Nhận định của ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách kích cầu của Việt Nam thời gian tới.
Kích cầu thực chất là tăng vốn đầu tư
Chính sách kích cầu vừa được công bố cuối tháng 11 vừa qua có đúng thời điểm không, thưa ông?
Từ cuối tháng 2/08, khi thấy tình hình kinh tế trong nước có một số diễn biến không tốt, tôi đã có đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2008. Từ tháng 6/2008 đến nay, Quốc hội đã hai lần có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2008, tôi đã đề xuất là dứt khoát phải nới lỏng có mức độ chính sách tiền tệ. Và đầu tháng 9, tôi cũng đề xuất cần có biện pháp kích cầu ngay từ quý 4, để ít nhất chúng ta còn có được một quý trong năm nay.
Tất cả đề xuất của tôi đều bắt nguồn từ nhận định cơ bản, từ sau Tết Mậu Tý và đến nay, tôi vẫn cho rằng năm 2008 sẽ rất khó. Do đó, không đạt được chỉ tiêu kế hoạch như đã đề ra. Và năm 2009 sẽ còn khó khăn hơn.
Ở nước ta, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn, yếu tố vốn chiếm đến khoảng 60%. Chính vì vậy, có thể khẳng định, không có đầu tư là không có tăng trưởng kinh tế và kích cầu thực chất là tăng vốn đầu tư.
Mặc dù biết rằng chỉ chạy theo vốn như thế này là không cơ bản và rất có giới hạn, không thể đi mãi bằng con đường này, nhưng trước mắt, khi chưa “đi” được bằng con đường khoa học công nghệ, bằng năng suất cao thì buộc lòng phải sống bằng con đường này.
Đồng thời, trong thời gian ngắn nhất phải làm cho các yếu tố về năng suất lao động, công nghệ - tức là các yếu tố tăng chất lượng của tăng trưởng phải vượt trội.
Nói như vậy để thấy rõ chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ việc thay đổi cơ cấu đầu tư nhằm nhanh chóng cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì may ra từ năm 2010 trở đi mới có thể có tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững như mong muốn.
Thực trạng kinh tế hiện nay có những điểm gì tương đồng với giai đoạn khó khăn cách đây đúng một thập kỷ?
Câu chuyện hiện nay khá giống các năm 97-98-99 của thập kỷ trước. Cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra năm 1997, cuối năm đó, Quốc hội nước ta thông qua kế hoạch năm 98 là tăng trưởng kinh tế khoảng 9%. Tháng 3/98, thấy tình hình không ổn Chính phủ trình và được Quốc hội quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5-6%.
Thời điểm đấy, cũng có nhận định, năm 99 sẽ khó khăn hơn năm 98. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1999, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5-6% và thực tế năm đó chỉ đạt 4,8%.
Theo tôi, tăng trưởng kinh tế 6,5% đề ra cho năm 2009 cũng là con số khá cao, đạt được nó là không đơn giản. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, tăng trưởng kinh tế cao là nguyện vọng cháy bỏng của mỗi người dân, là con đường sống của cả dân tộc.
Song tăng trưởng nhanh phải đi đôi với bền vững, tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển văn hóa, thực hành dân chủ, phát triển con người; phát triển kinh tế của thời kỳ này phải tạo tiền đề, nền tảng cho phát nhanh và bền vững của giai đoạn tiếp theo.
Nói như vậy để thấy tăng trưởng 6,5% cho năm 2009 là con số không thấp, không đơn giản nếu gắn được các yêu cầu của sự phát triển nêu trên đây. Tình hình trong và ngoài nước hiện nay khó khăn hơn một thập kỷ trước. Một điểm cần chú ý là cân đối vĩ mô của nước ta trước đây khá hơn hiện nay, lạm phát năm 1998 chỉ là 9,2%, còn năm 2008 có thể đến 22%.
Nếu ví cuộc khủng hoảng tài chính như cơn bão thì kinh nghiệm cho hay cơn bão này đổ bộ vào nước ta chậm, nhưng ở lại lâu và sẽ tàn phá nặng nề. Do đó, cần có hành động ngay để ngăn chặn bớt sự tàn phá của cơn bão tài chính đang diễn ra, giảm thiểu tác động xấu của nó.
Yếu tố thời gian hiện là số 1
Con số 1 tỷ USD được Chính phủ đưa ra có giá trị tinh thần nhiều hơn hiệu quả thực tế xét về mặt hỗ trợ nền kinh tế, có đúng không, thưa ông?
Năm tới, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 715 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 42,5 tỷ USD (theo tỷ giá 16.800 đồng /USD). Chúng ta cần khai thác trong con số 42,5 tỷ USD là chính. Để kích cầu chúng ta cần có nguồn vốn, nguồn vốn này lấy ở đâu cũng được, miễn là nguồn đó khai thác được nhanh nhất.
