Trong tham luận “Biến động kinh tế thế giới và Việt Nam”, TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh đến mối nguy lạm phát. Đồng ý với việc cần chống lạm phát, nhưng ông cho rằng trong từng chính sách, thực hiện như thế nào là việc phải tính lại. Không nên chú trọng vào việc cắt giảm đầu tư công, tín dụng bao nhiêu phần trăm một cách cơ học, mà quan trọng là cắt giảm như thế nào. Điều này phải dựa trên nguyên tắc hiệu quả, nguồn lực phải được phân bổ vào nơi đạt hiệu quả cao nhất và có tác động lan tỏa nhiều nhất đối với nền kinh tế. Vì vậy, phải xác định các thứ tự ưu tiên. Đối với đầu tư công, cần phân loại các dự án ưu tiên cắt. Thứ nhất, ưu tiên cắt những dự án chưa triển khai được trong năm trước (dù đã bố trí vốn) mà thực sự không quan trọng. Thứ hai, ưu tiên cắt những dự án theo kế hoạch thì thực hiện trong năm 2012 nhưng lại xin tạm ứng vốn trước trong năm 2011. Tổng quan thì nên ưu tiên cắt những dự án có quy mô quá lớn, thời gian thực hiện dài, chưa thu xếp được vốn. Hiện nay, việc cắt giảm đầu tư công không đặt ra với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ trong khi đây mới là nguồn lớn. Những cuộc kiểm tra, khảo sát gần đây của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước lại đang có kế hoạch mở rộng đầu tư chứ không phải thu hẹp. Tích luỹ nội bộ không đủ thì các đơn vị này phải đi vay, điều này càng đẩy gánh nặng cho tín dụng. Tới nay, ta chỉ mới cắt được 3.400 tỉ đồng so tổng vốn đầu tư của nền kinh tế là 340.000 tỉ đồng. Đối với tín dụng, chính sách thắt chặt tiền tệ phải thắt chặt những chỗ không hiệu quả. Vấn đề không phải là đặt chỉ tiêu 15% hay 20% mà là dùng nguồn vốn đó như thế nào. Còn chuyện phân bổ nguồn vốn sao cho hiệu quả thì là vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, Chính phủ ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Nếu không phân loại các ngân hàng khác nhau, các nhà đầu tư khác nhau thì sẽ biến ngân hàng mạnh trở nên ốm yếu. Dù kinh tế khó khăn nhưng nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì cần cung cấp vốn để họ tăng nguồn cung. Nếu cắt tín dụng như nhau, cung khan hiếm trong khi cầu vẫn vậy thì kinh tế sẽ càng khó. Giải pháp kỹ thuật là ngân hàng Nhà nước phân loại các ngân hàng theo mức độ lành mạnh dựa vào các tiêu chí như quản trị rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn… Ngân hàng nào ốm yếu quá thì đưa vào danh sách giám sát đặc biệt. Trên cơ sở phân loại như vậy mới phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho từng loại ngân hàng. Ngân hàng lành mạnh có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ tự khắc biết chọn dự án hiệu quả để cho vay. Hiện ta đang ép giảm chỉ tiêu tín dụng cho khu vực phi sản xuất là hợp lý nhưng cách thức (lộ trình) thực hiện không hợp lý vì cho vay trong khu vực này chủ yếu là trung và dài hạn. Trên thực tế không khả thi thì về mặt kỹ thuật, các ngân hàng sẽ tìm cách lách. NGUYÊN LÊ GHI
Nguồn: SGTT
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com