Ông Hà Thế Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC |
Với Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC Hà Thế Minh, tính cách người lãnh đạo ảnh hưởng trực tiếp tới “cá tính” doanh nghiệp. Và “im lặng để thành công” là nét tính cách ông “thổi” vào CMC.
Tính cách người lãnh đạo - cá tính doanh nghiệp?
Nói tới CMC, người ta thường nghĩ tới thương hiệu máy tính CMS - thương hiệu đầu tiên của một dòng sản phẩm mang trí tuệ Việt Nam. Nhưng muốn mở rộng câu chuyện với vị chủ tịch tập đoàn để tìm kiếm những giá trị khác của CMC không phải là điều đơn giản bởi ông “ẩn” mình quá kỹ.
- Khi tới đây - một tòa nhà thông minh như cách gọi của CMC tôi chợt nhận ra nó nằm cạnh khá nhiều các doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt là toàn những doanh nghiệp hàng đầu. Đó là sự sắp đặt hay ngẫu nhiên?
Tôi gọi đó là… duyên. Chưa được kiểm chứng nhưng tôi được biết khu đất này vốn là vùng đất mới được quy hoạch và số lượng nhân viên công nghệ ở đây có lẽ lớn hơn nhiều so với Công viên phần mềm Quang Trung tại TPHCM (cười).
- Vậy đây chính là các đối thủ mạnh của CMC?
Các doanh nghiệp công nghệ theo đánh giá của tôi là cạnh tranh sòng phẳng, không có điều gì đáng phải phàn nàn. Tôi tôn trọng và chấp nhận những cuộc cạnh tranh đó, dù đôi khi có nhiều doanh nghiệp “nổ” quá. Điều này sẽ khiến khách hàng choáng ngợp lần đầu tiên, thậm chí lần thứ 2, thứ 3 nhưng rồi mọi thứ sẽ được thực tế kiểm chứng.
- Còn đánh giá của ông khi họ là đối tác?
Điểm chung của chúng tôi là mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, góp phần cho chính sách về công nghệ thông tin ngày càng ổn định hơn.
- Nhưng so với nhiều đối thủ cạnh tranh, dường như CMC hơi im ắng...?
Đó là ảnh hưởng của tính cách của người lãnh đạo. Tôi thường chỉ nói những gì làm được. Điều đó hay hoặc dở thì... hậu xét.
Văn hóa doanh nghiệp - đâu là giá trị đích thực?
- Vậy theo ông, giá trị riêng có của CMC là gì?
Theo tôi, mỗi doanh nghiệp khi sinh ra đã mang trong mình một giá trị riêng có rồi. Còn nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo là xây dựng, củng cố và triển khai giá trị đó trở thành một văn hóa, một tính cách và là một đặc trưng riêng của doanh nghiệp. Với CMC, lợi nhuận không phải là giá trị lớn nhất mà chỉ là giá trị cần phải có thôi. Tài sản lớn nhất của CMC được vun đắp từ chính mỗi hàm lượng trí tuệ của nhân viên. Nếu biết kết hợp những hàm lượng chất xám đó sẽ cho ra đời những sản phẩm rất… Việt Nam, gia tăng giá trị Việt.
- Quả là ông nói rất hay về giá trị của nhân viên, nhưng tôi cũng được biết, tỷ lệ “nhảy việc” của CMC tương đối cao?
Đó là sự thực! Trong bối cảnh của nền công nghệ thông tin Việt Nam còn quá nhiều vấn đề như hiện nay, không công ty nào dám khẳng định rằng mình có khả năng giữ người.
Nếu xét ở góc độ chủ quan, nhảy việc còn liên quan đến tuyển dụng, quản trị, đến khả năng thăng tiến... Nhưng nếu xét ở khía cạnh khách quan, tình trạng nhân lực về công nghệ thông tin thừa những người kém chất lượng nhưng quá thiếu những người chất lượng cao cũng đang khiến nhiều nhân viên khi đã “đủ lông đủ cánh” là tìm cách bay. Đơn cử như Ấn Độ, họ có có khoảng vài chục ngàn người làm về công nghệ thông tin với cả một “thung lũng công nghệ cao” nhưng tỷ lệ nhảy việc của họ cũng “cao” không kém. Tôi nói điều này có thể không phải để thanh minh cho CMC mà chỉ để chứng minh tính cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp trong môi trường này.
