Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Bẫy" đấu thầu giá rẻ: “kinh nghiệm xương máu” trước nhà thầu Trung Quốc

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nơi nhà thầu Trung Quốc đưa nhiều lao động phổ thông sang làm việc, vừa chậm tiến độ, vừa coi thường an toàn lao động. Trong ảnh: Hiện trường vụ nổ kho chứa hóa chất hôm 3.8 - Ảnh: P.H.S
“Bẫy” đấu thầu giá rẻ không chỉ xuất phát từ nhà thầu nước ngoài mà còn từ cả cơ chế, năng lực, trình độ của phía Việt Nam.

TS Nguyễn Thành Sơn - TGĐ Công ty năng lượng Sông Hồng - là người từng trực tiếp soạn thảo các báo cáo đầu tư, hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu, tham gia chấm thầu, đàm phán hợp đồng có liên quan đến việc triển khai các dự án điện Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả của Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) và từng làm TGĐ Công ty cổ phần nhiệt điện Cẩm Phả đã chia sẻ những “kinh nghiệm xương máu” trước nhà thầu Trung Quốc.

TS Nguyễn Thành Sơn phân tích: Trong các hồ sơ dự thầu của mình, các nhà thầu (kể cả các nhà thầu thuộc các nước G8) cũng sẵn sàng đưa ra các “bẫy” ở mọi nơi. Nhiều nhà thầu sau khi mua hồ sơ mời thầu do phía chủ đầu tư (CĐT) VN phát hành, họ thành lập một tiểu ban gồm các chuyên gia về kỹ thuật, kinh tế và luật để nghiên cứu rất kỹ hồ sơ mời thầu nhằm tìm ra các chỗ “hớ” để sau đó khôn khéo “cài bẫy” trong hồ sơ đấu thầu.

 

TS Nguyễn Thành Sơn Ảnh: Nhật Minh

Lỗ hổng từ cơ chế

* Lỗ hổng trong hồ sơ mời thầu thường xuất phát từ đâu, thưa ông?

- Rất tiếc, lỗ hổng cơ chế do chúng ta gây ra. Ví dụ, Hội đồng quản trị của TKV (hầu hết là những người chuyên ngành khai thác mỏ) được trao quyền quá lớn so với chuyên môn của mình (về nhà máy điện) nhưng trong một số trường hợp lại không biết sử dụng hoặc sử dụng không đúng các chuyên gia thì làm sao có được các quyết định đúng đắn (ngoài việc dựa vào giá rẻ).

Kiểu chọn thầu theo tiêu chí “giá rẻ” như của chúng ta hiện nay đã và đang được các nhà thầu Trung Quốc (TQ) tận dụng triệt để. Họ có thể bỏ giá cực thấp để thắng thầu vì chỉ cần mang hợp đồng về họ có thể được vay tiền với lãi suất ưu đãi từ Chính phủ TQ. Thực ra ai cũng biết của rẻ là của ôi, các sản phẩm đều có chung một mức giá thị trường, có mức giá sản xuất nhất định. Dù có lợi thế nhân công hay được hỗ trợ thì sản phẩm của TQ cũng chỉ có thể rẻ hơn của EU hay Mỹ từ 5%-10% là cùng, nếu rẻ hơn tới 15 thậm chí 20% là phi lý. Với mức giá rẻ như thế thì chỉ có hàng kém chất lượng.

* Hiện nay nhiều công trình lớn CĐT thường ký hợp đồng EPC nhằm đảm bảo kết quả cuối cùng của dự án xây dựng. Nhưng thực tế cách làm này trong nhiều dự án lại không hiệu quả như mong muốn, tại sao vậy, thưa ông?

