Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục có thêm động thái “siết” hoạt động cho vay của các ngân hàng, khi chính thức giảm 10% tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Sắp tới, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trong phát triển tín dụng (Ảnh: Hoài Nam) |
Ngày 10/8/2009, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 15/2009/TT-NHNN quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng, trừ quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là khả năng thanh khoản. Cụ thể, với ngân hàng thương mại, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm xuống còn 30% (thay vì 40% như trước); với công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, tỷ lệ này là 30%; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 20%.
Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Theo NHNN, để quản lý tốt khả năng chi trả, đòi hỏi các tổ chức tín dụng hội tụ đủ các yếu tố phải có, như hệ thống công nghệ thông tin hiện đại với các phần mềm tương thích tính toán các loại tài sản có (có thể thanh toán ngay) và tài sản nợ (phải thanh toán và được quản lý tập trung), trên cơ sở nối mạng toàn hệ thống để có đầy đủ cơ sở dữ liệu về dòng tiền. Trong khi đó, thực tế cho thấy, tỷ lệ khả năng chi trả của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế. Mặt khác, tình hình huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.
Vì vậy, theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là cần thiết, nhằm hỗ trợ, giúp các tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn thanh khoản. Trước động thái trên của NHNN, các ngân hàng bắt đầu siết chặt hơn điều kiện tín dụng cũng như thận trọng hơn trong việc lựa chọn khách hàng để cung ứng vốn. Trong đó, với tín dụng hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng không còn rộng cửa như trước. Theo thống kê của NHNN, tốc độ tăng tưởng dư nợ tín dụng hỗ trợ lãi suất cũng giảm dần trong hơn 2 tuần qua, với mức tăng bình quân chưa tới 1%/tuần, thay vì 3 - 6%/tuần như trước.
Điều đáng chú ý là, các ngân hàng cũng không thể đẩy mạnh với tín dụng cá nhân (vốn được xem là loại hình cho vay đã đóng góp nguồn thu đáng kể vào tổng lợi nhuận ngân hàng trong 7 tháng đầu năm nay). Bởi chủ trương của NHNN đưa ra là yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng cá nhân, nhất là với cầm cố chứng khoán, bất động sản và cả tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, ngoài chiến lược phát triển “chất lượng và bền vững”, DongA Bank cần phải đáp ứng yêu cầu và chủ trương kiểm soát chặt tín dụng của NHNN. Hiện DongA Bank đang từng bước rà soát lại các đối tượng khách hàng. “Ngân hàng chỉ gia tăng vốn cho vay đối với những khách hàng tốt và thu hẹp việc cung ứng vốn nếu xét thấy khó khả thi. Do đó, tính đến thời điểm này, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của DongA Bank mới chỉ đạt trên 20%”, bà Vân nói và cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng cá nhân (kể cả cho vay mua nhà trả góp) của DongA Bank hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 7/2009, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đạt 690.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 585.000 tỷ đồng, tăng 15,4%. “Với chủ trương kiểm soát chặt tín dụng và hạ mục tiêu tăng trưởng dư nợ năm nay xuống 25 - 27%, chắc chắn các ngân hàng phải thận trọng hơn trong phát triển tín dụng”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô thì tùy từng thời điểm khác nhau, Chính phủ sẽ có những biện pháp và quản lý khác nhau, bởi nếu nền kinh tế không ổn định, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thì chắc chắn ngân hàng khó thu lợi nhuận.
(Theo Thùy Vinh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com