Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chống lạm phát: siết chi tiêu công, tăng hiệu quả đầu tư

Trong khi một số chuyên gia kinh tế tỏ ra nghi ngờ cách tính của các bộ về mức độ suy giảm tăng trưởng GDP dưới tác động của việc tăng giá điện, than, khi đánh giá về ảnh hưởng tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng và lạm phát, viện trưởng viện Kinh tế TS Trần Đình Thiên lại có cách tiếp cận khác. Ông nói:

TS Trần Đình Thiên

Thực tiễn cho thấy rằng bi kịch nằm ở chỗ chúng ta đang tập trung chú ý bàn luận và chạy theo những giải pháp thuần tuý ngắn hạn, chủ yếu mang tính chữa cháy. Thực ra, bài toán ở đây còn có vế thứ hai. Đó là, về lâu dài, phải tập trung cho điều căn bản là tái cấu trúc nền kinh tế. Hai năm vừa rồi, tất nhiên là rất khó khăn, nhưng ngay cả trong sự khó khăn đó, sức chịu đựng của nền kinh tế được chứng thực là khá tốt.

Về chiến lược, Chính phủ phải kiên trì với thông điệp đầu năm của Thủ tướng rằng mục tiêu ưu tiên hàng đầu của năm nay là tập trung cho ổn định vĩ mô, và lấy đó làm nền tảng để tái cấu trúc nền kinh tế. Nếu đảm bảo được ổn định vĩ mô, nhờ đó, giữ được lòng tin của xã hội đối với Chính phủ, chúng ta có khi vẫn đạt được mức tăng trưởng mong đợi.

Lòng tin và sự ổn định xã hội là mục tiêu đặc biệt quan trọng mà chúng ta phải cố đạt được trong năm nay. Xin lưu ý năm nay là năm cuối của kế hoạch năm năm, cũng là năm chuẩn bị cho đại hội Đảng, năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…

Trong quan hệ với lòng tin và sự ổn định vĩ mô năm nay, đối với xã hội, việc tăng trưởng thêm 0,5%, hay 1% có lẽ không quan trọng bằng việc lạm phát được giảm đi vài phần trăm. Hơn nữa, về mặt điều hành vĩ mô, chính việc kiềm chế được lạm phát, trên cơ sở giảm tăng trưởng ngắn hạn, sẽ tạo đà cho tăng trưởng cao hơn, dài hạn hơn.

Ông có thấy nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm nay có những điểm tương tự, tuy ở mức độ khác nhau, với tình hình đầu năm 2008, không? Chẳng hạn, lạm phát cao, và tín dụng bị siết lại. Theo ông, Chính phủ có cần phải có những biện pháp quyết liệt gì như cách đây hai năm không?

Có một điểm cần lưu ý là trong khó khăn phải linh hoạt để thích ứng, nhưng cũng không nên quá lạm dụng sự linh hoạt, khiến môi trường kinh doanh bất ổn. Theo tôi, lúc này Chính phủ chưa cần phải đưa ra giải pháp gì quyết liệt cả, mà phải tập trung suy nghĩ, dự báo các xu hướng và khả năng, trên cơ sở đó, chuẩn bị sẵn các giải pháp ứng phó. Nghệ thuật điều hành chính sách là “đúng lúc, đúng chỗ, đúng độ” chứ không phải linh hoạt theo kiểu chính sách phải chạy theo tình hình một cách bị động.

Còn nhớ, đầu năm 2008, nhất là những tháng sau tết Nguyên đán, tình trạng bất ổn gia tăng nhanh, nhất là trong lĩnh vực tiền tệ. Để tháo gỡ tình hình, Chính phủ đưa ra tám giải pháp, trong đó có một giải pháp “trụ”, mang tính bài bản, căn cơ là nâng lãi suất cơ bản lên mức 14%. Các giải pháp khác cơ bản chỉ là phối hợp, bổ trợ. Với hệ giải pháp đó, dòng tiền lưu thông mạnh trở lại. Lạm phát bắt đầu hạ xuống, theo đó, lãi suất cũng được điều chỉnh xuống theo.

Cá nhân tôi có hơi tiếc là nếu lúc đó, Chính phủ mạnh tay dùng liều cao (nâng lãi suất cơ bản lên 18%) thì tốc độ hạ nhiệt lạm phát cũng nhanh hơn, do đó, thời gian doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao cũng sẽ ngắn hơn chứ không kéo dài tới 6 – 7 tháng, đến tận đầu năm 2009.

Theo tôi, để tạo dựng được lòng tin, trong điều hành chính sách, Chính phủ phải có những động thái mạnh mẽ, để chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ.

