Xe Reo của Mỹ, tải trọng 7 tấn nhưng vẫn chở ngon 25 tấn gỗ trên địa hình đồi núi . Ảnh: H.C |
LTS: Dẫn ra bài học Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai), tác giả cho rằng duy trì trạm cân xe trên quốc lộ với mục đích bảo vệ đường sá thực chất chỉ là cách làm “gọt chân cho vừa giày”. Quy định về tải trọng hiện nay chưa tính đến mức độ giới hạn chịu tải thực tế để phát huy tối đa tính năng thực của phương tiện. Bài viết đưa ra những kiến giải của “người trong cuộc”- tài xế xe tải với mong muốn gợi mở ý tưởng, đón nhận phản biện của bạn đọc về vấn đề đang gây tranh cãi này.
Việc tái lập các trạm cân trên quốc lộ sẽ đẩy tài xế xe tải đứng trước ba sự lựa chọn: nộp phạt - hạ tải, né trạm và hối lộ. Với biện pháp cân, đong thủ công, thời gian để một xe làm xong thủ tục qua trạm như ở Dầu Giây có thể lên đến… 15 giờ.
Cân hú họa, khó dọa nhà xe
Quy định cân xe tải trên quốc lộ dường như tái hiện hình ảnh thời kỳ bao cấp, khi cán bộ phòng thuế săm soi đi nắn bóp từng bao hàng. Bởi nếu việc cân đong thực hiện nghiêm túc, mỗi chiếc xe qua trạm cân Dầu Giây phải mất ít nhất 1 phút để dừng, kiểm tra, xử lý. Lấy con số xe qua trạm ngày 19 – 6 - 2010, từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối là 900 xe tải mỗi chiều.
Như vậy, từ chiếc thứ nhất đến chiếc cuối cùng phải mất 900 phút hoặc 15 giờ đồng hồ mới hoàn thành thủ tục kiểm tra; xe đến trạm lúc 6 giờ tối sẽ phải xếp hàng chờ đến… trưa hôm sau mới có thể qua trạm. Nếu 5% số xe vi phạm bị xử lý, lập biên bản, chắc chắn trạm cân này phải nâng cấp năng lực, lực lượng cán bộ nhân viên lên chục lần. Đó là chưa kể đến chi phí đầu tư xây dựng chỗ nghỉ ngơi cho tài xế xếp hàng làm thủ tục qua trạm, nhà kho để chứa hàng hóa của xe vi phạm buộc hạ tải…
Thực tế, trạm cân không thể “ôm sô” hết lượng xe mà chỉ có thể kiểm tra hú họa, vừa làm vừa… dọa. Cung cách làm việc này hẳn nhiên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, nhà xe bị đẩy vào thế phải lựa chọn một trong ba cách: nộp phạt nặng, hạ tải, sang xe chấp nhận chi trả thêm một chuyến nữa; chạy né trạm như ở Trạm Dầu Giây; song thông thường tài xế hầu như chỉ còn lối thoát thứ ba là hối lộ.
Cũng cần nói thêm về bức xúc của các doanh nghiệp nước ngoài ở khu vực Sóng Thần, Tân Uyên - tỉnh Bình Dương. Chỉ vận chuyển hàng qua với quãng đường vỏn vẹn 30km qua Đồng Nai, TPHCM, xe hàng của doanh nghiệp phải dừng lại làm thủ tục ở vài trạm thu phí và nay lại “gánh” thêm Trạm cân Dầu Giây.
Như vậy, việc khôi phục trạm cân trên toàn quốc chỉ tạo thêm cái “ách” níu chân doanh nghiệp vận tải, cản trở huyết mạch giao thông.
Xe tự nâng tải vẫn chạy tốt. |
Làm rõ giới hạn chịu tải thực tế
Việc nâng cấp xe để chở vượt tải có thực sự đáng sợ như chúng ta quy kết? Vấn đề là, từ trọng tải thiết kế (còn gọi là tải trọng danh định) đến trọng tải thực tế là một khoảng cách khá xa. Kết cấu của mỗi loại xe tải cũng khác nhau tùy vào nhà sản xuất. Nhật Bản thường thiết kế xe tinh xảo nhưng “tiết kiệm” tối đa vật liệu nên khó chở vượt tải. Trong khi, Nga, Mỹ, Hàn Quốc thường chế tạo khung sườn xe rất chắc chắn nên có thể chở vượt tải rất lớn.
Theo Sở GTVT Đồng Nai, sau 4 tháng thí điểm Trạm cân Dầu Giây (1-3 đến cuối tháng 6- 2009), có hơn 50 km đường tỉnh lộ, hương lộ trong tỉnh bị hư hỏng do xe tải né trạm chạy qua. Chi phí sửa chữa lại đường hư hỏng khoảng 70 tỷ đồng, trong khi xây dựng Trạm cân Dầu Giây chỉ mất gần 8 tỷ đồng. Trong thời gian này, có khoảng 110 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông được huy động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến tỉnh lộ, hương lộ song vẫn không giải quyết được tình trạng xe chở quá tải, né trạm Dầu Giây. |
Chiếc xe IFA của CHDC Đức cũ trọng tải quy định là 5 tấn nhưng khi các nhà cơ khí Việt Nam cải tiến, nâng cấp có thể chở 12 tấn và chạy tốt hàng chục năm. Chiếc xe Huyndai mã hiệu 355 PS đời 2000, cỡ bánh xe 10.00 - 20 được quy định trọng tải 8 tấn nhưng thực chất có thể chở 15 tấn, khi có cung độ tốt thậm chí có thể chở đến 20 tấn.
Trên đường nội tỉnh từ km số 5 thị xã Phú Thọ lên huyện Thanh Ba, sáng 13 - 6 - 2009, tôi ghi nhận được hơn ba chục đầu xe, trong đó có chiếc xe mang biển số 19N 19… chở được 40 tấn hàng trong khi trọng tải quy định cho loại này chỉ… 15 tấn! Trên các tuyến đường từ Tây Nguyên xuống duyên hải Trung Bộ, có thể bắt gặp nhiều xe Reo, Đốt của Mỹ, Kamaz của Nga chở gỗ, có trọng tải “gốc” chỉ 8 tấn nhưng có thể chở vượt tải vài lần.
Qua thực tế được kiểm chứng, nhiều trường hợp nâng cấp vượt tải vẫn ở biên độ an toàn cho phép. Trong nhiều trường hợp, chúng ta thường đổ oan cho xe tải “tội” làm sụt, lún đường. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại đường hay tại xe?
Bài 2: Quốc lộ là đường gì?
(Theo Nguyễn Huy Cường // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com