 - Hợp đồng tổng thầu EPC là đấu thầu trọn gói, chìa khóa trao tay. Các nhà thầu biết triệt để lợi dụng khái niệm “trọn gói” này. Có trường hợp như tại Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, trong hồ sơ đấu thầu CĐT đã tính cụ thể kích thước móng cọc nhà máy, nhưng họ làm nhỏ hơn. Khi CĐT “kiến nghị” thì họ nói là theo tính toán của họ chỉ cần nhỏ như vậy là đủ. Hay như dự án điện Na Dương, ta thiết kế móng nhà máy là cọc nhồi bê tông cốt thép (vừa đắt vừa bền), nhưng nhà thầu làm móng bè (vừa rẻ vừa nhanh) vì theo họ móng bè là “tốt lắm rồi”. Ở Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, nhà thầu TQ đưa sang dây điện có tiết diện nhỏ hơn so với quy định trong hợp đồng. CĐT, giám sát phát hiện không cho họ lắp, họ tạm để ở ngoài, nhưng khi chủ nhà đi khỏi, họ lại cho vào lắp. Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cũng thế. Khi kiểm tra, phát hiện động cơ nhập khẩu đã qua sử dụng, được sơn tút lại, nhưng nhà thầu cam kết động cơ này sẽ hoạt động tốt trong thời hạn bảo hành. Vấn đề là ở chỗ sau khi đi vào vận hành, nếu có động đất thì nhà máy mới đổ, còn không có thì móng nhà máy vẫn “đảm bảo”. Hết bảo hành (thường là 24 tháng, ở Na Dương hay Quảng Ninh khó có khả năng xảy ra động đất, và động cơ điện khi ấy chắc chắn sẽ vẫn chạy tốt) là nhà thầu hết trách nhiệm. Sau đó nếu có trục trặc, chỉ có nền kinh tế gánh hậu quả, còn đại diện CĐT có khi cũng đã... về hưu.

 * Cũng vì thầu EPC mà nhà thầu Trung Quốc “có cớ” mang rất nhiều lao động phổ thông sang làm việc?

- Tôi biết họ thường có “bài” trả lương cực rẻ, rẻ hơn cả chủ Việt Nam trả cho nhân công Việt Nam. Ví dụ, với mức tính giá chỉ 20.000-30.000 đ/ngày công và ăn hết 5.000 đ/bữa, họ “mời” công nhân Việt Nam vào làm, liệu có người VN nào chấp nhận làm với mức giá ấy? Cuối cùng với mức chi phí siêu rẻ như vậy, công nhân Trung Quốc lại vào làm. Có thể khi về nước, công nhân của họ còn nhận thêm khoản tiền “trợ giá” nào đó không biết chừng.

 

“Đàm phán hợp đồng với các nhà thầu TQ, trong đa số các trường hợp là khá dễ dàng, họ rất mềm dẻo, trên bàn đàm phán có thể gật đầu chấp nhận các yêu cầu của CĐT. Nhưng sau đó, thường những chỗ ảnh hưởng đến giá cả, hợp đồng một đằng, họ làm một nẻo, miễn là chi phí thấp để có giá rẻ. Điều này ngược với các nhà thầu G8, họ cực kỳ chi ly, "cò cưa" và cứng nhắc trong đàm phán, nhưng khi họ đã đặt bút ký hợp đồng thì CĐT có thể yên tâm, họ sẽ tuân thủ và thực hiện nghiêm túc những cam kết trong hợp đồng.

Không chỉ bỏ thầu giá thấp, nhà thầu TQ còn thường cam kết tiến độ siêu tốc, nhà máy điện 400 MW họ nói chỉ làm trong 36 tháng. CĐT chạy theo thành tích, chấp thuận nhà thầu, nhưng rồi khi thi công, có khi 60 tháng họ chưa làm xong”.

(TS Nguyễn Thành Sơn)

 

Phải làm thế nào?

* Thưa ông, tại sao chúng ta không thể phạt được nhà thầu nếu như họ chậm tiến độ hay chất lượng dự án kém?

