Gần đây, với chủ trương siết chặt tín dụng tiêu dùng, các ngân Hàng không thể mạnh tay “bơm” vốn cho cá nhân như trước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2009, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thời điểm cuối năm 2008. Trước sức nóng tín dụng tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đã lợi dụng thời cơ chứng khoán tăng, đẩy vốn cho cá nhân vay thông qua hình thức tiêu dùng, nhưng trên thực tế, nguồn vốn này “chảy” vào chứng khoán. Chính vì vậy, trong gần 2 tháng qua, với chủ trương siết chặt tín dụng tiêu dùng, nhất là với cho vay cầm cố và bất động sản..., các ngân hàng không thể mạnh tay “bơm” vốn cho cá nhân như trước.
Các ngân hàng thắt chặt các điều kiện vay tiêu dùng như “siết” lại hạn mức, rút ngắn thời gian trả nợ và sàng lọc khách hàng kỹ càng hơn. Ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành Ngân hàng Quốc tế (VIB) TP.HCM cho biết, với cho vay mua nhà, đất, căn hộ trả góp, các sản phẩm đưa ra không có nhiều thay đổi so với trước, song Ngân hàng chủ yếu nhắm đến khách hàng có thu nhập ổn định và khả năng trả nợ cao.
Trong những tháng đầu năm 2009, Eximbank là một trong những ngân hàng mở rộng cửa cho vay cầm cố chứng khoán, song cũng bắt đầu gia tăng điều kiện tín dụng, chẳng hạn như việc giảm mức cho vay và sàng lọc lại cổ phiếu được cầm cố.
Ông Trần Minh Khoa, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, dư nợ cho vay tiêu dùng tại Eximbank chỉ tăng trưởng ở mức tương đối thấp, chiếm 6% tổng mức tăng trưởng tín dụng và Ngân hàng chưa triển khai cho vay tín chấp như một số ngân hàng bạn.
Qua trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng cá nhân hiện chỉ chiếm khoảng 15 - 20% trên tổng dư nợ của Ngân hàng. Đại diện DongA Bank cũng cho biết, tính đến hết tháng 7/2009, số dư huy động vốn tăng 24% và dư nợ cho vay chỉ tăng 20% so với đầu năm, giảm nhiều so với 2 tháng trước đây.
Điều này cho thấy, các ngân hàng đang từng bước điều chỉnh lại dư nợ cho vay tiêu dùng để phù hợp với chủ trương của NHNN. Như vậy, các ngân hàng đành phải hy sinh nguồn lợi thu về từ phát triển tín dụng cá nhân được xem là mảng đóng góp nguồn thu đáng kể trong 6 tháng đầu năm.
Theo một chuyên gia tài chính, lãnh đạo nhiều ngân hàng có ý kiến rằng, việc NHNN “siết” chặt tín dụng cá nhân, song không điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các ngân hàng, bởi trần lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân không thể nới, nếu lãi suất cơ bản giữ nguyên ở mức 7%/năm hiện nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia trên cho rằng, cần có sự kiểm soát kỹ chất lượng tín dụng, nhất là với tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.
(Theo Vân Linh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com