Sau khi Đề án 112 (đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2005) được Thủ tướng yêu cầu dừng thực hiện, câu hỏi được đặt ra là số tiền đổ vào đề án này là bao nhiêu và kết quả như thế nào?
Gần bảy trăm hay hàng ngàn tỉ đồng?
Theo báo cáo của Ban Điều hành Đề án 112, kinh phí đầu tư cho Đề án 112 gồm nguồn từ ngân sách Trung ương và vốn từ nguồn vay ADB. Theo đó, tính đến năm 2005, số kinh phí từ nguồn vốn đầu tư tập trung của Trung ương cho Đề án 112 là 515 tỉ đồng. Còn nguồn vốn ADB đầu tư cho Đề án 112 chỉ tính riêng năm 2005 là 170 tỉ đồng. Đánh giá của Ban Điều hành đề án, số vốn được cấp đạt 50% so với nhu cầu tối thiểu và 20% so với số vốn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết quả giải ngân triển khai vốn xây dựng cơ bản đạt tỉ lệ cao (99%), vốn hành chính sự nghiệp giải ngân đạt 64%.
Trong khi đó, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Đề án 112 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội, tính đến ngày 15-2-2007, cơ quan này đã nhận được báo cáo của 22 bộ, ngành và 54 tỉnh, TP về việc thực hiện Đề án 112. Đồng thời, Ủy ban KH-CN-MT đã tổ chức đoàn giám sát làm việc với Ban Điều hành Đề án 112 thuộc Văn phòng Chính phủ, các bộ: Nội vụ, Tài chính, Thủy sản, Công nghiệp, Xây dựng, Bưu chính Viễn thông, Thương mại và giám sát tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội. Về kinh phí đầu tư, báo cáo của Ủy ban KH-CN-MT nêu rõ: “Kinh phí Trung ương cũng không dự trù sát, mà chỉ nêu không dưới 1.000 tỉ đồng. Con số tổng hợp đến tháng 9-2003 đã là 3.700 tỉ đồng (báo cáo của Ban Điều hành Đề án 112), vậy đến cuối năm 2005 đã là bao nhiêu?”. Chưa ai tính chính xác số tiền đã đổ vào Đề án 112.
Trật từ lúc ra đề
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, người đã tham gia nhiều năm vào quá trình xây dựng chính sách công nghệ thông tin (CNTT) của quốc gia, khẳng định: “Đây là đề án thất bại. Và đề án này thất bại ngay từ nhận thức, từ cái tên đối với đề án”. Ông Quang A cho rằng đề án không hiệu quả là tất nhiên bởi khi “đề bài” đã không trúng thì làm sao có thể làm bài cho đúng được. Theo ông, ngay từ đầu giới chuyên môn đã cảnh báo đó là công nghệ không phải điều quan trọng, bởi máy tính, mạng, phần mềm... chỉ là công cụ. Cụ thể, cái chúng ta cần làm là cải cách thủ tục hành chính. Chừng nào các thủ tục hành chính còn chồng chéo, rắc rối, không đồng bộ thì mọi đề án, mọi dự án và mọi khoản đầu tư cho CNTT đều là vô nghĩa và khó tránh khỏi thất bại. Đề án 112 là một thất bại được dự báo trước. Ông Quang A cũng đưa ra một ví dụ về việc tin học hóa hành chính tại bang Victoria (Úc) mà ở đó, công việc đầu tiên mà họ tiến hành quá trình này chính là thuê một công ty với giá 300.000 USD để tiến hành rà soát lại thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Sau đó, mới áp dụng tin học vào công tác quản lý.
Đồng ý kiến với ông Quang A, nguyên thứ trưởng Bộ KH-CN_MT Chu Hảo cho rằng cái chết của Đề án 112 bộc lộ từ những người chủ trì, xây dựng dự án đã tiến hành một cách cẩu thả, sơ sài, không cẩn thận và đến khi thực hiện lại không nghiêm túc.
“Vừa đá bóng vừa thổi còi” Báo cáo của Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội chỉ rõ: Theo quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Ban Điều hành Đề án 112 (năm 2001), thì ban này không có chức năng quản lý Nhà nước về CNTT. Theo quy định hiện hành, Ban Điều hành 112 chỉ được quyền thẩm định các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ. Điều đó có nghĩa là Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ không có quyền thẩm định các dự án, càng không có quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán của các dự án. Nhưng trong thực tế, Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ đã tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban Điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán là trái với Nghị định 52 quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tạo nên tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư CNTT. |
(Theo THU HÀ/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com