Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chung quanh vụ bắt sống Baradar: Sự tình cờ đầy may mắn

Chín ngày sau khi bắt được giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, người được coi là nhân vật số 2 của Taliban, chính quyền Mỹ và Pakistan mới xác nhận vụ việc. Baradar là ai mà cả Mỹ lẫn Pakistan đều phải dè dặt? Liệu sự kiện này có ảnh hưởng đến tình hình chiến sự ở Afghanistan và an ninh ở Pakistan ?

Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) và cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) đã phối hợp tác chiến trong vụ bắt sống Mullah (giáo sĩ Hồi giáo) Abdul Ghani Baradar, năm nay 42 tuổi, ở gần thành phố Karachi, miền Nam Pakistan, cách nay 13 ngày, theo đài BBC.

Cú ăn may

Thành tích bắt được “con cá Taliban” lớn nhất kể từ khi Mỹ tiến hành chiến dịch chống khủng bố Al-Qaeda và Taliban 8 năm trước đây, theo nhật báo Mỹ The New York Times (NYT), lại là một sự tình cờ đầy may mắn.

NYT cho biết khi đặc vụ ISI đột kích vào một căn nhà ở ngoại ô thành phố cảng Karachi, họ hoàn toàn không biết mình sắp lập được một chiến công hiển hách nhất. Mọi sự bắt đầu từ việc CIA nghe lén điện thoại biết được sắp có một cuộc họp các thủ lĩnh Taliban có liên quan đến tư lệnh tối cao Baradar. Được CIA cung cấp thông tin này, đặc vụ ISI - có đặc vụ CIA đi cùng - bắt được một số kẻ tình nghi tham dự cuộc họp mà không gặp kháng cự. Chỉ sau khi tiến hành xác minh lý lịch, ISI và CIA mới biết một trong những người bị bắt là Baradar.

Như vậy, đây là một sự tình cờ đầy may mắn chứ không phải do quyết tâm tiêu diệt Taliban của chính quyền Pakistan hay một sự đổi hướng về mặt chiến lược trong khu vực của Islamabad, theo NYT.

Abdul Ghani Baradar (bên trái). Bức ảnh hiếm hoi này do một cựu nhiếp ảnh gia từng theo Taliban chụp năm 1998 Ảnh: NYT

Theo nguồn tin ban đầu ở Washington, cuộc thẩm vấn Baradar - hiện bị giam giữ ở một địa điểm bí mật - do ISI và CIA cùng thực hiện. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của NYT, chính quyền Pakistan đã hạn chế CIA tiếp cận Baradar, không cho phép sĩ quan CIA xét hỏi trực tiếp trong hai tuần đầu tiên. Lý do khá dễ hiểu: Pakistan sợ Mỹ biết được mối quan hệ bí mật giữa Taliban và ISI, qua lời khai của Baradar.

Giữa CIA và ISI, trong quá khứ từng xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”. Người Mỹ than phiền trong nội bộ ISI có nhiều phần tử bao che, thậm chí giúp đỡ tiền bạc và dịch vụ hậu cần cho Taliban. Có hai lý do giải thích hiện tượng này: Thứ nhất bởi cùng đạo Hồi. Thứ hai bởi Pakistan có mục đích sâu xa: Một khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, điều không sớm thì muộn cũng xảy ra, Pakistan vẫn có một “đồng minh” ở Afghanistan là Taliban.

Pakistan tự ái

CIA từng nói đã nhiều lần cung cấp thông tin quý giá về nơi ẩn trú của các thủ lĩnh Taliban ở Pakistan cho ISI nhưng phía Pakistan bỏ ngoài tai không hành động gì cả. Ngược lại, ISI cũng hay than phiền rằng thông tin tình báo của Mỹ thường lạc hậu hoặc sai lệch bởi phần lớn do tình báo Afghanistan cung cấp, mà tình báo Afghanistan thì ai cũng biết là rất yếu kém.

