Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Từ 1/1/2009: Sao chép, phân phối tác phẩm văn học trên mạng Internet phải đóng tiền bản quyền

Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam yêu cầu các cá nhân, tổ chức sao chép, phân phối tác phẩm văn học trên mạng Internet và các phương tiện lưu giữ, sao chụp khác phải trả tiền cho chủ sở hữu kể từ tháng 1/2009.

Chúng tôi đã trao đổi với bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam.

* Vì sao phải đề ra quy định trả tiền bản quyền khi sao chụp tác phẩm trên mạng Internet và qua hệ thống máy photocopy, máy scan, thưa bà?

- Quyền sao chép là quyền đã được ghi trong luật pháp và công ước quốc tế nhưng lại chưa hề được thực thi ở Việt Nam. Lâu nay, các tác phẩm văn học vẫn được sao chụp thoải mái bằng máy photocopy, máy scan..., trong khi chủ sở hữu hoàn toàn không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào từ sản phẩm của mình. Do vậy, thu phí bản quyền sao chụp tác phẩm là động thái khuyến khích lao động sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Hiện nay, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đã ký hợp đồng ủy thác quyền với hơn 1.000 tác giả trong nước. Nếu quyền sao chép được bảo hộ thì hơn 1.000 nhà văn này sẽ được bù đắp phần nào. Mà muốn bảo hộ quyền thì cần phải thu phí trên hệ thống thiết bị sao chụp. Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành việc thu tiền bản quyền sao chụp, mà điển hình là Đức.

* Bà có thể nói cụ thể hơn?

- Ở Na Uy, mỗi công dân phải nộp phí sao chụp tác phẩm 6 euro/đầu người/năm, và thu qua hệ thống giáo dục các cấp cũng như ở các nơi sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy photocopy, máy scan. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, mức sống và mức thu nhập cao hơn Việt Nam, vì vậy, chúng ta không nên so sánh và không thể áp dụng biểu giá thu tác quyền của nước ngoài vào Việt Nam. Theo điều tra sơ bộ của chúng tôi, hằng năm, mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam photo khoảng 1.000 tờ. Với 22 triệu học sinh và 1,5 triệu sinh viên trên cả nước, nếu mỗi năm chúng ta thu khoảng 20-30 nghìn đồng/người thì cũng không phải là con số quá lớn.

* Còn việc thu phí đối với các thiết bị sao chụp như máy photocopy, máy scan thì căn cứ ở đâu, thưa bà?

- Các thiết bị sao chụp sẽ được áp mức thuế trần, vì thực tế có những máy không sử dụng hết công suất. Nhiều ý kiến cũng đã tính đến việc đánh thuế vào giá giấy vì giấy là công cụ để sao chụp, nhưng hiện nay thị trường giấy đang có biến động khó kiểm soát nên chưa thể tiến hành ngay lúc này. Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét các biểu giá phù hợp, nhưng kiểu gì cũng phải thực thi việc thu bản quyền sao chụp.

* Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam không có điều khoản nào quy định về thu phí quyền sao chép, thưa bà?

- Luật pháp quốc tế đã có. Việt Nam đã ký Công ước Berne. Các tổ chức quốc tế chỉ cho chúng ta trì hoãn thực thi quyền sao chép trong vòng 5-7 năm, chứ không thể trì hoãn lâu hơn nữa.

* Vậy, việc thu tiền bản quyền đối với việc sao chép tác phẩm trên mạng sẽ được thực hiện như thế nào?

- Đầu quý I năm 2009, chúng tôi sẽ triển khai việc cấp phép và thu tiền bản quyền các website. Hiện nay, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam vẫn đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc thu phí bản quyền điện tử, bắt đầu từ việc điều tra lấy mẫu, tức là vào các trang web để thống kê xem lượt truy cập là bao nhiêu rồi bàn bạc, thỏa thuận với chủ website để đưa biểu giá. Có thể, với các thư viện điện tử, trung tâm sẽ yêu cầu nộp 15% doanh thu mỗi năm cho tiền bản quyền. Thậm chí, có những website, chúng tôi sẽ đòi tiền tác quyền từ 150 triệu đồng/năm nếu những website này có nhiều tác phẩm văn học.

* Bà có nghĩ rằng động thái này có lẽ cũng chỉ răn đe được "người có tóc", chứ các trang web "chui", web hải ngoại hoặc web có máy chủ ở nước ngoài thì khó mà kiểm soát, trong khi số lượng những web này không nhỏ?

- Muốn cấm các chợ cóc thì phải có các chợ chính thức. Muốn quản lý thì phải vì quyền lợi của người sử dụng. Trong tháng 12.2008, trung tâm sẽ gửi thông báo đến các chủ web vi phạm, sau đó, mời họ đến thương lượng thù lao sử dụng bản quyền. Chúng tôi không thể nói "không" với người sử dụng, nhưng cũng không thể không bảo vệ quyền lợi của chủ thể quyền.

* Bà tin rằng việc này sẽ khả thi?

- Tôi tin là sẽ khả thi nếu chuẩn bị tâm lý cho người sử dụng. Không chỉ nhà văn trong nước, chúng tôi còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả nước ngoài. Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động thành lập Hiệp hội quyền sao chụp và hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam để mở kênh truyền hình giáo dục về sở hữu trí tuệ trên kênh 6. Ở nước ngoài, có thể hằng năm, họ thu được 100 triệu USD tiền bản quyền, nhưng ở Việt Nam, những năm đầu thì chỉ cần 1 triệu USD.

(Theo Thanh niên)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%