- Trước hết, số tiền CĐT giữ lại chưa thanh toán cho nhà thầu (coi như tiền đặt cọc) thường không đủ lớn để ép nhà thầu phải thực hiện đúng các cam kết bảo hành. Khi vi phạm hợp đồng, lẽ ra mức tiền phạt nhà thầu phải đủ lớn để xây một nhà máy khác nếu công trình gặp sự cố. Trong nhiều hợp đồng của TKV, chủ đầu tư lại “nắm đằng lưỡi”, tiền đặt cọc để lại không đủ sửa chữa những hư hỏng thường gặp. Như Nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn số tiền CĐT cần phạt nhà thầu còn lớn hơn nhiều lần tiền CĐT giữ lại của nhà thầu. Số tiền đặt cọc để lại quá ít, nhà thầu sẵn sàng bỏ món tiền đó chứ không khắc phục những sai phạm.

Nhất là trong trường hợp dự án sử dụng vốn ODA hay được triển khai theo phương thức “tín dụng của người bán” như các dự án đồng Sinh Quyền hay điện Cao Ngạn. Nhà máy không đạt yêu cầu như ý tưởng ban đầu nhưng phía CĐT cũng không thể phạt nhà thầu vì nhà thầu đã nhận tiền trực tiếp từ các ngân hàng TQ.

Chúng ta đi vay nhưng không được cầm tiền về, cuối cùng tiền của phía TQ lại chảy vào công ty TQ, chúng ta nhận sản phẩm chất lượng kém và phải gánh nợ. Trong hiệp định vay vốn không có ràng buộc kỹ về điều khoản giải ngân, chúng ta không nắm được quyền chủ động trong việc chi tiền, giải ngân mặc dù số tiền đó ta đã được vay và phải trả nợ.

 * Liệu ta có thể đưa thông tin nhà thầu kém chất lượng vào một danh sách đen và cấm nhà thầu này dự thầu tại Việt Nam?

- Cái đó có thể, nhưng nhiều nhà thầu tồi lại mang danh một nhà thầu khác, đội lốt dưới một cái tên khác, lập một công ty khác để vào tham gia dự án. Thế thì danh sách này cũng không có giá trị.

 * Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào?

 - Thường các nhà quản lý biết nói phải làm gì. Nhưng nói phải làm như thế nào thì chỉ có các chuyên gia. Ví dụ, nói VN chúng ta phải làm ra đồng ra nhôm thì ai cũng nói được. Nhưng nói làm thế nào để có đồng 99,99% hay có alumina >98% thì chỉ có các chuyên gia mới biết. Chính vì vậy, để cải thiện tình hình, nên làm như ý kiến của các chuyên gia có tâm, có tài, có kinh nghiệm. Đội ngũ chuyên gia của VN nhiều nhưng lại không mạnh (vì chưa được sử dụng đúng mức), nhất là trong công tác đấu thầu quốc tế. Vì vậy, trong đấu thầu, khâu đào tạo, sử dụng và biết nghe theo ý kiến chuyên gia là rất quan trọng.

Thanh Phong (thực hiện)// Theo Thanh Niên
------------------------------------------------------------------------------
Hệ lụy của chọn thầu giá rẻ 

Trung Quốc (TQ) đang là nhà thầu nước ngoài lớn nhất VN - ông Dương Chân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TQ tại VN cho biết như vậy tại Diễn đàn đối thoại với các doanh nghiệp TQ đang hoạt động kinh doanh và đầu tư tại VN, tổ chức tại Hà Nội ngày 16.7.2010. Có thể thấy gì từ vấn đề này?

TQ đã và đang thắng thầu hàng loạt dự án EPC (thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp). Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, ước tính số dự án mà nhà thầu TQ đang làm tổng thầu EPC hoặc giữ vai trò chính trong liên doanh trúng thầu lên đến khoảng 80% dự án nhiệt điện than đã ký kết hợp đồng trong Tổng sơ đồ điện 6 (tổng cộng có gần 40 dự án trong tổng sơ đồ điện này, kể cả những dự án đang đàm phán). Điều đáng nói là nhiều công trình lớn do nhà thầu TQ thi công có tiến độ ì ạch, gặp rất nhiều trục trặc khi đi vào vận hành.