- Nhưng cũng vẫn phải có “chiêu” giữ người, thưa ông?
Chúng tôi đang có dự án nhằm xây dựng một mức độ quản trị nhân sự theo mặt bằng quốc tế. Thậm chí, CMC đã làm việc với Microsoft để hiểu thêm về chiến lược phát triển và học tập kinh nghiệm quản trị chuyên nghiệp của một công ty hàng đầu thế giới. Hiện CMC vừa được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh - quyền chọn - chúng tôi là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên sử dụng công cụ này để tạo động lực cho nhân viên. Theo đó, với mỗi nhân viên hoàn thành tốt công việc cũng như thực hiện tốt cam kết với công ty sẽ có “quyền chọn” với nhiều ưu đãi.
Nói đơn giản là CMC sẽ không phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động như các doanh nghiệp khác mà thay vào đó sẽ phát hành cổ phiếu cho nhân viên theo phương thức “quyền hạn”. Và nhân viên sẽ được hưởng “quyền chọn” này trong vòng 3 năm (đương nhiên là với điều kiện những người này thực hiện được những cam kết với công ty. Người nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ có “quyền chọn” càng lớn. Theo tính toán của tôi, 3 năm nữa VN-Index sẽ ở mức 600 điểm, lúc đó giá của CMC sẽ ở mức 70.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy có thể nói CMC gắn quyền lợi của nhân viên với sự tăng trưởng của công ty.
Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa, môi trường làm việc, thúc đẩy sáng tạo… vẫn là điều CMC phải làm một cách liên tục và vừa làm vừa cải tiến, chưa thể đưa ra một “hình mẫu” được.
- Nhưng tôi vẫn cho rằng đó là việc “nội bộ”. 17 năm qua, CMC ngày một lớn mạnh, nhưng dường như CMC khá “im ắng” trong các hoạt động cộng đồng?
Mục đích lớn nhất của chúng tôi vẫn là “hướng tới tương lai số” không phải cho riêng mình mà cho cộng đồng. Nếu thật sự bạn thấy chúng tôi im ắng đó là do cách truyền thông của chúng tôi. Theo tôi, không phải cứ ầm ĩ lên mới là có trách nhiệm với cộng đồng. Trách nhiệm của doanh nghiệp, của từng cá nhân trong doanh nghiệp với cộng đồng mới là điều đáng nói.
Chúng tôi tự hào đã có thương hiệu máy tính CMS của người Việt, chúng tôi cũng tự hào với nhiều sản phẩm công nghệ của người Việt. Vậy theo bạn, chúng tôi có cần quảng bá không khi hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp đang tự PR, thổi phồng những hoạt động mang tính cộng đồng của mình lên mà không biết là tự tạo hiệu ứng ngược.
Vì vậy, tôi vẫn cho rằng phải truyền thông như thế nào để nhân viên thấy tự hào về những việc mình làm mới là quan trọng.
Doanh nghiệp Việt đang "nổ" quá!
Câu chuyện của tôi với ông tự dưng lại trở thành câu chuyện về truyền thông - vấn đề luôn khó nói và khá “nhạy cảm” trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Mối quan hệ mà theo đánh giá của tôi, nó vừa gần, vừa xa, vừa thân thiết nhưng cũng vừa chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Nghe ông nhắc tới truyền thông, tôi chợt nhớ, cách đây 10 năm Việt Nam đặt khá nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp này với nhiều lời tuyên bố khá “hùng hồn” của những người trong cuộc. Với kỳ vọng vào một sự bắt kịp Ấn Độ trong việc cung cấp các sản phẩm trí tuệ, một thời gian không dài, ngành công nghiệp, dịch vụ này đã phát triển khá nóng. Nhưng sau đó, theo đánh giá của riêng tôi, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực IT đang có khoảng lặng cần thiết để tìm đến những giá trị bền vững hơn.
- Nhưng theo tôi, PR bản thân không xấu, PR doanh nghiệp lại càng không thể coi là xấu?
(Cười). Đúng vậy, tôi cũng nghĩ PR bản thân không xấu. Chỉ có điều cách thức PR phải đạt đến độ “nghệ thuật”, phải làm sao để tạo những hiệu ứng tốt và đúng với những gì mình đã làm.
