Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi bắt oan, khi để lọt!

Câu chuyện xe du lịch biến thành xe tải van để trốn thuế nhập khẩu không có gì mới lạ, vậy mà việc phân định rõ ràng thế nào là xe du lịch, thế nào là xe tải van luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Giới kinh doanh nhập khẩu ô tô đều hiểu rằng nhập khẩu xe van (xe bán tải) là “năm ăn năm thua” bởi luôn có sự không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong việc định danh loại xe này để tính thuế nhập khẩu. May rủi là vậy, nhưng do có sự chênh lệch thuế khá lớn giữa xe du lịch và xe tải van, cũng như sự mập mờ, khó xác định giữa hai loại xe này nên phong trào nhập xe van thỉnh thoảng lại rộ lên.

Tháo ghế, thêm sắt, xe du lịch biến thành xe van

Không quản ngại “rủi ro”, nhiều doanh nghiệp lại đang “mạo hiểm” nhập khẩu xe bán tải hiệu “Kia Morning” và “Daewoo Matiz”. Bề ngoài những chiếc ô tô này có kiểu dáng xe du lịch loại 5 chỗ ngồi. Thực tế khi làm thủ tục nhập khẩu, các doanh nghiệp đều khai báo là ô tô “tải van 2 chỗ ngồi”, các chứng từ như: hợp đồng nhập khẩu, hóa đơn thương mại, vận đơn, parking list đều thể hiện là “Kia Morning Van, Daewoo Matiz Van” hoặc ““Kia Morning 2 Van, Daewoo Matiz 2 Van”.

Từng có kinh nghiệm cay đắng với loại xe van, cơ quan hải quan “soi” khá kỹ các lô hàng này. Từ thực tế kiểm tra hàng hóa, cơ quan hải quan nghi ngờ người nhập khẩu đã thông đồng với người xuất khẩu tháo đi 1 hàng ghế, gia cố thêm một số thanh sắt… rồi “hô biến” thành xe tải van để gian lận thuế.

Kia Motors khẳng định không sản xuất, không xuất khẩu loại xe Kia Morning van, Daewoo thì có sản xuất loại xe Matiz van, nhưng chỉ để tiêu dùng tại Hàn Quốc

Lập tức Tổng cục Hải quan có công văn gửi các Cục Hải quan địa phương cảnh báo và yêu cầu các đơn vị hải quan cửa khẩu kiểm tra, mô tả chi tiết, chụp ảnh toàn bộ xe và các chi tiết được mô tả lưu kèm hồ sơ hải quan nhập khẩu. Các lô hàng tuy được tạm giải phóng, nhưng chưa tính thuế, chưa xác nhận Tờ khai nguồn gốc mà phải chờ chỉ đạo cụ thể của cơ quan cấp trên là Bộ Tài chính.

Mới đây, Bộ Tài chính chính thức có văn bản số 12392/BTC-TCHQ nêu rõ, Tổng cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với một doanh nghiệp để có cơ sở chỉ đạo xử lý chung. Đồng thời cơ quan hải quan cũng đã tiến hành xác minh tại các hãng Kia Motors và Daewoo Hàn Quốc.

Nhà sản xuất trả lời: Xe chở người

Trong văn bản trả lời, hãng Kia Motors khẳng định không sản xuất, không xuất khẩu loại xe Kia Morning van, đề nghị Việt Nam cấm nhập khẩu. Còn Hãng Daewoo thì cho biết, có sản xuất loại xe Matiz van nhưng để tiêu dùng tại Hàn Quốc, không xuất khẩu. Một loạt giấy hủy đăng ký xe tại Hàn Quốc (do doanh nghiệp được kiểm tra cung cấp) cũng xác định các xe nhập khẩu là xe chở người.

Căn cứ thực tế xe ô tô nhập khẩu, Thông tư 85/2003/TT - BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại hàng hóa theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và chú giải HS nhóm mã 8703 thì loại xe này được phân loại vào nhóm xe chở người.

Từ những căn cứ và kết quả kiểm tra nêu trên, Bộ Tài chính kết luận, các xe nêu trên là xe chở người. Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng ấn định thuế theo mức thuế đối với xe chở người. Đồng thời cơ quan này cũng cho rằng, có dấu hiệu gian lận thương mại trong việc khai các xe trên là xe tải van, loại 2 chỗ ngồi, tải trọng 300kg, yêu cầu hải quan địa phương kiểm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng làm rõ trách nhiệm của cán bộ hải quan liên quan, có các biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bị xử oan?

