Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối DN TƯ làm việc tại VinaPhone2 |
Mới đây đoàn công tác của Đảng ủy khối DN TƯ do Ông Phạm Bá Nhạ - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối DN làm trưởng đoàn, đã đến một loạt DN nhiều ngành nghề phía Nam tìm hiểu thực tế thuận lợi - khó khăn của DN… Nhân dịp này, nhiều DN đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn vướng mắc của mình, nhờ đoàn công tác chuyển tải lên các cấp có thẩm quyền để từng bước tháo gỡ.
Nhiều cạnh tranh
Ông Phạm Hồng Hải- TGĐ Cty CP cơ khí cao su thuộc Tập đoàn CN cao su VN cho biết, dù những năm gần đây, lợi nhuận của Cty năm sau luôn tăng gấp 2 lần năm trước, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Hiện hầu hết các Cty cao su đã hoàn chỉnh dây chuyền trọn gói sơ chế nên chủ yếu chỉ là sửa chữa và nâng cấp, mà trong ngành cơ khí cao su đã có hàng chục Cty lớn tư nhân, và hàng trăm cơ sở. Thế mạnh của họ là chào hàng hùng hậu, giá nào cũng làm, và thường thấp hơn giá của Cty CP cơ khí cao su đến 30%. Sở dĩ họ có thể làm với giá thấp là do họ làm theo cơ chế tư nhân, lao động hưởng theo sản phẩm, chất lượng sản phẩm thấp. Ông Hải đề nghị nên có cơ chế hỗ trợ nhau trong tập đoàn, cần ưu tiên sử dụng dịch vụ sản phẩm của nhau.
Ở Trung tâm VinaPhone khu vực 2 (VinaPhone2), vấn đề cạnh tranh còn khốc liệt hơn. Ông Hoàng Văn Toàn - GĐ trung tâm cho biết: Hiện nay do chính sách mở cửa của Nhà nước nên hiện tại VN đang có đến 7 nhà khai thác mạng điện thoại di động (ĐTDĐ), sắp tới sẽ có thêm một nhà khai thác nữa. Thị trường ĐTDĐ đang và sẽ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, mà khu vực 2- khu vực TP HCM là tâm điểm của cuộc cạnh tranh đó.
Ông Nguyễn Nam - TGĐ Cty lương thực Tiền Giang cũng trao đổi với đoàn rằng thị trường gạo đang cạnh tranh rất khốc liệt do có quá nhiều Cty tư nhân, các cơ sở không tên tuổi ra đời lùng sục về tận các vùng xa chào giá cạnh tranh không theo định hướng nào cả. Đơn cử là thời gian gần đây xảy ra một số vụ ký HĐ xuất khẩu gạo theo kiểu phá giá, làm ăn chụp giật. Bản thân ông Nam là ủy viên của Hiệp hội lương thực VN mà nhiều khi phải giao dịch với các Cty lớn thông qua những DN trên.
Nên cần cơ chế linh hoạt
Nhiều DN kiến nghị với Đảng ủy khối rằng Nhà nước cần có cơ chế về giá, về lương linh hoạt hơn. VinaPhone2 dẫn chứng là Cty hoạt động theo quy chế nhà nước theo không kịp thị trường. Cụ thể như quy chế bán hàng, mua sắm thiết bị phải tuân thủ một loạt quy trình chào giá, đấu thầu, duyệt giá... bị động và mất nhiều thời gian, bỏ qua thời cơ.
Nhiều DN nhà nước và DN lớn đều nêu lên một thế yếu của Cty là lương không thể cao bằng lương của các đối thủ tư nhân, hoặc nước ngoài. Người LĐ vẫn hiểu làm trong Cty lớn dù lương thấp hơn làm cho tư nhân nhưng vẫn có nhiều lợi thế về tính ổn định, thương hiệu, các chế độ chính sách nghiêm túc... nhưng nếu các Cty tư nhân chào mức lương cao quá thì LĐ vẫn sẵn sàng nhảy việc. Ở Vinaphone2, người LĐ nói họ được mời sang Cty khác với mức lương đến 3.000 USD, nếu Cty trả họ mức lương thấp hơn một chút họ cũng ở lại nhưng Cty không thể đáp ứng nên họ phải ra đi. Ở Cty CP cơ khí cao su cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Hồng Hải nói: Giới trẻ bây giờ khác thế hệ trước, quan trọng nhất là lương cao, tính ổn định là thứ yếu.
Ông Nguyễn Nam cũng trao đổi về giải pháp để chấm dứt tình trạng tranh mua tranh bán lúa gạo, ổn định giá lúa gạo theo hướng có lợi cho nông dân, cho xuất khẩu thì nhà nước phải quản lý cho được sự ra đời ồ ạt, bát nháo của các Cty tư nhân, các cơ sở thu mua lúa gạo.
Trước những kiến nghị của DN, ông Phạm Văn Nhạ khẳng định: Đảng và Chính phủ luôn lắng nghe và ghi nhận những ý kiến của DN, để có các chỉnh sửa chính sách sao cho phù hợp, hỗ trợ DN một cách thiết thực và hiệu quả. Các DN cần tiếp cận nhanh hơn nữa với nền kinh tế thị trường, cụ thể là phải linh hoạt chào hàng, bán hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất của mình bằng các thay đổi về bộ máy, về thiết bị, về công nghệ.
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com