Tất cả các nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu, tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều cần phải khai thác. Yếu tố thời gian hiện là số 1. Bây giờ mới bắt đầu đã là quá muộn. Vì vậy, càng phải chạy nhanh.
Đương nhiên, bên cạnh nguồn vốn trong nước, chúng ta cũng cần tính đến việc vay thêm vốn từ bên ngoài. Đây cũng là kinh nghiệm của kế hoạch kích cầu năm 1997-1999.
Có những nguồn vốn Nhà nước đã có kế hoạch, nhưng thực hiện quá chậm. Trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn Nhà nước phải đánh đổi bằng cách vay dân để xây dựng các công trình trước và ngân sách nhà nước trả lại sau. Giá của công trình xây bằng nguồn này sẽ đắt lên.
Ví dụ, vay dân với lãi suất 8%/năm, 5 năm phải trả lại cả gốc lẫn lãi cho dân, thì công trình mặc nhiên đắt lên ít nhất là 40%. Công trình xây dựng bằng nguồn vốn này phải đưa vào hoạt động sớm thì việc đánh đổi nêu trên mới có ý nghĩa, mới đáng giá của việc đánh đổi. Mấy năm qua chúng ta chưa làm được điều này.
Tương tự như câu chuyện kích cầu, cũng là vốn nhà nước bỏ ra, nếu làm chậm, phải đánh đổi bằng giá vốn nhưng hiệu quả không cao sẽ rất đáng tiếc.
Một tỷ USD là quan trọng nếu biết sử dụng, còn không con số này cũng như muối bỏ bể. Nếu sử dụng nguồn này theo con đường bao cấp thì 1 tỷ USD đó thành tai họa chứ không mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Số tiền này nên được cho vay một cách cân nhắc để trở thành “mồi” hợp lý trong việc kích thích kinh tế.
Một ví dụ là, trong điều dự phòng tài chính eo hẹp thì thông thường ngân sách có thu rồi mới có chi, nhưng khi thu không kịp mà vẫn phải chi cho đầu tư để sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng, sớm làm tăng sức mua cho xã hội thì bên A có thể đi vay. Nhà nước có thể dùng một phần từ 1 tỷ USD này bù lãi. Lại phải nhấn mạnh rằng, thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác kích cầu hiện nay.
Kích cầu chậm, hàng Trung Quốc dễ chiếm thị phần
Theo ông, lĩnh vực nào cần được kích cầu?
Thứ nhất là tất cả các dự án có “đầu ra” chứ không phải những dự án chứng minh được có đủ điều kiện “đầu vào”. Đầu ra càng hiện thực bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Mặt hàng nào cung-cầu vênh thì đưa vốn vào.
Hiện nay, hàng Trung Quốc đang “kìn kìn” chạy sang, nếu kích cầu chậm thì hàng Trung Quốc dễ chiếm được nhiều thị phần của nước ta, gây hậu quả xấu không dễ khắc phục.
Nhóm thứ hai là những lĩnh vực cũng tạo sức mua nhưng sản phẩm rất cơ bản và lâu dài, đó là những công trình, dự án phát huy tác dụng, hiệu quả trong tương lai xa hơn, tạo ra cơ cấu kinh tế tốt hơn, làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.
Số tiền “mồi” có thể là ít, cho nên cần tìm cái gì cần “mồi”. Chọn dự án nào đã có đủ điều kiện nhất để đầu tư cho điện, giao thông, thuỷ lợi. Danh sách đưa ra thì nhiều nhưng phải có tiêu chí cụ thể để lựa chọn. Hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nợ tiêu chí.
Ngoài việc lựa chọn lĩnh vực và dự án để ưu tiên đầu tư cần thêm những điều kiện gì nữa, thưa ông?
Để thực hiện chủ trương kích cầu có hiệu quả thì phải xử lý ít nhất là ba vấn đề: tiền đâu; đầu tư vào đâu và đầu tư thế nào. Hai vấn đề đầu đã được nêu trên đây. Thiếu yếu tố thứ ba, thì không thể “kích cầu” có hiệu quả.
Một trong những giải pháp thuộc nhóm thứ ba và cần thực thi song song với việc tiếp vốn đó là giải pháp mang tính chất hành chính. Giải pháp này mang lại hiệu quả quá lớn mà không tốn tiền. Chúng ta đã có kinh nghiệm để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính ở một số khâu có thể, cho phép làm song song nhiều thủ tục trong một dự án.
Để làm việc này phải tổ chức những nhóm công tác, có đủ thẩm quyền quyết định tại chỗ đối với những vướng mắc do các thủ tục hành chính đang quá rườm rà, hoặc vừa rườm rà nhưng thiếu cụ thể gây ra.
(Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com