Giá rẻ là thắng

Theo ông Tạ Văn Hường, hệ thống thiết bị quản lý điều khiển, công nghệ cao của TQ thua kém các nước G7, nhưng điều quan trọng là giá thầu rẻ hơn các nhà thầu thuộc các nước G7. Đó là ưu thế giúp các nhà thầu TQ trúng thầu rất nhiều trong thời gian qua.

"Có dự án giá của nhà thầu TQ rẻ chỉ bằng nửa các nhà thầu khác, trong khi Luật Đấu thầu hiện không phân biệt nguồn gốc xuất xứ của thiết bị, hiển nhiên phải chọn loại giá rẻ hơn. Bởi thế, các nhà thầu TQ vượt qua được ngưỡng cho phép tham gia là họ thắng thầu", ông Hường cho biết.

 

"Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo làm rõ tình hình hợp tác với các nhà thầu TQ, rà soát bức tranh tổng thể để xử lý với từng trường hợp cụ thể". 

Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương 

"Nhìn cách nhà thầu TQ mang theo cả thiết bị vệ sinh công nghiệp, cả lao động dọn dẹp sang dự án Nhà máy đạm Cà Mau là đủ thấy, chủ đầu tư được giá rẻ nhưng xã hội lại thiệt hại nhiều". 

 Trần Thị Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN

 
Mức giá rẻ vượt trội mà nhà thầu TQ đề xuất cũng là một trong các yếu tố để Chính phủ cho phép mở rộng dự án Duyên Hải, Vĩnh Tân (nhà thầu Tập đoàn điện khí Đông Phương dù thi công dự án Hải Phòng 1 chậm tiến độ hơn 20 tháng nhưng vẫn trúng thầu dự án Duyên Hải 1 và được phép tham gia thầu thêm dự án Duyên Hải 3).

Theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, khi lập hồ sơ mời thầu phải đưa ra yêu cầu tối thiểu điểm kỹ thuật (trên 70%), với gói thầu kỹ thuật cao đòi hỏi điểm trên 80% rồi mới xét đến tiêu chí tài chính. Theo các chuyên gia về đấu thầu, ở vòng sơ tuyển này, các nhà thầu dù kém về chuyên môn, kinh nghiệm đều dễ dàng vượt qua nếu thuê tư vấn giỏi hoặc liên danh với các nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm. Nói như ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, Luật Đấu thầu chỉ căn cứ chủ yếu vào giá rẻ, nếu vậy thì không ai cạnh tranh được với nhà thầu TQ. Điều này dẫn đến một thực tế, nhiều dự án nhà thầu EU, Nhật Bản nghe đến TQ đã "sợ", không tham gia đấu thầu.

Ông Ngô Ngọc Quy, Phó cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết rất nhiều dự án điện lớn phải sử dụng vốn vay thương mại của TQ, vì vậy việc buộc phải chọn nhà thầu nước này là đương nhiên.

Theo ông Tạ Văn Hường, có những dự án trong hồ sơ mời thầu quy định ai trúng thầu phải dàn xếp vốn cho dự án, và nhiều dự án điện phải sử dụng phần lớn tín dụng của TQ (mới đây nhất là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vừa khởi công với 85% vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ và vốn ODA của TQ). Nhà thầu các nước G7 cũng dàn xếp được vốn, nhưng giá thầu quá cao nên chủ đầu tư không chọn.

Những hệ lụy

Hai dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 (Tập đoàn điện khí Thượng Hải làm tổng thầu), nhiệt điện Hải Phòng 1 (Tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu) vừa qua đã vận hành thiếu ổn định, bị cháy lò, hỏng hóc thiết bị.


