Lạm phát làm thâm hụt thương mại vì tỷ giá bị kìm nén, tăng rủi ro của hoạt động kinh tế, và suy giảm mức sống của người lao động. Vì vậy, kiềm chế lạm phát được xem là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong năm 2011. Bảy nhóm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tựu trung là sử dụng chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng và thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 24-2-2011 về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và bảo đảm an sinh xã hội. Nguyên nhân chính của đợt lạm phát cao 2007-2008, theo một báo cáo của Chương trình Fulbright Việt Nam, là hệ quả của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng. Tỷ lệ tăng cung tiền của Việt Nam trong ba năm 2005-2007 là 135% trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ có 27% trong cùng thời kỳ. Tăng trưởng tín dụng các năm sau đó vẫn ở mức cao, cụ thể năm 2010 là 27,65%, và có thể vẫn là nguyên nhân chính của lạm phát hai năm gần đây. Năm nay, NHNN tỏ ra quyết liệt hơn khi đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng là 20% đồng thời tăng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lên 12% theo Quyết định số 379/QĐ-NHNN ngày 8-3-2011. Chính phủ cũng quyết tâm giới hạn mức bội chi ngân sách dưới 5% GDP. Khi Chính phủ đã quyết liệt triển khai gói chính sách bao gồm cả kiểm soát thị trường vàng và trị trường ngoại hối cũng như chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, chắc chắn lạm phát sẽ giảm. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, Chính phủ nên ưu tiên cho việc kiểm soát thị trường vàng hay nên tập trung kiểm soát cho tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như đã công bố? Giá vàng và lạm phát Chính sách cấm mua bán vàng miếng dựa trên giả thuyết kiểm soát giá vàng làm giảm lạm phát và ổn định vĩ mô. Người dân có tâm lý tính giá các hàng hóa có giá trị lớn bằng vàng, giá vàng tăng thì giá hàng hóa tăng theo. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Canada cho 14 quốc gia với số liệu từ 1994-2005 cho thấy, giá vàng là chỉ báo cho lạm phát. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ giai đoạn 1991-2009 cho thấy biến động của giá vàng và biến động giá chứng khoán có tác động qua lại. Bình ổn giá vàng, do đó, cũng góp phần bình ổn thị trường vốn. Chiều ngược lại, giá vàng có thể là hệ quả của lạm phát. Khi lạm phát người ta tránh giữ tiền mặt, và vàng là một lựa chọn. Nếu có chỉ tiêu nhập khẩu vàng, thì giá vàng trong nước sẽ cao hơn giá thế giới. Lạm phát cũng làm tăng tỷ giá, vậy giá vàng sẽ tăng kép, vừa do tỷ giá vừa do cầu tăng. Nếu cả hai chiều cùng tác động thì có một vòng xoáy tăng giá, lạm phát làm tăng giá vàng đồng thời giá vàng tăng khiến lạm phát trầm trọng hơn. Để cắt đứt vòng xoáy lạm phát-sốt vàng cần tìm đúng nguyên nhân gây ra lạm phát. Kiểm chứng quan hệ nhân quả giữa lạm phát và giá vàng phải xem xét ảnh hưởng của các biến số vĩ mô có liên quan như tỷ giá, cung tiền, lãi suất, giá bất động sản, và chứng khoán. Kiểm định quan hệ nhân quả giữa các biến số kinh tế dựa trên ý tưởng của Clive Granger (Nobel Kinh tế 2003). Cụ thể, giá vàng được xem là có tác động lên lạm phát nếu việc giá vàng của các tháng trước đó giúp dự báo lạm phát của tháng này tốt hơn. Hai biến số này có tác động qua lại theo cơ chế phản hồi nếu tăng giá vàng giúp dự báo lạm phát, đồng thời lạm phát cũng giúp dự báo giá vàng. Khi giá vàng của một kỳ giải thích được lạm phát của cùng kỳ thì ta có quan hệ nhân quả tức thời. Giá vàng và lạm phát tạo thành vòng xoáy tăng giá. Bất ngờ là quan hệ nhân quả giữa giá đô la Mỹ và lạm phát không có ý nghĩa thống kê; tuy nhiên, đô la Mỹ tăng giá ảnh hưởng tức thời lên giá vàng. Vậy tỷ giá chỉ có tác động gián tiếp lên lạm phát, thông qua giá vàng. Tăng cung tiền là nhân tố chính gây ra lạm phát với độ trễ từ 1-3 tháng. Lãi suất tác động rất mạnh đến hầu hết các biến số vĩ mô. Thứ nhất, nâng lãi suất làm giảm đầu tư và tiêu dùng, dẫn đến giảm tổng cầu, từ đó giảm lạm phát. Thứ hai, lãi suất cao làm hút tiền đang lưu thông về làm giảm cung tiền. Thứ ba, lãi suất cao làm cho việc giữ tiền đồng hấp dẫn hơn, từ đó giảm đô la hóa. Vậy các ý kiến chuyên gia cho rằng “giảm lãi suất không dẫn đến lạm phát cao”, hay “việc nâng lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu không tác động nhiều đến thị trường” vừa ngược với các lý thuyết kinh tế vừa không được số liệu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam ủng hộ. Cần tập trung thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ Tóm lại, phân tích nhân quả giữa các biến số vĩ mô cho thấy có vòng xoáy lạm phát - sốt vàng được kích hoạt bằng tăng trưởng tín dụng vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các gói chính sách kích cầu với lãi suất ưu đãi, đặc biệt cho khu vực kinh tế nhà nước đã có tác dụng duy trì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng đã để lại nhiều hệ quả tiêu cực khi chỉ số ICOR của các năm 2008, 2009 và 2010 lần lượt là 6,6 rồi 8 và 7. Đầu tư không hiệu quả làm nền kinh tế mất sức cạnh tranh và lạm phát. Sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu thì hệ quả là nhập siêu, rồi nhập siêu và lạm phát lại gây sức ép lên tỷ giá và sốt vàng. Vậy nguyên nhân lạm phát hiện tại bắt nguồn từ chính sách tiền tệ và chính sách ngân sách mở rộng dựa trên mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư không hiệu quả. Vì tính cấp bách của việc ổn định vĩ mô cũng như nguồn lực có hạn, chính phủ nên cương quyết thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như đã công bố (quy định về lãi suất huy động không quá 14% làm triệt tiêu tác dụng của chính sách tiền tệ thắt chặt và nỗ lực bình ổn thị trường vàng cũng như chống đô la hóa), hơn là tốn quá nhiều nguồn lực để chống đô la hóa và kiểm soát thị trường vàng. Để phát triển bền vững, cần các giải pháp đồng bộ: (i) tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là khu vực quốc doanh, để tăng sức cạnh tranh, từ đó giảm nhập siêu; (ii) cân bằng ngân sách, (iii) kiểm soát tăng trưởng tín dụng, (iv) chống đô la hóa nền kinh tế, (v) cải cách giáo dục. Lộ trình và giải pháp cụ thể cho các chính sách trên cần được làm rõ. ________ Tác giả: Lê Tấn Luật // Theo The Saigon Times
Tài liệu tham khảo từ các nguồn:Tạp chí tài chính online, vietfinancenews.com, vctv.vn, vneconomy.vn, businesstinsider.com, eurojournals.com, thesaigontimes.vn…
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com