NYT là tờ báo đầu tiên tiết lộ sự hợp tác bí mật CIA-ISI khiến cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan nổi cáu. Theo nhật báo Anh ngữ Pakistan Dawn, Bộ trưởng Rehman Malik bức xúc: “Nếu NYT đưa tin thì đó không phải là sự thật thần thánh. Nó có thể sai. Chúng tôi (Mỹ và Pakistan) từng chia sẻ thông tin tình báo nhưng không hề phối hợp tác chiến hay điều tra gì cả. Chúng tôi là một nước có chủ quyền. Chúng tôi không cho phép bất cứ ai đến và thực hiện các chiến dịch (quân sự). Do đó, bài báo (của NYT) chỉ là (một sản phẩm) tuyên truyền”.

Tuy chính quyền Pakistan là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống Al-Qaeda và 8 năm xung đột với Taliban ở nước láng giềng Afghanistan, mối quan hệ giữa hai nước không phải luôn luôn tốt đẹp vì phong trào chống Mỹ ở Pakistan rất mạnh mẽ và càng ngày càng dâng cao.

Tin bắt giữ Baradar chỉ được chính phủ Mỹ và Pakistan chính thức xác nhận 9 ngày sau có lẽ do sợ “bứt dây động rừng”. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự im lặng khó hiểu của báo giới Pakistan. Theo BBC, chỉ có một số báo đài đưa tin sơ sài về vụ bắt giữ Baradar.

Karachi, hang ổ Taliban

Thành phố cảng Karachi, từng là thủ đô Pakistan, có 16 triệu dân bao gồm nhiều chủng tộc, nhiều ngôn ngữ. Thành phố này có hai cảng, được NATO dùng để chuyển đồ tiếp tế chiến trường Afghanistan. Từ nhiều thập niên qua, ở Karachi đầy rẫy băng đảng xã hội đen và kể từ ngày 11-9-2001, là nơi tụ hội các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hasan Askari, một nhà phân tích an ninh Pakistan, cho biết Karachi nay trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của các thủ lĩnh Taliban.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một người tự xưng là Aqeel Ahmad cho biết anh ta từng chiến đấu chống Liên Xô ở Afghanistan và hiện nay là thành viên của nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan. Ahmad nói: “Chúng tôi làm ruộng hoặc làm lao động phổ thông ở Karachi. Khi có lệnh cấp trên, chúng tôi sẽ trở lại chiến trường Afghanistan”.

Theo NYT, mấy tháng nay, nhiều thủ lĩnh Taliban đã đổ về Karachi. Một nhà ngoại giao giấu tên ở Kabul cho NYT biết, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước, Mullah Omar, người sáng lập Taliban, đã từng đến Karachi cùng với một số thân tín. Tại đây, Omar đã chủ trì một cuộc họp của hội đồng lãnh đạo bao gồm chừng một chục thủ lĩnh nổi tiếng nhất, chỉ định những thành viên của “chính phủ ma” cai quản các tỉnh và vùng lãnh thổ Afghanistan. Đồng thời y cũng bổ nhiệm các tư lệnh chiến trường và thành lập các tiểu ban phụ trách chính trị, tôn giáo và quân sự.

Theo Wahid Muzhda, cựu chức sắc Taliban ở Kabul, hội đồng lãnh đạo họp ba hoặc bốn tháng một lần để vạch chiến lược và chiến thuật. Vẫn theo Muzhda, cách đây ba năm, hội đồng có 19 thành viên. Sáu người trong số này đã bị giết hoặc bị bắt sống. Baradar và Omar thường ít khi ngồi họp chung vì lý do an ninh.

Kỳ tới: Người thật, bắt giả?

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Liên Khui Thìn và “Quỹ hoàn lương”
  • Vụ mua đất thông qua đấu giá (huyện Vị Thủy) Vì sao chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ?
  • Vụ sập mỏ đá làm ba người chết ở Đông Hòa: Vẫn chưa xác định chủ mỏ đá
  • Bí ẩn quanh vụ mất cắp nửa tấn vàng ở Canada
  • Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị khởi tố tội nhận hối lộ
  • 10 vụ án kinh hoàng năm 2009
  • Kể khổ, than khó, chối tội
  • Cùng nhau chia “chùm khế ngọt”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%