Ông Nguyễn Thanh Hải (hai_nguyen241@...) có bố đi chiến trường, lập gia đình sau khi giải ngũ, hiện em trai ông bị bệnh về não (không biết nói, đọc, viết…). Ông Hải hỏi, gia đình ông có được hưởng chế độ trợ cấp cho người bị nhiễm chất độc hóa học không và nếu được thì thủ tục như thế nào?
Băn khoăn của ông Nguyễn Thanh Hải được Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội hướng dẫn như sau:
Tại khoản 2, Điều 22, Nghị định 54/2006/NĐ-CP thì điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được quy định như sau:
- Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học.
- Bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hoá học.
Cũng theo quy định tại Điều 24, Nghị định nêu trên, thì con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ ưu đãi: Người bị dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt. Người bị dị dạng, dị tật suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.
Tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ Y tế ban hành danh mục 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học, dioxin trong đó có các dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin.
Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trở lên là cơ quan có thẩm quyền kết luận mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT.
Thủ tục đề nghị hưởng chế độ
Hồ sơ, trình tự lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Mục I, Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 7/4/2009 sửa đổi, bổ sung mục VII Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như sau:
Căn cứ để cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gồm:
- Bản khai cá nhân.
- Một trong những giấy tờ chứng minh tham gia kháng chiến: Lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy X Y Z xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ khác liên quan đến hoạt động ở chiến trường.
- Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên kết luận mắc một trong những bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
- Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã thành phần gồm đại diện: Đảng ủy; UBND; Hội đồng nhân dân; các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (nếu có), Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Biên bản phải có chữ ký và dấu của Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc cấp xã.
Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp.
Người hoạt động kháng chiến hoặc thân nhân của họ lập bản khai cá nhân kèm một trong các giấy tờ chứng minh đã tham gia kháng chiến và Biên bản Giám định bệnh tật của Hội đồng y khoa cấp tỉnh chuyển đến UBND cấp xã.
Trường hợp bố ông Hải nếu bị mắc bệnh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin thì bố ông Hải được hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, nếu em ông Hải bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do hậu quả phơi nhiễm chất độc của bố ông, thì cũng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp theo các quy định trên.
Vì vậy, nếu bố ông Hải tham gia chiến đấu sau ngày 30/4/1975 hoặc nơi đó không có chất độc hóa học; hoặc bố ông không bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, thì bố và em ông Hải không được áp dụng chế độ đối với người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin.
Nếu em ông Hải không thuộc đối tượng hưởng chế độ do bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin, nhưng bị dị tật bẩm sinh không có khả năng lao động, hoặc không có khả năng tự phục vụ, thì người đại diện hợp pháp của em ông cần làm đơn đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú xác định mức độ khuyết tật của em ông, làm căn cứ xét hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo quy định Luật Người khuyết tật, Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật sư Lê Văn Đài - VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
(Theo // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com