Để thắng tại thị trường nội địa, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, giá cả, dịch vụ… của doanh nghiệp phải đạt chuẩn quốc tế |
Ngày 10/10/2009, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức vinh danh 100 doanh nhân tiêu biểu Việt Nam năm 2009. Cùng với những doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đã từng được tôn vinh, họ sẽ là những người lính đi đầu trong nỗ lực giành chỗ đứng cho thương hiệu, sản phẩm Việt Nam.
Câu chuyện được các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm lúc này là làm sao tạo nên thương hiệu mạnh để có thể vững sân nhà, mạnh sân người. Lý do mà vị chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen lý giải cho vị trí thuộc Top 10 thương hiệu tiêu biểu nhất của giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm 2009 khá đơn giản, đó là nhờ bắt rễ sâu với người tiêu dùng trong nước.
82 đại lý bán hàng của Hoa Sen trên phạm vi toàn quốc, và tới đây sẽ lên tới khoảng 200 đại lý, được ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hoa Sen coi như bệ đỡ để doanh nghiệp trong vòng 8 năm không chỉ trở thành một tên tuổi lớn tại thị trường nội địa, mà đang vững bước trong kế hoạch trở thành thương hiệu quốc tế.
Cạnh tranh trên sân nhà với các đối thủ quốc tế, theo luật chơi quốc tế là thước đo doanh nghiệp có thắng được trên thị trường xuất khẩu. |
“Các bước đi của chúng tôi rõ ràng ngay từ ngày đầu thành lập, là trở thành một thương hiệu cạnh tranh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên sân nhà. Phải thẳng thắn rằng, chính nhờ hệ thống bán lẻ rộng khắp mà Tôn Hoa Sen đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng khá thành công” - ông Phước nhận định khi bàn về tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ tới 19 lần trong 8 năm hoạt động.
Có lẽ vào lúc này, khi thị trường thế giới biến động khó lường, mạng lưới phân phối nội địa mới được nhìn nhận vị thế vốn phải có. Phần lớn các doanh nghiệp trụ vững trong biến cố thị trường cuối năm 2008, đầu năm 2009 vừa qua đều chung chiến lược đi vững cả “hai chân” trong nỗ lực phát triển thị trường của mình. Không những thế, sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, vốn là một trong những điểm yếu lớn nhất lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam, lại trở nên chắc chắn và có điều kiện phát triển.
Phải nhắc tới kế hoạch thúc đẩy lượng hàng nội của Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái trong hệ thống phân phối của mình lên tới tỷ lệ trên 80% vào năm nay. Ông Phạm Đình Đoàn - Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho rằng, mối liên kết các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nội địa vào lúc này không chỉ vì một mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm hàng nội trong hệ thống siêu thị nội.“Sự liên kết sản xuất và phân phối giữa các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo nên sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài đang muốn tiếp cận và mở rộng tại thị trường Việt Nam” - ông Đoàn nói và nhắc tới những thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, trước mắt là các doanh nghiệp trong ngành may mặc, với Tập đoàn Phú Thái.
Thách thức của thị trường có vẻ được các doanh nghiệp này tận dụng và khai thác một cách linh hoạt!
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận những dấu hiệu tích cực này như quá trình chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để tái cơ cấu, để phát triển bền vững và cân đối trong sự biến động khó lường của thị trường.“Quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt Nam được thực hành bài học về năng lực đối phó với cạnh tranh, với khủng hoảng. Quyết định liên kết để cùng phát triển không đơn giản chỉ là sự trở lại với thị trường nội địa để tồn tại, mà điều quan trọng hơn, là cuộc cạnh tranh trên sân nhà đã được áp dụng luật chơi quốc tế, với các đối thủ quốc tế. Điều đó có nghĩa là sản phẩm Việt Nam thắng trên sân nhà là đủ điều kiện để tham gia và thắng trên thị trường xuất khẩu” - ông Lộc nói.
Rõ ràng, bài toán về hướng xuất khẩu hay nội địa của các doanh nghiệp đã thay đổi điều kiện. Sẽ khó có thể chỉ đi bằng “một chân”, kể cả ngay trên thị trường nội địa, khi các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, giá cả, dịch vụ... không đạt chuẩn quốc tế. Trong lời giải cho bài toàn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, có lẽ các cơ chế khuyến khích xuất khẩu cũng cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện đầu vào mới, đó là năng lực cạnh tranh của sản phẩm chứ không chỉ là địa điểm bán hàng như trước.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để thuê tư vấn quốc tế, tìm kiếm các đối tác quốc tế tham gia vào cơ cấu doanh nghiệp.“Bài học đứng trên vai người khổng lồ để tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý người Việt Nam... được nhiều doanh nghiệp lớn khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách không nhỏ về năng lực, trình độ quản trị, và quy mô của doanh nghiệp Việt Nam và thế giới. Dù đã hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp, thương hiệu nào có tầm cạnh tranh thế giới về quy mô. Rất có thể bước tái cơ cấu này sẽ rút nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, tuy rằng không hề dễ dàng hơn” -ông Lộc chia sẻ.
Trở lại câu chuyện của Hoa Sen, bước đi vững chắc trên thị trường trong nước đã tạo nền tảng cho Hoa Sen tin tưởng vào kế hoạch bước ra thị trường quốc tế. Ông Vũ tự tin nhắc tới các kế hoạch phát triển thương hiệu ra nước ngoài, trở thành một thương hiệu quốc tế sau khi đã bén rễ sâu ở thị trường trong nước, dẫn đầu về thị phần tôn cả nước. Có lẽ cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong lúc này sẽ thay đổi về chất. Và doanh nhân - người lính thời bình như chủ đề mà VCCI đã chọn cho Ngày Doanh nhân Việt Nam 13 - 10 năm nay, sẽ là nhân tố chính quyết định sự thành bại của vị trí hàng Việt Nam trên các thị trường, trong nước và quốc tế.
(Theo Ánh Minh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com