Ngày 3.8, tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (nhà thầu TQ làm tổng thầu EPC) xảy ra vụ nổ hóa chất làm 2 công nhân thiệt mạng, 4 người bị thương - Ảnh: Hải Văn

Theo chủ đầu tư dự án Hải Phòng 1 là Công ty CP nhiệt điện Hải Phòng, Tổ máy 1 phát điện từ tháng 9.2009 nhưng chỉ sau một tháng hoạt động đã gặp sự cố hư hỏng bộ quá nhiệt (nhà thầu buộc phải thay thế 90 ống quá nhiệt và hệ thống điện) và các sự cố khác như xì hơi đường ống, trục trặc hệ thống tuần hoàn nước…

Ông Thụ cho rằng, khiếm khuyết ở chỗ chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm tra công nghệ, thiết bị của nhà thầu TQ. Nhà thầu chính TQ sau khi thắng thầu đa phần đều giao cho nhà thầu nhỏ hơn nên chất lượng từng gói thầu đến đâu chưa dễ khẳng định.

 

Một số dự án nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC

+ Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) do Tập đoàn điện khí Đông Phương làm tổng thầu EPC với trị giá hợp đồng khoảng 1,4 tỉ USD. Nhà thầu này cũng được cho phép mở rộng làm thầu dự án Duyên Hải 3. 

+ Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) do nhà thầu Shanghai Electric Group Company Ltd (SEC) làm tổng thầu EPC. 

+ Dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng I và II với 4 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW. Gói thầu chính (EPC) do liên doanh nhà thầu Tập đoàn điện khí Đông Phương (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) làm tổng thầu. 

+ Dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2 do nhà thầu SEC làm tổng thầu EPC. 

+ Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương do Tập đoàn Tân Tạo chủ đầu tư, nhà thầu China Huadian Engineering (CHEC) làm tổng thầu EPC, gói thầu trị giá 2 tỉ USD.

 

Một hệ lụy khác là khi các nhà thầu TQ thắng thầu, không chỉ doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước không có cơ hội làm thầu phụ, mà ngay cả những lao động phổ thông cũng không chen chân nổi khi mỗi nhà thầu TQ đều "cõng" theo một số lượng nhân công, kể cả lao động phổ thông rất lớn. Trong khi Quyết định 87 (ngày 19.5.2004) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng quy định: tổng thầu nước ngoài chỉ được đưa vào VN những chuyên gia quản lý kinh tế kỹ thuật và lao động tay nghề cao mà VN không đáp ứng được.

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp cơ khí, thiết bị trong nước, ông Nguyễn Văn Thụ chia sẻ, doanh nghiệp trong nước rơi vào cảnh mất hết việc do nhà thầu TQ thắng thầu ồ ạt.

Với nhà thầu các nước G7 trước đây, nhà thầu phụ VN có thể thực hiện tới 30% khối lượng triển khai gói thầu EPC nhờ được giao chế tạo số lượng lớn kết cấu thép hay các thiết bị phi tiêu chuẩn. Nhưng khi nhà thầu TQ thắng thầu, họ mang sang VN từ người lao động đến cái bu-lông, ốc vít, thiết bị nào không nhập từng phần được thì họ lắp ráp nguyên chiếc rồi mang sang. "Điều tôi thấy khó hiểu nhất là Quyết định 87 đã rõ, nhưng nhiều chủ đầu tư mặc nhiên coi việc nhà thầu TQ mang lao động phổ thông sang như chuyện đã rồi", ông Thụ băn khoăn.

Trong một cuộc họp đầu tháng 8 tại Bộ Công thương, bà Trần Thị Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN thẳng thắn nói: Nhìn cách nhà thầu TQ mang theo cả thiết bị vệ sinh công nghiệp, cả lao động dọn dẹp sang dự án Nhà máy đạm Cà Mau là đủ thấy, chủ đầu tư được giá rẻ nhưng xã hội lại thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng nhìn ra được điều này.

Theo ông Hường, điều này có thể hạn chế nếu chủ đầu tư ngay trong hồ sơ mời thầu tách bạch rõ phần việc nào phải dành cho nhà thầu trong nước.