- Vậy nếu PR bản thân, anh sẽ làm điều gì?
Tôi không thích làm điều gì cả, nhưng nếu có thể tôi muốn được biết đến như một người nỗ lực cho sự phát triển của nền công nghệ thông tin Việt Nam.
- Còn nếu PR về CMC?
CMC là doanh nghiệp niêm yết đầu tiên sử dụng công cụ chứng khoán phái sinh quyền chọn – để tạo động lực cho nhân viên. |
Trong suy nghĩ của tôi, tôi muốn mọi người biết về CMC như một doanh nghiệp góp phần thúc đẩy hàm lượng trí tuệ Việt Nam ngày càng cao. Hàm lượng trí tuệ Việt Nam càng cao có nghĩa là khả năng cạnh tranh của Việt Nam cũng ngày càng lớn. Còn trong tương lai gần, sắp tới tôi muốn mọi người biết về CMC như một doanh nghiệp đầu tư nhiều về phát triển những sản phẩm có tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tuy vậy, truyền thông phải đi đôi với hành động, không thể nói những cái mình không có. Tất nhiên, để người ngoài hiểu CMC làm vì cộng đồng, là nơi để trí tuệ Việt có cơ hội phát triển, đó chính là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới nhưng để tìm ra phương pháp thì đó còn là chiến lược của chúng tôi.
- Ông tham vọng như vậy, nhưng với người ngoại đạo như tôi, nghĩ tới CMC đơn giản là nghĩ tới một công ty máy tính?
Nếu như vậy thì tôi nghĩ có thể công tác truyền thông của CMC chưa hoàn hảo. Slogan của chúng tôi chính là định hướng của CMC trong tương lai, nó phụ thuộc vào giai đoạn, vào năng lực của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp có những phương pháp gây sốc, nhưng với tôi điều đó không bền. Đó không phải là văn hóa của CMC. Tôi vẫn khẳng định, thà im lặng để thành công hơn là gây sốc để nổi tiếng.
“Hướng tới tương lai số” - chúng tôi đang phấn đấu để thương hiệu CMC được nhận biết rộng rãi hơn nữa trong mọi tầng lớp với các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và eBusiness. Chúng tôi tăng cường những sản phẩm và dịch vụ dựa trên những sáng tạo, phát minh, những know - how riêng và đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ với những nguồn lực trong cả hệ thống.
- Nhưng sự im ắng của CMC liệu có ảnh hưởng thế nào tới các nhà đầu tư khi CMC đã là công ty đại chúng?
Tôi cho là vấn đề này chúng tôi làm tương đối tốt về thông tin đầu tư. Hiện tại chúng tôi đang có sự thay đổi để những thông tin về các hoạt động cộng đồng cũng như hoạt động đầu tư sẽ được cập nhật nhiều hơn. Xã hội cần gì, nhà đầu tư cần gì... chúng tôi sẽ cập nhật đầy đủ một cách minh bạch nhất. Còn tôi vẫn nghĩ, không thể gây sốc để “tạo sóng” (giá cổ phiếu - PV), như thế chỉ có lợi cho một số người, không có lợi cho doanh nghiệp.
- Ông có phải là một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán?
Có chứ, tôi… tăng thu nhập.
- Vậy ư? Thu nhập của ông là bao nhiêu?
Đương nhiên là không ít rồi.
- Hơi lạ, cách bài trí trong phòng làm việc của ông quá đơn giản với vị trí của một Chủ tịch Hội đồng quản trị?
Vậy theo bạn thế nào là phòng của một vị Chủ tịch Hội đồng quản trị? Với tôi, một doanh nhân công nghệ chỉ cần một máy tính, một máy chiếu để có thể thảo luận và kết nối với bên ngoài là đủ.
- Xin hỏi ông câu cuối, ông nói nhiều tới cuộc sống số, vậy ông có tin vào tâm linh không?
Tôi nghĩ, sự thành công của doanh nghiệp có yếu tố may mắn, nhưng sự nỗ lực mới là điều quan trọng nhất.
- Cảm ơn ông và chúc CMC sẽ đạt được mục tiêu: Hướng tới tương lai số!
Box: Tôi muốn được biết đến như mộ người nỗ lực cho sự phát triển của nền công nghệ thông tin Việt Nam
(Theo Ngọc Nhi // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com