Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung (trái) trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, Ảnh: Quốc Hùng. |
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, hôm 7-5 công bố báo cáo nhận định, giá trị đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu đô la Mỹ.
Lý do của sự gia tăng này là nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có tiềm lực về tài chính, công nghệ để đầu tư ra nước ngoài và Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí vận tải và khai thác lợi thế của quá trình hội nhập. Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới cần có những chính sách khuyến khích cụ thể hơn nhằm giúp doanh nghiệp khai thác lợi thế có hiệu quả, góp phần “bù đắp” những thiếu hụt cho một số lĩnh vực sản xuất quan trọng của nền kinh tế trong nước, chẳng hạn như sản xuất điện ở nước ngoài đưa về bù đắp cho thiếu hụt điện năng trong nước, khai thác một số khoáng sản phục vụ sản xuất chế biến trong nước. Các hoạt động đầu tư phát triển cũng sẽ góp phần làm thay đổi hình ảnh của Việt Nam tại nhiều quốc gia. Để hoạt động đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả hơn, nhất là các dự án thực hiện mục tiêu quan trọng có tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế của nước ta, Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh cho phép chủ đầu tư vay vốn tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư của dự án và cho phép miễn hình thức đảm bảo tiền vay bằng tài sản, được hưởng lãi suất ưu đãi hoặc Chính phủ đứng ra bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp. Mặt khác, Cục đề nghị các ngân hàng thương mại trong nước cho vay vốn đối với các dự án đầu tư tại một số nền kinh tế đặc biệt (Lào, Campuchia, CHLB Nga) trong các lĩnh vực nêu trên và được phép cho vay vượt 15% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại. Ở các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài nhằm “bù đắp” thiếu hụt, Cục đề nghị miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước sở tại, ví dụ như tại Lào và Campuchia. Ngoài ra, Cục đề nghị các khoản viện trợ, hỗ trợ của Việt Nam cho một số nước như Lào, Campuchia cần gắn chặt và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; ví dụ như hỗ trợ đào tạo nghề phải gắn với các lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, Campuchia… Năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,65 tỉ đô la Mỹ với 49 dự án, đưa tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ trước đến nay lên 6,68 tỉ đô la. Có 164 trong 418 dự án đã và đang thực hiện tại Lào và chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp.
(Theo Ngọc Lan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com