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp đã đồng tình, tâm phục khẩu phục với kết luận của Bộ Tài chính.

Liên quan đến các lô hàng này, Công ty Cổ phần thương mại tài chính Đại thế giới (Công ty Đại Thế giới) liên tiếp có văn bản kêu “oan”. Doanh nghiệp này cho rằng việc cơ quan hải quan chỉ tiến hành kiểm tra sau thông quan một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xe tải van để làm cơ sở xử lý chung cho các doanh nghiệp khác là chưa đủ thuyết phục về tính pháp lý.

Mặt khác, việc hãng Kia Motor khẳng định không sản xuất, không xuất khẩu loại xe Kia Morning van là cơ sở để hải quan xử lý thuế cũng như hành vi gian lận của các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, tuy nhiên, điều này không thể áp dụng với loại xe Matiz van. Mặc dù hãng xe Daewoo Hàn Quốc cho biết có sản xuất loại xe Matiz van, nhưng để tiêu dùng trong nước, không xuất khẩu. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty Đại thế giới thì nhà sản xuất không xuất khẩu không có nghĩa là xe nội địa trong Hàn Quốc không thể bán đi các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bà Thủy khẳng định, Công ty Đại Thế giới đã nhập khẩu loại xe Matiz van 2 chỗ ngồi, tải trọng 300 kg được hãng Daewoo sản xuất để bán tiêu dùng trong thị trường Hàn Quốc (xe nội địa). Doanh nghiệp đã nhập khẩu nguyên mẫu, không tự ý thay đổi công năng, do đó việc Bộ Tài chính xếp chung vào một “rọ” là xe du lịch như loại xe Kia Morning van là “oan”.

Cơ sở xác định

50% là mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao nhất đối với xe du lịch, xe van không phải chịu thuế này

Thực tế việc xác định xe tải van cần được căn cứ vào Tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003 “ô tô - phân loại theo mục đích sử dụng” của Bộ Khoa học công nghệ. Theo Bộ này, xe van hiện được phân thành 2 loại: xe van chủ yếu dùng ở người và xe van chủ yếu dùng chở hàng. Đối với loại xe van vừa chở người vừa chở hàng (loại xe vẫn đang gây tranh cãi hiện nay) thì chưa được quy định theo tiêu chuẩn TCVN 7271: 2003. Và cơ quan này đang chỉ đạo Tổng cục Đo lường chất lượng nghiên cứu rà soát tiêu chuẩn này để bổ sung. Trong khi chờ bổ sung, việc xác định chủng loại xe được căn cứ vào kết quả đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Đây chính là căn cứ để Công ty Đại thế giới và nhiều doanh nghiệp khác “trông vào” mỗi khi có tranh chấp với cơ quan hải quan về chủng loại xe. Đối với lô xe Matiz van mà Công ty Đại thế giới nhập khẩu, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là “ô tô tải van”. Vậy nên việc Bộ Tài chính kết luận là xe du lịch chở người không được doanh nghiệp chấp thuận.

Xem ra câu chuyện định danh xe tải hay xe du lịch vẫn đang tiếp diễn dài dài...
 
* Xe tải van có thuế suất nhập khẩu 80% và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Còn xe ô tô chở người có thuế suất nhập khẩu 90% và thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất từ 50%, 30%, 15%.

* Điều 5 Nghị định 26/2009/NĐ - CP quy định: đối với xe ô tô loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng quy định tại các Điểm 4d, 4g Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt là loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và chở hàng.

(Theo Hương Viên // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Cảnh giác khi mua xe máy giá rẻ qua mạng Internet
  • TPHCM: Đánh bài ăn tiền qua mạng Internet
  • Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN : Sẽ tiếp tục sửa
  • Biệt thự xây dựng không phép tại Bình Chánh - Sai phạm + chây lì = Hợp pháp?
  • Về vụ biệt thự xây dựng không phép tại Bình Chánh: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu
  • Vụ “Khu đất 1.400 lượng vàng bán… 500 triệu đồng”- Kiểm tra lại toàn bộ vụ việc
  • Sẽ lập lại trật tự thu phí trên toàn quốc
  • Lo ngại doanh nghiệp “lách” thuế tài nguyên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%