủ tục rườm rà, phức tạp; quy trình, thời gian giải quyết kéo dài... khiến nhiều DN bị rơi vào cảnh “hành là chính” khi liên hệ giải quyết TTHC. Bà Phạm Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Địa ốc Đất Phương Nam, kể: “Có lần, tôi đến Sở Giao thông Vận tải để xin giấy phép vận chuyển, nhưng cán bộ của Sở thông báo lãnh đạo Sở bận đi họp, không giải quyết được. Hôm khác tôi đến thì có “sếp”, nhưng lại vắng cán bộ phụ trách cấp giấy phép vận chuyển. Lúc khác tôi đến, thì lại thiếu nhân viên đóng dấu... Theo quy trình xử lý hồ sơ này chỉ cần giải quyết trong 1 hoặc 2 ngày là xong, nhưng tôi phải đi lại nhiều lần, đợi 5-6 ngày”. Bà Lan cho biết thêm, thông thường, các đơn vị, cá nhân đều lựa chọn ngày tốt để vận chuyển, nhưng do quy trình cấp phép còn rườm rà, phức tạp nên công ty nhiều lần phải vận chuyển “trước phép” cho kịp tiến độ cam kết với khách hàng, và chấp nhận chịu phạt, mặc dù như thế DN sẽ bị thiệt hại.
Công nhân lao động Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô trong giờ lao động. Ảnh: ANH DŨNG |
Để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, nhiều DN đề nghị thành phố nên mở rộng mô hình “một cửa liên thông”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải “chạy” thủ tục, hồ sơ. Ông Ong Đức Phát, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố, nói: “Tôi thấy cơ chế “một cửa liên thông” trong cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, mẫu dấu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vừa qua rất hiệu quả. Thành phố nên xem xét, nghiên cứu mở rộng việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong các lĩnh vực khác, nhất là trong cấp giấy chứng nhận đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN”. Ông Phát kể, bản thân ông có ý định đầu tư thêm một DN, nhưng chạy vòng vòng gần 2 năm, mất mấy trăm triệu đồng cho chi phí lập dự án đầu tư, nhưng cuối cùng dự án đầu tư vẫn chưa xong. “Khai sinh” một DN đã khó, nhưng đến khi DN làm thủ tục giải thể cũng không phải dễ dàng. Ông Ong Đức Phát cho biết, hiện nay nhiều DN ở quận Ninh Kiều phải... xếp hàng ở Chi Cục thuế quận Ninh Kiều chờ thực hiện thủ tục giải thể. Ông Phát bức xúc: “DN khi quyết định giải thể muốn nhanh chóng hoàn tất thủ tục để “kiếm đường” làm ăn mới, nhưng Chi Cục thuế nói nhiều DN giải thể quá nên phải chờ, khi nào tới lượt sẽ thông báo cho DN đến làm thủ tục. Thời gian chờ là “án treo” cho DN, làm sao họ an tâm để tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới?”.
Cũng xung quanh việc cải cách TTHC, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, nêu một thực tế về tình trạng “hiểu luật” giữa DN và cơ quan Nhà nước đôi khi khác nhau, nhưng chưa có cơ quan trọng tài nào để làm trung gian giải quyết. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương khi ban hành, nhưng khi đến tay DN rất chậm trễ nên không chủ động thực hiện. Một vài ý kiến phản ánh, UBND thành phố còn chậm trong việc cụ thể các văn bản của Trung ương để thực hiện trên địa bàn. Cụ thể như Chính phủ quy định từ năm 2006 sẽ bắt đầu tăng tiền thuê đất và mặt nước đối với các DN, nhưng đến 2007 UBND TP Cần Thơ mới ban hành quyết định thu tiền thuê đất và mặt nước. Dựa vào quyết định này, các cơ quan chức năng đã truy thu tiền thuê đất và mặt nước từ năm 2006. Trớ trêu là không ít DN từ DN Nhà nước cổ phần hóa, tất cả chi phí đã quyết toán ngân sách từ năm 2006. Do vậy, Ban Giám đốc công ty không biết nguồn tiền ở đâu để chi cho khoản “nợ’ này...
TĂNG CƯỜNG HOÀN THIỆN THỂ CHẾ
Trong những bức xúc về công tác cải cách hành chính, các thể chế văn bản pháp luật chưa hoàn thiện cũng gây khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động. Ông Nguyễn Văn Sử, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Kinh doanh nhà Cần Thơ, nêu ví dụ: Theo quy định hiện nay, việc bồi thường giải tỏa phải được thực hiện theo “giá thị trường”. Tuy nhiên, giá trị trường như thế nào thì không ai xác định được. Trên thực tế, cũng chưa có cơ quan chuyên trách về thẩm định giá thị trường, vì thế quy định này đang gây khó khăn cho DN. Việc một số dự án khu dân cư đô thị của các chủ đầu tư đang bồi thường “da beo” là hậu quả của việc thỏa thuận không được “giá thị trường” giữa DN và người dân. Mặt khác, do số lượng dự án thực hiện bồi thường, giải tỏa nhiều, nhưng nguồn nhân lực của Ban Bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng cấp quận lại ít, cùng lúc phải thực hiện vài chục dự án, nên quá tải. Đó là những nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án của DN, gây nhiều tổn thất về kinh tế đối với nhà đầu tư.
Một vài chính sách Thuế hiện hành cũng phần nào gây khó khăn cho DN trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể như quy định DN kinh doanh lúa gạo trong nước phải đóng 5% thuế giá trị gia tăng. Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Xuất khẩu Cần Thơ, nêu một nghịch lý: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng giá gạo trong nước đôi khi còn cao hơn giá gạo thế giới, do DN kinh doanh lúa gạo trong nước phải đóng 5% thuế giá trị gia tăng, còn thuế xuất khẩu mặt hàng này lại bằng không. Do vướng quy định này, nhiều DN muốn mở rộng hệ thống phân phối phục vụ người tiêu dùng trong nước không thực hiện được, do khó cạnh tranh với các DN “bán chui” không cần xuất hóa đơn”.
Rất nhiều DN cho rằng gói kích cầu của Chính phủ hỗ trợ DN thật sự có ý nghĩa trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, tuy nhiên rất nhiều DN vừa và nhỏ vì không đủ điều kiện tham gia do thiếu tài sản thế chấp nên không tiếp cận được nguồn vốn này. Các DN đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nguồn vốn kích cầu và tạo sự thông thoáng hơn, như cho DN vay vốn bằng dự án kinh doanh, để các DN vừa và nhỏ vốn rất “khát” vốn có điều kiện sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho lao động,...
Tại buổi gặp gỡ, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố, khẳng định: “Công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình điều hành, chỉ đạo của UBND thành phố. Vì thế, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết sớm những vấn đề DN phản ánh về những phiền hà, bất cập có liên quan đến cải cách hành chính. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, DN, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của thành phố”.
(Theo QUỐC TRƯỞNG/Cần Thơ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com