Xem xét lại cơ chế đấu thầu ưu ái giá rẻ hiện nay là điều mà nhiều nhà thầu kiến nghị. "Trong đấu thầu cần dựng lên những hàng rào khắt khe hơn để đảm bảo chất lượng dự án, chẳng hạn hồ sơ mời thầu chỉ rõ chất lượng thiết bị chỉ chấp nhận của G7 hoặc phải được kiểm chứng trên thế giới, thì ít nhà thầu TQ có thể đáp ứng được", ông Hường nói.

Mai Hà//Thanh Niên
----------------------------------------------------------------------------------------

Sẽ xem lại quy định đấu thầu

Luật Đấu thầu sửa đổi phân cấp và trao quyền tự quyết cao cho chủ đầu tư, được quyền ra đầu bài mời thầu. Tuy nhiên, điểm không chặt theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, là “với công trình lớn có hai giai đoạn tính điểm kỹ thuật và điểm giá cả, cái dở ở chỗ đáng lẽ chủ đầu tư được quyết định anh đạt điểm kỹ thuật 90% phải khác anh chỉ đạt 80%, nhưng vì xem hai anh này bằng nhau nên chỉ cần giá rẻ hơn là thắng. Nếu lấy yếu tố giá làm tiêu chí thì nhà thầu chất lượng cao nhưng giá cao lại thua anh chất lượng thấp giá thấp”.

Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN, những chủ đầu tư do khó khăn về vốn, đương nhiên sẽ chọn đơn thầu giá thấp. Đặc biệt với những dự án vốn nhà nước, chủ đầu tư có thể ngần ngại chất lượng gói thầu của Trung Quốc (TQ) không tốt bằng các nhà thầu khác, nhưng quy định Luật Đấu thầu như thế, nếu chọn giá thầu cao hơn có thể sẽ làm dấy lên những nghi ngờ chủ đầu tư có thể được lợi lộc khác. Rào cản cơ chế giá rẻ đã ít nhiều trói tay chủ đầu tư trong việc ưu tiên lựa chọn giữa giá thành và chất lượng.

Cái khó khác theo ông Hùng, nhiều công trình điện, xi măng lớn hiện nay không sử dụng vốn nhà nước mà là vốn tự ứng của các tập đoàn, tổng công ty. Trong khi đó, nhà thầu TQ sẵn sàng chỉ chỗ cho vay, đặc biệt với những khoản vay lớn hàng tỉ USD đầu tư thiết bị vật tư. Chính sách của Chính phủ TQ hiện ưu tiên rất lớn cho các nhà thầu nhận thầu nước ngoài cả về điều kiện vay lẫn lãi suất.

Theo ông Dương Ngọc Hiền, Vụ phó Vụ Kinh tế công nghiệp - Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong lúc đang thiếu vốn, cần vốn, giá rẻ là cần thiết, nhưng rẻ như thế nào thì chấp nhận được? Các quy định của Luật Đấu thầu phải sửa sao cho việc đánh giá về chất lượng và giá phải tương xứng với nhau.

Lỗi từ chủ đầu tư

Nhìn ở khía cạnh khác, theo ông Hùng, việc các nhà thầu TQ trúng thầu ồ ạt và hiện tượng một số nhà thầu không đảm bảo chất lượng, một phần lỗi chính từ chủ đầu tư. Các công trình trọng điểm nhóm A hiện phân cả cho các tập đoàn, tổng công ty 91, tiêu một khoản tiền rất lớn nhưng năng lực và hiểu biết của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, công trình lớn không quản lý nổi. Thực tế nhiều bài toán chào thầu không chi tiết kể cả chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nên khi nhà thầu TQ sử dụng vật liệu, thiết bị không đúng tiêu chuẩn quốc tế thì chủ đầu tư lại “há miệng mắc quai”.

