Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và Tập đoàn TKV rà soát, tính toán cụ thể giá bán than cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường để triển khai áp dụng từ năm 2011.
Xung quanh câu chuyện giá điện - giá than và vấn đề cân đối cung - cầu để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Tập đoàn TKV.
Dường như đang có một cuộc chạy đua của các chủ đầu tư nhà máy điện để giành được quyền mua than trong nước. Trong khi trước đó, Chính phủ chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tự tìm nguồn than NK để chủ động nguồn nguyên liệu?
Chúng tôi cũng đang rất băn khoăn về điều này. Không chỉ các chủ đầu tư điện muốn sử dụng than trong nước, mà cả các chủ đầu tư nhà máy ximăng, phân bón cũng đều không muốn nhập than. Hiện đang tồn tại 3 loại giá gồm: Giá than bán cho điện, mới bằng 60% giá thành; giá than bán cho 3 ngành ximăng, giấy, phân bón đã được điều chỉnh tăng một bước và giá than bán cho các hộ tiêu thụ còn lại. Do giá than bán cho điện đang là giá bao cấp, thấp hơn rất nhiều so với giá than NK nên các chủ dự án đều thích dùng than trong nước để được hưởng cơ chế ưu đãi. Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần phải xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, không thể ưu đãi tràn lan.
Đầu năm nay, Chính phủ đã cho phép giá than được điều chỉnh tăng theo giá điện và hiện TKV vẫn còn nguồn bù đắp từ giá than XK?
Kể cả đợt tăng giá vừa rồi đến thời điểm này, giá than bán cho điện mới đạt bằng 60% so với giá thành sản xuất. Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải điều chỉnh giá cao lên vì chi phí để sản xuất than ngày càng cao, do điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu, nhiều vật tư thiết bị trong nước chưa sản xuất được phải NK cũng bị đội giá lên. Về chủ quan, đối với nhà sản xuất than, giá bán phải đạt bằng giá thành và có lợi nhuận hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên. Đối với người sử dụng, cũng tạo động lực để đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao nhiên liệu, từ đó giảm chi phí. Nếu Nhà nước càng ghìm giữ giá than lâu, càng bất lợi. Khi đó, kịch bản sẽ xảy ra là những ngành sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch lớn sẽ vào VN để hưởng giá than, giá điện rẻ và như thế VN sẽ trở thành nơi gánh công nghệ lạc hậu.
Nhưng nếu tăng giá than cho điện đạt bằng 90% giá XK như đề xuất của TKV thì sẽ khó chấp nhận. Nếu giá điện tăng sẽ làm cho giá cả các mặt hàng khác cũng tăng?
Nói đưa giá than đạt bằng 90% giá XK cũng là khá cảm tính. Cần phải có những tính toán. Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và TKV xây dựng lộ trình tăng giá than hợp lý sao cho đạt được cả lợi ích chung. Trong những năm sắp tới, tỉ trọng than XK sẽ giảm, ngành than phải lo nguồn vốn đối ứng để đầu tư các mỏ than và nâng cao thu nhập cho lao động.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com