Sáng 13-1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trưởng Ban Điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 (Đề án 112) Vũ Đình Thuần cùng 22 đồng phạm bị truy tố về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
Bị cáo Vũ Đình Thuần (X) cùng các đồng phạm trước vành móng ngựa
Quà Tết chứ không phải hoa hồng (?!)
Đầu giờ sáng, chỉ có 5/18 nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt giám định viên giám định thiệt hại. Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý vì cho rằng những người này đều đã có lời khai tại cơ quan điều tra, được thể hiện trong hồ sơ nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến tiến trình xét xử của vụ án.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2003 đến 2006, theo đề xuất của Lương Cao Sơn (nguyên phó giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ, ủy viên thư ký Ban Điều hành Đề án 112) và Nguyễn Cát Hồ (nguyên tổ trưởng Tổ Đào tạo Ban Điều hành Đề án 112) trong việc đấu thầu mua bán bản quyền phần mềm, việc ký hợp đồng in giáo trình tài liệu, các hợp đồng triển khai Trung tâm Tích hợp dữ liệu, hợp đồng đào tạo... cho Ban Đề án 112, trưởng Ban Đề án 112 Vũ Đình Thuần đã ký 129 hợp đồng với các công ty, đơn vị từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Các hợp đồng này không được lập kế hoạch đấu thầu, không chỉ đạo xây dựng hồ sơ thầu, không tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật, dùng thủ đoạn chia dự án thành nhiều hợp đồng nhỏ để tránh đấu thầu... gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,65 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Vũ Đình Thuần bị xác định hưởng lợi bất chính 275 triệu đồng, bị cáo Lương Cao Sơn phải chịu trách nhiệm với tổng số tiền đã chiếm hưởng hơn 800 triệu đồng...
Khi HĐXX thẩm vấn về việc ký kết hợp đồng và mối quan hệ với Công ty Tin học ISA, Lương Cao Sơn khai quen Nguyễn Thúy Hà (nguyên giám đốc Công ty Tin học ISA) trong hội thảo do Ban Đề án 112 tổ chức.
Việc ISA ký hợp đồng với Ban Đề án 112, bị cáo không được Hà trao đổi.
Bị cáo Sơn thừa nhận:“Tháng 9-2004, Hà nói nếu ISA trúng thầu sẽ có hoa hồng. Tôi trả lời là cứ đấu thầu tốt đi, nếu giá thấp thì sẽ trúng”.
Bị cáo Sơn khẳng định số tiền 360 triệu đồng do Hà đưa là “quà Tết chứ không phải hoa hồng”.
Bác lại lập luận này, HĐXX công bố lời khai của Nguyễn Thúy Hà tại cơ quan điều tra cho thấy nếu không trích tiền % cho Sơn thì Hà không được tiếp tục ký hợp đồng và thanh toán hợp đồng.
Đến lúc này, bị cáo Sơn thừa nhận sau khi nhận số tiền trên đã chuyển cho ông Vũ Đình Thuần 200 triệu đồng, còn lại chia đôi với một đồng nghiệp tên Ngọc.
Về lời khai này, bị cáo Thuần thừa nhận đã cầm 200 triệu đồng nhưng không biết số tiền này từ hợp đồng nào.
Không hẹn nhưng họ cứ tìm đến
HĐXX chuyển sang thẩm vấn vụ 28 hợp đồng in sách với NXB Tư pháp, bị cáo Lương Cao Sơn cho rằng ông Nguyễn Đức Giao (nguyên giám đốc NXB Tư pháp-Bộ Tư pháp) đã chủ động tìm đến mình để đặt vấn đề.
Còn bị cáo Vũ Đình Thuần thì khẳng định nếu không có Sơn là thư ký tham mưu ký nháy vào thì ông sẽ không ký.
“Nếu bị cáo không có chức năng trong những việc này, tại sao các công ty, đơn vị cứ tìm đến bị cáo để móc nối?”- chủ tọa hỏi. “Tôi cũng không biết vì sao. Tôi không hẹn mà họ cứ tìm đến phòng gặp tôi” – bị cáo Sơn phân trần.
Cũng theo bị cáo Sơn, Hoàng Đăng Bảo (nguyên chuyên viên Vụ Cải cách hành chính Văn phòng Chính phủ) có lần đã hỏi cách chia tiền. “Tôi có đưa cho anh Bảo công thức chia tiền. Theo đó, chia khoản tiền làm 10 phần, 2 phần để làm quỹ, 3 phần chuyển ông Thuần, còn lại 2 người chia nhau”.
Bị cáo Sơn khai phần của “sếp” Thuần là 171 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Đình Thuần khai: “Không nhận, không biết gì về việc này”.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đức Giao khai cả 28 hợp đồng xuất bản sách cho Ban Điều hành Đề án 112 đều giống nhau, chỉ khác về số bản in, số trang cho từng cuốn sách. Song bị cáo này không thừa nhận đây là việc chia nhỏ dự án để không phải đấu thầu.
Phần hơn 500 triệu đồng “lại quả cho Ban Điều hành Đề án 112”, ông Giao giải thích là tiền biên tập bản thảo và phát hành phí nên việc này không sai, chỉ chưa đúng thủ tục vì đưa trực tiếp mà không chuyển vào tài khoản.
Hôm nay, 14-1, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác.
Vũ Đình Thuần và Lương Cao Sơn bị giam Cùng ra trước vành móng ngựa với bị cáo Vũ Đình Thuần trong vụ án này có 2 cấp dưới của bị cáo Thuần là Lương Cao Sơn (nguyên phó giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ, ủy viên thư ký Ban Điều hành Đề án 112), Nguyễn Cát Hồ (nguyên tổ trưởng Tổ Đào tạo Ban Điều hành Đề án 112) cùng bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. |
(Theo Bài và ảnh: Minh Ngọc/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com