“Lỗi của chủ đầu tư là bài toán chào thầu không kỹ nên mất chủ quyền. Không chỉ là vấn đề giá rẻ mà cơ chế giám sát, quản lý, điều kiện chất lượng, kỹ thuật trong hợp đồng đấu thầu, nhiều chủ đầu tư làm rất đại khái. Quản lý chất lượng sau khi trúng thầu không chặt chẽ, nhà thầu đưa vào vật liệu xấu không biết, chất lượng thi công xấu không ai hay. Chủ đầu tư của ta đang rất kém điều này”, ông Hùng nhận định. Một điểm đáng tiếc nữa theo ông Hùng là VN nhiều khi trúng thầu nhưng không tin nhau từ thủ tục cho đến nghiệm thu công trình. Chuyên gia này cho rằng, với những dự án vốn nhà nước, nếu muốn khuyến khích nhà thầu trong nước thì quyền chính là ở chủ đầu tư, khi ra điều kiện trong bài toán chào thầu ghi rõ là sử dụng tư vấn, giám sát, vật tư, thiết bị VN hiện có thì sẽ không có chuyện nhà thầu chính lẫn nhà thầu phụ TQ “xơi” trọn gói thầu.

Một lãnh đạo của Bộ Công thương thì cho rằng, nếu chủ đầu tư chịu khó chia nhỏ dự án thành 3 - 4 gói thầu thì khả năng thắng thầu của nhà thầu trong nước sẽ cao hơn rất nhiều. Trong bối cảnh bị ràng buộc bởi các cam kết WTO, Asean và Luật Đấu thầu, vai trò của chủ đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong việc chủ động lọc nhà thầu thực sự chất lượng là rất lớn.

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) Lê Văn Tăng cho biết, sau những phản hồi của dư luận, Bộ trưởng Bộ

KH-ĐT đã chỉ đạo thành lập một tổ nghiên cứu lại các quy định của Luật Đấu thầu, xem lại bất cập về tiêu chí, cơ chế, giám sát hay quản lý... để có những điều chỉnh nhất định.           

Cần có biện pháp ràng buộc vào hồ sơ đấu thầu

Theo TS Tô Văn Trường, cần áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế tình trạng nhà thầu TQ ồ ạt trúng thầu với giá rẻ nhưng chất lượng thấp:

Thứ nhất, những dự án quan trọng và cần thiết nên ưu tiên giao thầu cho các doanh nghiệp (DN) VN nhưng các DN phải cam kết rõ ràng về thời gian, chất lượng công trình và có quy trình giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi thi công. Bản chất của giao thầu không phải là xấu nếu làm đúng bài bản, khoa học. Điển hình như công trình Nhà máy thủy điện Sơn La, thực hiện chính sách giao thầu đang thực hiện tốt.

Thứ hai, các DN Việt Nam cần phải tự lực vươn lên về công nghệ, cạnh tranh về giá thành.

Thứ ba, Nhà nước khi mời thầu, muốn ủng hộ các DN Việt Nam thì phải đưa các điều kiện ràng buộc vào hồ sơ đấu thầu như sử dụng nhân công, nguyên vật liệu của VN (ngoại trừ cán bộ kỹ thuật chính do doanh nghiệp nước ngoài đưa sang). Trong các dự án cụ thể, nếu các nhà thầu VN bỏ giá có cao hơn từ 5-10% vẫn phải ưu tiên cho phía VN. Ngoài ra, còn phải có chương trình giám sát chặt chẽ việc chấm thầu và quá trình thực hiện gói thầu…     

N.Đình Mười

 Mai Hà// Thanh Niên

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Thu hút đầu tư tại Quảng Ninh: Nút thắt cần tháo gỡ
  • Nhiều công ty bảo hiểm bế tắc hướng cạnh tranh
  • Việt kiều sở hữu nhà trong nước Thị trường bất động sản ra sao ?
  • Vay nợ nước ngoài là cần thiết
  • Mời đầu tư kiểu “sống chết mặc bay”
  • Tại sao thế giới đổ xô mua đồng yên?
  • Ai trục lợi từ khủng hoảng nợ châu Âu?
  • Thị trường chứng khoán: Tại sao phải “tháo chạy”?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!