Lễ ký kết dự án: “Hỗ trợ DNNVV VN nâng cao hiểu biết và thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững" |
Việc VCCI cùng Uỷ ban Châu Âu (EC), Tổ chức phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) và 5 cơ quan đối tác quốc gia đã cùng ký kết vào văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật: "Hỗ trợ DNNVV VN nâng cao hiểu biết và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) nhằm tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững" cho thấy vấn đề đang ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN.
VCCI cho biết, ứng dụng phương thức quan hệ đối tác mới trong chương trình "Thay đổi" Châu Á của EC, dự án sẽ được thực hiện bởi UNIDO với vai trò là cơ quan đối tác chỉ đạo, cùng với VCCI là cơ quan chủ quản của dự án. Đồng thời có các đối tác EuroCham, Hiệp hội da giày VN, Hiệp hội dệt may VN, Hiệp hội DN điện tử VN, Viện khoa học lao động xã hội và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Kim loại và Công nghệ vật liệu quốc gia tại Thái Lan và SEQUA gGmbH tại Đức.
Theo VCCI, mục đích của dự án là cải thiện hoạt động về mặt môi trường và xã hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh quốc tế cho DNNVV VN bằng cách tăng cường hiểu biết về các tiêu chuẩn có liên quan đến môi trường và CSR của DN, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác giữa Châu Á và Châu Âu. Tổng ngân sách của dự án gần 2 triệu EUR, trong đó chương trình "Thay đổi" Châu Á của EC tài trợ 1,6 triệu Euro, phần còn lại là đồng tài trợ của UNIDO và các đối tác khác.
Củng cố sức mạnh thương hiệu DN
Khi đề cập các hoạt động CSR của VCCI trong thời gian qua, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đã và đang theo đuổi việc xúc tiến thực hiện CSR từ nhiều năm nay. Bằng quan hệ đối tác với UNIDO và các hiệp hội kinh doanh cũng như thông qua các hoạt động của dự án, VCCI hi vọng nâng cao nhận thức của DN về những lợi ích thu được khi lồng ghép khái niệm CSR vào thực tiễn kinh doanh của DN. "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng CSR không mang tính từ thiện, mà sẽ góp phần củng cố sức mạnh và thương hiệu cho DN" - TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo VCCI, hiện nay vấn đề CSR đang ngày càng trở nên quan trọng tới sự phát triển bền vững của DN, các khách hàng chủ yếu mua sản phẩm của VN trong đó có các tập đoàn đa quốc gia. Họ đang thắt chặt dần các nguyên tắc mua hàng để tuân thủ các yêu cầu về CSR trong lĩnh vực môi trường và lao động. Mặc dù điều này giúp cải thiện môi trường và thông lệ thuộc hành về lao động, xu hướng này vẫn có thể là một trở ngại nghiêm trọng đối với nhiều DN VN.
Cùng chung quan điểm này, bà Nilgun F. Tas, đại diện UNIDO tại VN cho rằng, dự án sẽ hỗ trợ các DNNVV hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách xúc tiến chuyển giao công nghệ và kiến thức từ thị trường và các Cty Châu Âu theo cách định hướng kinh doanh. Dự án sẽ góp phần vào sản xuất và tiêu dùng bền vững tại VN, tạo ra các kết quả hữu hình cho hoạt động kinh doanh tại VN và những đóng góp thiết thực về mặt chính sách cho Chính phủ.
Sẽ triển khai nhiều hoạt động
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững trực thuộc VCCI, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án phía VCCI cho biết, mục tiêu của dự án là tăng cường sự hội nhập bền vững của các DNNVV VN vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua nâng cao nhận thức, tăng cường hiểu biết và thực hiện tốt CSR.
Dự án sẽ góp phần vào sản xuất và tiêu dùng bền vững tại VN, tạo ra các kết quả hữu hình cho hoạt động kinh doanh tại VN và những đóng góp thiết thực về mặt chính sách cho Chính phủ. |
Cũng theo ông Vinh, thời gian tới, dự án sẽ giúp tăng cường nhận thức của DNNVV về những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mà việc thực hiện CSR như một chiến lược kinh doanh có thể đem lại. Trong đó, việc hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của một số ngành công nghiệp được chọn, và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để thức đẩy sán xuất bền vững. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ đối tác DNNVV - Tập đoàn đa quốc gia trong một số ngành công nghiệp được chọn bằng cách thiết lập những thể chế hỗ trợ như các tổ chức thành viên thương mại và các chuyên gia tư vấn tư nhân về CSR. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ cho các nhóm lợi ích liên quan để họ xây dựng những phương án chính sách khuyến khích thực hiện CSR và sản xuất bền vững dựa trên cách tiếp cận có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Việc dự án được thực hiện tại VN mà đối tượng chính là các DNNVV cho thấy các bên liên quan đã đánh giá rất cao vai trò của các DNNVV trong việc phát triển kinh tế, sự đóng góp của các DNNVV với nền kinh tế ngày càng lớn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện nay việc thực hiện CSR trong các DN vẫn còn chưa tốt và tinh thần mà dự án muốn nói tới đó là sự phát triển của một DN luôn đi kèm CSR. CSR được lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của DN và trở thành điều kiện để DN phát triển, nâng cao và duy trì lợi thế cạnh tranh.
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com