Thời gian gần đây, cổ phiếu ngành ngân hàng càng gặp khó khi dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm lưu lượng do nhiều nguyên nhân, cộng với việc hàng loạt ngân hàng (NH) đang chạy đua tăng vốn để đạt được mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng theo quy định 141/CP của NHNN.
Các NH tập trung huy động vốn thông qua kênh chứng khoán từ các hoạt động niêm yết và phát hành thêm cổ phiếu, làm cho cổ phiếu (CP) nhóm ngành này càng bị pha loãng và góp phần gây ra tình trạng cung vượt cầu trên toàn bộ TTCK. Một số NH đã kịp hoàn thành lộ trình tăng vốn, một số khác vẫn loay hoay tìm giải pháp... Phóng viên đã có buổi trò chuyện với ông Trần Đức Thuận, TGĐ CTCK Công nghiệp Việt Nam, về vấn đề này.
Theo quy định của NHNN tới ngày 31/12/2010 tất cả các NH phải tăng vốn điều lệ lên 3000 tỷ đồng. Nếu các NH huy động vốn không thành công, rất có thể sẽ “biến mất” hoặc phải sáp nhập? Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Hiện nay, chúng ta có 39 ngân hàng thương mại, trong đó, chỉ 9 NH có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng, còn lại 30 NH có vốn dưới 3.000 tỷ đồng (bao gồm 21 NH dưới 2.000 tỷ đồng và 9 NH có vốn nằm trong khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng). Qua đó cho thấy các NH nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn. Hệ thống gồm nhiều ngân hàng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, tuy nhiên, kiểm soát việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc tăng vốn nhằm đảm bảo tính an toàn cho từng ngân hàng và cho cả hệ thống là cần thiết. Tuy nhiên, với lộ trình tăng vốn nhanh như vậy tạo tiền đề cho quá trình bị thâu tóm hoặc sáp nhập, xảy ra với những ngân hàng nhỏ không huy động kịp vốn điều lệ cần thiết theo qui định.
Hiện nay có hai kiểu hệ thống ngân hàng. Kiểu thứ nhất là thị trường tiền tệ nằm trong tay một số ngân hàng lớn. Kiểu hệ thống này tạo sự ổn định cao cho thị trường nhưng cũng xuất hiện hiện tượng độc quyền và hạn chế cạnh tranh. Những nước như Singapore và Malaysia đang áp dụng cách quản lý này. Ngược lại, ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hongkong, có rất nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động, kiểu hệ thống này giúp tạo ra môi trường cạnh tranh, nhưng khả năng ổn định thị trường tiền tệ quốc gia sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo tôi, việc sáp nhập các NH nhỏ để tạo nên một NH lớn, có sức mạnh tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn là điều cần thiết. Việc sáp nhập này không chỉ làm tăng khả năng cạnh tranh và sự ổn định mà còn làm cho việc kiểm soát hệ thống tài chính và thực thi chính sách tiền tệ của chính phủ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do thiếu vốn mà các NH nhỏ sáp nhập với nhau để tạo ra một ngân hàng có đủ vốn theo đúng quy định của NHNN chỉ là một cách làm đối phó.
Hiện tại có rất nhiều NH đã có kế hoạch niêm yết trên sàn, một số khác phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn. Ông có cho rằng đây là những giải pháp tốt trong thời điểm cổ phiếu ngành NH không còn hấp dẫn với nhà đầu tư?
Khá nhiều NH đã nỗ lực tìm vốn từ cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phần huy động vốn, chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài... Nhưng với tình hình hiện nay, không phải giải pháp nào cũng suôn sẻ. Theo ước tính, nếu 20 NH nhỏ này gọi đủ vốn, đáp ứng việc nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước ngày 31/12/2010, con số huy động phải hơn 42.000 tỷ đồng. Nếu cộng thêm kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng lớn như VCB, ACB,… tổng số vốn cần huy động trong năm nay là hơn 50 nghìn tỷ đồng, một con số không nhỏ trong tình hình thị trường hiện nay. Với những NH có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở xuống sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chạy đua tìm nguồn vốn.
Một số NH chọn giải pháp huy động vốn thông qua sàn giao dịch chứng khoán, tuy nhiên kênh huy động này thường chỉ phát huy hiệu quả đối với các NH có tính đại chúng cao. Hơn nữa, việc phát hành cổ phiếu trên sàn niêm yết trong thời gian tới sẽ gặp nhiều cạnh tranh do các “đại gia” của ngành NH như Vietinbank, Sacombank hay ACB cũng đang có kế hoạch tăng vốn thông qua kênh này. Ngoài ra, lòng tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu NH trong thời gian gần đây đã bị giảm sút, do đó hiệu quả của giải pháp này sẽ không còn như trước.
Ngoài kênh chứng khoán, các NH còn có thể thu hút vốn qua kênh nào mà theo ông là thực sự hiệu quả?
Đối với các NH đang có vốn điều lệ dưới mức 2.000 tỷ đồng thì phương án phát hành thêm cổ phiếu khó khả thi nên cách huy động vốn hiệu quả hơn là tìm kiếm các đối tác chiến lược là nhà đầu tư tổ chức hoặc đối tác nước ngoài. Thế nhưng, việc tìm được đối tác nước ngoài không hề đơn giản. Một vài NH đã tìm được đối tác nước ngoài, nhưng giá cổ phiếu quá rẻ, nếu bán sẽ thiệt thòi cho các cổ đông hiện hữu và không đem lại vốn thặng dư. Tuy nhiên, cũng có NH đã thành công trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Không chỉ các NH nhỏ chạy đua tăng vốn, mà các NH lớn (đã có số vốn vượt xa 3.000 tỷ đồng) cũng có kế hoạch tăng vốn. Khiến sức ép các NH nhỏ đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Ông có nhận xét gì về điều này?
Không chỉ các NH nhỏ mà nhu cầu tăng vốn với ngay cả các NH lớn nhu cầu này cũng cấp thiết. Hiện có khoảng 10 ngân hàng đã có thông báo phát hành tăng vốn. Như Sacombank dự kiến tăng thêm 2.479 tỷ đồng, ACB tăng thêm 1.563 tỷ đồng bằng phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 5:1. Các ngân hàng khác như Techcombank và Đông Á đều có kế hoạch tăng thêm 1.000 - 2.500 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay.
Trên TTCK, cổ phiếu ngành NH không còn hấp dẫn nhà đầu tư do nhiều nguyên nhân và các nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng khi có ý định tiếp tục đổ tiền vào các cổ phiếu này. Áp lực tăng vốn điều lệ buộc các NH nhỏ phải phát hành thêm cổ phiếu, giá cổ phiếu NH theo đó lại tiếp tục chịu sức ép giảm giá.
Có thể nói, cuộc chạy đua cạnh tranh thu hút vốn bằng phát hành cổ phiếu giữa các ngân hàng lớn và nhỏ đang không cân sức. Trong khi nguồn vốn tăng thêm của các NH lớn dùng để đầu tư, mở rộng mạng lưới thì các ngân hàng nhỏ chỉ mong sao tăng đủ vốn pháp định.
(Stocknews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com