TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử vụ sập mỏ đá làm ba thợ đá chết tại mỏ đá Hóc Trùm (huyện Đông Hòa) sau hơn hai năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì chưa xác định được ai là chủ mỏ đá.
Ông Lê Huệ nói: “Tôi chỉ là người thu mua chứ không phải chủ mỏ đá" - Ảnh: Đ.HUY |
Sau thời gian tiến hành điều tra, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã ra cáo trạng truy tố ông Lê Huệ (57 tuổi, ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Theo cáo trạng, ngày 5/6/2001, Sở Công nghiệp Phú Yên (nay là Sở Công thương) đã cấp giấy phép cho Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây (gọi tắt là HTX) khai thác tận thu đá trên diện tích 15,3 ha thuộc khu vực Hóc Mỏ và Hóc Dung đến tháng 6/2004. Ngày 2/4/2002, ông Lê Huệ ký hợp đồng với HTX thuê khai thác đá chẻ tại các mỏ Hóc Mỏ, Hóc Dung, Hóc Gòn, Hóc Trùm, Bến Tây đến tháng 11/2004. Sau khi ký hợp đồng, ông Huệ thuê các ông Trần Bá Lý, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn Hòa là thợ đá chẻ đến khai thác mỏ đá Hóc Trùm. Khi hết thời hạn hợp đồng, HTX đã không tiếp tục ký hợp đồng cho ông Huệ khai thác tại mỏ đá này nhưng ông Huệ vẫn tiếp tục tổ chức khai thác, mặc dù Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Yên đã có công văn đình chỉ mọi hoạt động khai thác đá ở đây và đến ngày 6/1/2008 tại mỏ đá Hóc Trùm đã xảy ra tai nạn sập mỏ đá làm các ông Trần Bá Lý, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn Hòa thiệt mạng.
Tại phiên tòa vừa qua, công tố viên xác định ông Huệ là chủ mỏ đá Hóc Trùm đã không tuân thủ các quy định an toàn kỹ thuật trong khai thác đá, không đề ra biện pháp an toàn lao động mà giao thợ tự khai thác, tự bảo vệ an toàn lao động nên để xảy ra tai nạn, làm ba thợ đá tử nạn. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Phú Yên đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt mức án 5 - 6 năm tù, phạt bổ sung bằng tiền từ 50 - 60 triệu đồng, bồi thường cho gia đình bị hại, cấp dưỡng cho con bị hại đến khi đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho ông Huệ cho rằng việc truy tố ông Huệ là không phù hợp pháp luật. HTX là cơ quan được UBND tỉnh Phú Yên xem xét đủ điều kiện cho phép khai thác khoáng sản nên trách nhiệm này thuộc về HTX. Trong vụ tai nạn trên, các bên: HTX, ông Huệ, thợ chẻ đá và tổ khai thác đá liên đới trách nhiệm với nhau.
Tại tòa, ông Trần Quốc Phong, thợ đá và là nhân chứng vụ án cho biết: “Chủ mỏ không mua bảo hiểm tai nạn, trang bị bảo hộ lao động mà họ lại bắt chúng tôi tự mua, tự trang bị. Sau khi có sự cố sập mỏ đá Hóc Trùm, HTX mới mua bảo hiểm tai nạn, còn trang bị bảo hộ lao động thì họ bảo “Ai có nhu cầu thì sẽ trang bị” mà không có sự ràng buộc, bắt buộc người lao động phải thực hiện đúng quy định về an toàn lao động”. Gia đình các bị hại đã rất thất vọng khi nghe tòa tuyên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, bởi nói như nhân chứng Lê Văn Nhánh: Hiện nay giá đá (quy cách 20cm x 40cm) là 5.000 đồng mỗi viên, chủ mỏ trả cho thợ 3.800 đồng mỗi viên, còn lại là chủ mỏ hưởng. Biết họ “ăn trên đầu, trên cổ mình” nhưng không làm thì lấy gì nuôi con ăn học. Tai nạn xảy ra, cánh thợ đá tụi tui lãnh đủ, còn chủ mỏ đá thì coi như vô can.
Theo quyết định trả hồ sơ, Viện KSND tỉnh Phú Yên phải thu thập quyết định hoặc công văn giao ông Lê Huệ làm chủ mỏ đá Hóc Trùm và ông Nguyễn Đình Tiên, tổ trưởng tổ khai thác đá; thu thập quyết định phân công Ban quản trị HTX phân công thành viên nào điều hành quản lý dịch vụ khai thác đá chẻ kể từ khi có quyết định tạm dừng khai thác đá cho đến khi xảy ra sự cố sập mỏ đá làm ba người chết. Ngoài hậu quả chết người, cần xác định hành vi khai thác đá chẻ gây thiệt hại về tài nguyên khoáng sản…
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, những người có trách nhiệm không hề chia sẻ khó khăn, khắc phục hậu quả cho gia đình người bị hại. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn khi lao động chính đã chết trong vụ tai nạn này.
(Theo ĐỨC HUY // Phú Yên Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com