Xin ông nói rõ hơn.

Cùng với việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ – mà gánh nặng sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp, Chính phủ nên tuyên bố cắt giảm chi tiêu công, phải rà soát lại cẩn thận những khoản chi đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Chẳng hạn, việc tăng mạnh lãi suất cơ bản nói trên là một thông điệp mạnh về quyết tâm chống lạm phát. Hay, cuối năm 2008, với xu thế suy thoái chung của thế giới, Thủ tướng lại mạnh dạn chuyển hướng mục tiêu, và đi kèm với việc đó, là quyết định kích cầu 1 tỉ USD. Một tháng sau, ông tuyên bố nâng lên 6 tỉ USD. Mọi người vẫn chưa hết thắc mắc là kiếm đâu ra 6 tỉ USD, thì, hai tháng sau, tại Hong Kong, ông lại tuyên bố nâng lên mức 8 tỉ USD. Thông điệp rõ ràng: Việt Nam dù nghèo nhưng quyết tâm giữ ổn định, không để kinh tế tụt xuống đáy.

Niềm tin với doanh nghiệp được tạo ra, và được củng cố bằng hành động thực tế của Chính phủ là hỗ trợ lãi suất, một biện pháp mà thế giới chẳng nước nào dùng. Về mặt kinh tế, lòng tin đã được khôi phục.

Năm nay, với thông điệp về quyết tâm chống lạm phát, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng về việc khẩn trương triển khai một số biện pháp, trong đó có việc yêu cầu ngân hàng Nhà nước phải điều hành tốt các công cụ của chính sách tiền tệ. Ông có nhận xét gì về chính sách tiền tệ đang được triển khai?

Rõ ràng sự thay đổi tỷ giá vừa rồi đã tác động nhiều đến xuất nhập khẩu và nhập siêu. Tức là bài toán tổng thể của nền kinh tế, giữa phần trả nợ nước ngoài tăng lên và phần bù lại do xuất khẩu được lợi, đã được tính đến, sau một thời gian dài quá thiên về khả năng trả nợ. Đi kèm với nó là giảm lãi suất tiền gửi USD tại ngân hàng cũng phần nào giải toả được sự khan hiếm ngoại tệ của ngân hàng.

Hơn nữa, tỷ giá thay đổi, phần nhập khẩu sẽ giảm đi, bởi các nhà nhập khẩu phải tính toán nhập gì cho có lợi. Bài toán giảm nhập siêu cũng vì thế mà giải quyết được phần nào.

Nhưng, theo tôi, điều đó vẫn chưa đủ. Từng giải pháp đơn lẻ đúng cũng tốt, song vẫn chứa đựng nguy cơ không nhất quán, thiếu đồng bộ, thậm chí xung đột và triệt tiêu tác dụng của nhau. Điều quan trọng không kém, thậm chí hơn, là phải phối hợp tốt các chính sách. Nhất thiết phải có sự phối hợp tốt giữa các chính sách tiền tệ và tài khoá. Về phần mình năm nay, cùng với việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ – mà gánh nặng sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp, Chính phủ nên tuyên bố cắt giảm chi tiêu công, phải rà soát lại cẩn thận những khoản chi đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Năm 2008, doanh nghiệp dính “đòn” đủ vì lãi suất cao do chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, phía chi tiêu ngân sách, chính sách tài khoá không “hề hấn” gì. Lẽ ra, cái siết đầu tiên phải là siết tài khoá, để doanh nghiệp đỡ nặng gánh. Như vậy họ mới có tiền nộp thuế cho chi tiêu công (tài khoá), thay vì Chính phủ phải đi vay, khiến thâm hụt ngân sách càng thêm nặng.

Nói tóm lại, giải pháp phải mạnh, bài bản và có hệ thống. Tức là phải có sự phối hợp giữa các chính sách đưa ra.

Thưa ông, dư địa chính sách của năm nay còn nhiều không?

Cũng không rộng lắm, mặc dù công cụ vẫn còn. Chẳng hạn, so với Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ít, nên khó khăn hơn về nguồn vốn bảo đảm thực thi các chính sách và giải pháp. Lãi suất đã cao rồi, nên dư địa cũng còn ít thôi. Dư địa lớn nhất vẫn là ở phía chi tiêu công của Chính phủ. Cách tư duy về tốc độ tăng trưởng cũng là một dư địa. Tuy nhiên, nghệ thuật điều hành cũng tạo ra dư địa chính sách, bởi khái niệm dư địa chính sách không phải là khái niệm tĩnh.

(Theo Huỳnh Phan // SGTT Online)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!