Dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 21/8/2009 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó, nhưng sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.
HR khẳng định không vi phạm hợp đồng
Theo cam kết tại cuộc họp bất thường (do TDW tổ chức) ngày 30/6/2008, HR phải hoàn thành thi công để cấp nước đến đường Lương Định Của vào ngày 4/8/2008 và xây dựng bản kế hoạch trong vòng 7 ngày. HR đã gửi bản kế hoạch cho TDW đúng thời hạn đặt ra, nhưng không thấy phản hồi.
Về nội dung có vi phạm tiến độ hay không, đại diện HR, ông Seong Gon Choi, Giám đốc Dự án giải trình, trong hợp đồng có quy định chủ đầu tư phải cung cấp kế hoạch và tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, nhưng HR không hề nhận được kế hoạch từ TDW. Trên thực tế, trong quá trình thi công, HR đã gặp không ít vướng mắc về mặt bằng thi công.
Thêm vào đó, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, dự án chậm không chỉ do tiến độ bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư, mà còn bởi tại thời điểm cuối 2007 và năm 2008 , đơn giá vật liệu xây dựng tăng mạnh từ 150 đến 200%, trong khi giá của hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thi công. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến HR và nhà thầu phụ.
Vì thế, theo Thanh tra Chính phủ, việc TDW sử dụng thẩm quyền của mình để phạt HR là chưa thỏa đáng, vì chưa xét đến những yếu tố trên.
Điều đáng nói là kể từ ngày Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 8/9/2009), đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo TDW xem xét lại việc phạt chậm tiến độ đối với HR và trả lại tiền BLTHHĐ cho HR, hoàn tất các công việc còn tồn tại của hợp đồng EPC, trong đó có việc thanh quyết toán giá trị khối lượng xây lắp mà HR đã hoàn thành theo quy định hợp đồng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2009. Song đến nay, TDW chưa thực hiện chỉ đạo, dù sau đó, UBND TP.HCM cũng có thông báo nhắc nhở, yêu cầu. Vì sao?
Lý lẽ của TDW
Xác minh của Thanh tra Chính phủ cho thấy, ngày 22/8/2008, TDW có văn bản gửi Ngân hàng KEB (Hàn Quốc) yêu cầu thu hồi tiền BLTHHĐ của HR, với lý do HR thiếu thiện chí trong việc thực hiện dự án trong năm 2008 cũng như việc không tăng cường nguồn lực để hoàn thành dự án theo yêu cầu. Hơn nữa, HR không phúc đáp thư từ hay yêu cầu của TDW từ ngày 5/8/2008.
Dù HR đã có thông báo gửi đến TDW xin lỗi về việc chậm trả lời Công văn ngày 6/8/2008 của TDW và cam kết bảo lãnh mới sẽ được phát hành trước ngày bảo lãnh cũ hết hạn và phía Ngân hàng KEB sau đó cũng có thông báo gửi đến TDW đã sẵn sàng cho việc gia hạn bảo lãnh, nhưng không được TDW đồng ý.
Ngày KEB chuyển tiền bảo lãnh cho TDW và cũng là ngày TDW ra thông báo chấm dứt hợp đồng với HR. Sau đó, TDW đã thuê một nhà thầu khác thực hiện khối lượng công việc còn lại.
Mong muốn của HR
Theo đại diện HR, HR đã hoàn thiện hơn 90% khối lượng dự án, thì có không lý do gì HR không muốn tiếp tục làm nốt phần còn lại!
Điều mà HR mong muốn trong cuộc họp sắp tới giữa hai bên là, sẽ có cách giải quyết ổn thỏa để chấm dứt tranh chấp. Ngoài ra, phải trả lại khoản BLTHHĐ cộng với lãi suất, chứng nhận những công trình mà HR đã hoàn thành... Tính đến thời điểm thanh tra, TDW đã sử dụng 857.872 USD (trên tổng số 5,7 triệu USD) mua vật tư phục vụ thi công, đồng thời cũng tạm chưa thanh toán toàn bộ giá trị khối lượng đợt 10 và các khoản phát sinh do một số yêu cầu thay đổi (đã được Công ty tư vấn CDM nghiệm thu), với tổng số tiền là 24,263 triệu USD.
Cần thiện chí của cả hai bên
Ông Trương Khắc Hoành, Phó tổng giám đốc TDW cho biết, trước hết, TDW cần nghe HR trình bày mong muốn của mình về cách giải quyết tranh chấp, TDW không hề muốn sự việc thêm căng thẳng. Trước đây, TDW đã khẳng định, ý kiến của Thanh tra Chính phủ chỉ là “ý kiến khuyến cáo để hai bên xem xét, chứ không phải là quyết định xử lý hợp đồng EPC”. Theo quy định, đơn vị có quyền phán xét là cơ quan trọng tài quốc tế. Còn các khoản thanh quyết toán, chi trả giữa hai bên sẽ được bàn bạc trong cuộc họp tới, song việc giải quyết vấn đề này nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào thiện chí của cả hai bên.
Ngày 3/2/2010, UBND TP.HCM cũng có văn bản chỉ đạo TDW chuẩn bị kỹ nội dung để làm việc với HR trên tinh thần hòa giải, thiện chí có xét đến quyền lợi hợp pháp của hai bên (dựa trên các điều khoản của hợp đồng đã ký). Hai bên phải đạt đến thỏa thuận có ràng buộc trách nhiệm và lộ trình thực hiện cụ thể. Nếu vẫn không đạt được thỏa thuận trong lần thương thảo cuối cùng này thì cơ quan trọng tài kinh tế quốc tế sẽ vào cuộc giải quyết.
(Theo Hải Âu // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com