Giá cả gia tăng khiến người dân, nhất là những người nghèo, hết sức khó khăn và sự bất bình của họ là có lý do. Và ý kiến của những người có trọng trách trong phiên họp vừa qua của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng phản ánh điều đó. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cử tri quan tâm đến hai vấn đề: một là giá cả tăng cao, hai là việc quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công và tham nhũng”. Còn theo phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì “Các năm trước tháng 4 lạm phát thấp nhất, năm nay lại cao nhất. Trong báo cáo mình cứ nói là bạn bè quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng về tiếp xúc cử tri người ta nói là điều hành thế nào mà giá cả tăng cao quá”. Các nước lân cận lạm phát đều không quá 5 – 6%, còn ta thì lên đến gần 18% so với cùng kỳ, chẳng khác gì năm 2008. Chính vì thế, bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, rất có lý khi nói: “Đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề về điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá”. Giá dầu thế giới tăng, giá các mặt hàng khác cũng thế. Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam (đo bằng tỷ lệ của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên tổng thu nhập quốc nội) khá cao nên sự tăng lên của giá cả thế giới có làm tăng giá trong nước. Song khi so sánh với CPI của các nước lân cận có độ mở tương tự như Việt Nam thì CPI của chúng ta tăng hơn họ cỡ 10 hay hơn 10% (so với cùng kỳ). Như thế không thể đổ cho khách quan. Phần chênh lệch này hoàn toàn do nguyên nhân bên trong của chính chúng ta. Nền kinh tế Việt Nam hoạt động kém hiệu quả. Đấy là một nguyên nhân quan trọng và phải hết sức nỗ lực mới có thể giải quyết nổi thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, cải tổ triệt để các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm những chi tiêu công kém hiệu quả. Những việc này cần thời gian và không thể giải quyết được một sớm một chiều. Đấy chủ yếu thuộc trách nhiệm điều hành kinh tế, tức là của Chính phủ. Tuy nhiên, việc điều hành chưa tốt này cũng không thể đẩy CPI lên gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ cần so với các năm khác (trừ năm 2008) là thấy ngay điều này. Tóm lại, kể cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan vừa nêu trên cũng không thể đẩy CPI lên gần 18%! Nguyên nhân chính, đúng như bà Lê Thị Thu Ba nhận xét, là sự điều chỉnh cấp tập, giật cục của Chính phủ trong vài tháng vừa qua đối với quá nhiều thứ. Ngày 11.2.2011 phá giá đồng nội tệ 9,3% khiến cho tác động của giá thế giới đến CPI được khuếch đại lên. Ngày 24.2.2011 tăng giá xăng 17,7% rồi đến 29.3.2011 lại tăng tiếp thêm 10,4% nữa. Từ ngày 1.3.2011 tăng giá điện trung bình 15,28%. Những điều chỉnh cấp tập trên đã là nguyên nhân chính của sự tăng CPI bất thường trong tháng 4.2011. Quan trọng hơn, nó gây ra tác động tâm lý rất xấu. Tác động tâm lý này lại tăng hơn khi người ta nói giá điện sẽ do thị trường điều tiết trong thời gian tới! Tất cả các yếu tố này khiến vòng xoáy lạm phát khởi động. Người ta hay lý giải việc tăng giá điện và xăng là do phải điều chỉnh theo thị trường. Đấy là một sự sai lầm. Chỉ có thể để cho cơ chế thị trường định giá khi có cạnh tranh lành mạnh. Đáng tiếc, đối với cả điện lẫn xăng điều kiện đó không thoả mãn. Điện vẫn độc quyền hoàn toàn, xăng thì chưa có cạnh tranh thật sự vì Petrolimex còn khống chế thị trường. Trong các trường hợp đó sự can thiệp của Nhà nước là điều bắt buộc, không thể phó mặc cho cơ chế thị trường. Việc điều chỉnh giá năng lượng là việc cần làm, nhưng điều chỉnh khi nào và mức độ ra sao cần tính toán cẩn trọng. Cái sự cẩn trọng ấy thể hiện tài nghệ điều hành. Đáng tiếc, người dân chưa thấy được điều đó. NGUYỄN QUANG A Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có thành viên của uỷ ban này đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực để giảm bội chi ngân sách năm 2010 xuống mức 5,5% GDP. Đây là mức giảm thấp hơn so với con số bội chi 5,6% GDP (thấp hơn 0,6% so với dự toán là 6,2% GDP của năm 2010 mà Quốc hội đã phê duyệt một năm trước đó) mà Chính phủ đã báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ IX hồi tháng 3 vừa rồi. Cơ sở để giảm bội chi xuống mức thấp, theo ông Hiển, căn cứ vào hai nguồn: khoản hỗ trợ của ngân sách trung ương bù giảm thu cho ngân sách địa phương do thực hiện chính sách miễn giảm thuế của năm 2009 (1.078 tỉ đồng) và khoản kinh phí bổ sung mua bù 102.000 tấn gạo dự trữ quốc gia (1.050 tỉ đồng). Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, rất khó để cắt giảm hai nguồn này. Với khoản thứ nhất, các địa phương thực tế đã tiêu rồi; khoản thứ hai, ông Ninh xin Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua, chí ít là một nửa, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tại phiên giải trình với Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày hôm qua, 26.4, ông Ninh cho biết thường trực Chính phủ đã đánh giá bội chi ngân sách trong năm 2010 giảm từ 6,2% GDP xuống còn 5,6% “là cố gắng lớn và là bước tiến nhanh”. Ông cho biết thêm, bội chi ngân sách của Việt Nam theo lộ trình sẽ giảm xuống còn 4,5% đến năm 2015. Tuy nhiên, chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền muốn lộ trình này được đẩy nhanh hơn, xuống dưới mức 5% GDP ngay trong năm 2011 này. Theo tổng cục Thống kê, GDP năm 2010 theo giá thực tế đạt 1.981 tỉ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách 5,6% GDP tương ứng với 111.440 tỉ đồng. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2010 ngân sách trung ương vượt thu 49.134 tỉ đồng. Số này sẽ được dùng hết, với sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cho các hạng mục như giảm bội chi, tăng chi trả nợ viện trợ, thưởng cho các địa phương vượt thu và cho các dự án chống thiên tai. TƯ GIANGDo độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá cao nên sự tăng lên của giá cả thế giới có làm tăng giá trong nước. Song khi so sánh với CPI của các nước lân cận có độ mở tương tự như Việt Nam thì CPI của chúng ta tăng hơn họ cỡ 10 hay hơn 10%. Như thế không thể đổ cho khách quan. Phần chênh lệch này hoàn toàn do nguyên nhân bên trong của chính chúng ta. Khó giảm bội chi
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com