Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đôi điều quanh chuyện phá sản và tái cơ cấu Vinashin

Công nhân đóng tàu của Vinashin - Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vấn đề quy trách nhiệm liên quan đến vụ tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) phá sản lại làm nóng các buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đến bây giờ mới có người gọi sự kiện này là phá sản, mặc dù đã ngầm hiểu như thế. Tuy nhiên chữ “phá sản” dường như vẫn chưa được hiểu thống nhất. Nhiều người vẫn ngại nói Vinashin phá sản.

Phá sản: “cho” hay “tuyên bố”?

Nhớ lại tại kỳ họp Quốc hội lần trước, giải thích lý do tái cơ cấu Vinashin, một quan chức cấp cao đã nói rằng nếu cho nó phá sản, thì tài sản của nó sẽ “biến thành sắt vụn”, hệ thống tín dụng có nguy cơ sụp đổ, người lao động có nguy cơ bị đẩy ra đường! Cách hiểu như thế là lẫn lộn “phá sản” như một hiện tượng khách quan ở những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lớn, kéo dài (như Vinashin) với “cho” hay “không cho” phá sản là vấn đề thuộc về thái độ xử lý đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Theo nghĩa kinh tế học, cũng là nghĩa ghi trong Luật Phá sản, một doanh nghiệp bị coi là phá sản khi nó không trả được nợ đúng hạn. Khi đã lâm vào tình trạng này, không cho doanh nghiệp phá sản thì nó vẫn phá sản, bởi nợ không vì thế mà được xóa. Còn cho nó phá sản, nợ của nó sẽ được thanh lý theo Luật Phá sản. Để tránh hiểu lầm, dễ dẫn tới tùy tiện trong xử lý, từ nay có lẽ không nên nói là “cho” hay “không cho” phá sản, mà nên nói là “tuyên bố” hay “không tuyên bố” phá sản.

Biện pháp tái cơ cấu Vinashin thực chất là biện pháp quy định trong Luật Phá sản về phục hồi (hay tổ chức lại) hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản. Việc tái cơ cấu Vinashin đang tiến hành không phải theo Luật Phá sản, mà do Chính phủ thực hiện với tư cách chủ sở hữu. Đó là cách xử lý trường hợp doanh nghiệp nhà nước phá sản.

Ai nợ, ai trả?

Cần nhớ rằng trước ngày chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên (1-7-2010) theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP, doanh nghiệp nhà nước thực chất thuộc loại hình công ty trách nhiệm vô hạn. Vì vậy mọi khoản nợ phát sinh trước ngày 1-7-2010 của doanh nghiệp nhà nước (như Vinashin), nếu không tự trả được, thì Chính phủ phải trả với tư cách chủ sở hữu. Vì thế các vấn đề tái cơ cấu Vinashin hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu (Chính phủ), không cần có sự chấp thuận của chủ nợ như quy định trong Luật Phá sản.

Các đối tác kinh tế của công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước cần hiểu và nhớ ý nghĩa này. Mai kia nếu có những thiệt hại sẽ không kêu Nhà nước được nữa vì Nhà nước tuy vẫn là chủ sở hữu nhưng chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn mà thôi. Nhưng đối với những khoản nợ đáo hạn trước ngày 1-7-2010, nếu Vinashin không trả được thì Chính phủ, bằng cách này hay cách khác, trước hay sau, trực tiếp hay gián tiếp, sẽ phải trả.

Cách xử lý như vậy phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, không phải là đặc thù của Việt Nam.

Người ta thường nhắc tới khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu đô la Mỹ do Chính phủ phát hành và Vinashin vay lại. Ở đây Chính phủ là người đứng tên vay, cho nên phải là người trả nợ. Chỉ cần Chính phủ trả nợ đúng hạn, thì sẽ không có vấn đề gì rắc rối xảy ra đối với chủ nợ. Còn khoản trái phiếu quốc tế 600 triệu đô la Mỹ do Vinashin phát hành, tuy Chính phủ không bảo lãnh, nhưng Chính phủ vẫn phải trả khi đến hạn, không phải với tư cách người bảo lãnh, mà với tư cách chủ sở hữu Vinashin. Các khoản nợ trong nước cũng tương tự. Nếu các ngân hàng, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, chấp nhận cho hoãn, giãn nợ, thậm chí xóa nợ, thì các khoản nợ này coi như được xử lý theo thỏa thuận giữa Vinashin với các chủ nợ.

Nhân đây cũng nên nói tới ý nghĩa của Nghị định 25/2010/NĐ-CP về việc chuyển các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa thành công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu nhà nước từ ngày 1-7-2010. Nhiều người mới coi đó là thực hiện cam kết khi gia nhập WTO. Thực ra ý nghĩa của nó rộng hơn. Theo đúng nghĩa công ty trách nhiệm hữu hạn, từ nay Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các công ty TNHH loại này trong phạm vi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp mà thôi.

Xét cho cùng, tất cả các khoản nợ quốc tế hay quốc nội, dù Chính phủ trả hay tạm được hoãn, giãn, xóa, thì cuối cùng toàn bộ tổn thất mà Vinashin đã gây ra đều trút lên vai toàn dân. Cho nên người dân và đại diện của họ là các đại biểu Quốc hội có quyền đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan nhà nước giải trình về tình hình, về trách nhiệm và nhất là về biện pháp bảo đảm những trường hợp tương tự không thể xảy ra trong tương lai.

Phải minh bạch “nợ” - “còn”, trước khi tính chuyện tái cơ cấu

Đến đây cũng cần nhấn mạnh lại rằng những tổn thất đã xảy ra ở Vinashin đều gồm những thứ đã mất rồi, không thể vì “không cho” nó phá sản mà giữ lại được. Nhưng còn nhiều thứ vẫn còn đó: nhà xưởng, máy móc, nguyên vật liệu, lực lượng lao động… Tái cơ cấu Vinashin là tổ chức, bố trí lại hoạt động kinh doanh trên cơ sở những thứ chưa mất đó, có thể bán bớt hoặc bổ sung thêm, hình thành một Vinashin mới với những kế sách kinh doanh mới, thoát hẳn ra khỏi thế bĩ cực lâu nay.

Cho đến nay, công luận vẫn còn nhiều băn khoăn về phương án, kế hoạch cụ thể việc tái cơ cấu Vinashin, chủ yếu là do thiếu thông tin chính thức. Là người cuối cùng thực tế gánh chịu những tổn thất này, song với người dân tình hình Vinashin vẫn chưa rõ ràng. Cho tới nay mà con số nợ chính thức và chính xác của Vinashin vẫn chưa có. Người nói là 86.000 tỉ, lại có tin là 96.000 tỉ, rồi lại một con số khác: 120.000 tỉ!

Đó là mới nói về công nợ. Về tài sản còn phức tạp hơn nhiều. Với một tập đoàn có tới hơn 200 công ty con cháu (có thông tin nói là tới 435 công ty), liệu Vinashin có nắm và quản lý được hết tài sản hay không, cả về số lượng và chất lượng, cả về giá trị gốc và giá trị thực tế? Tính phức tạp còn tăng lên nhiều lần do các đơn vị trong tập đoàn thuộc sở hữu công, tư khác nhau, có quan hệ chồng chéo, đan xen với nhau trong các mối quan hệ lợi ích rất khác nhau. Xác định đúng tổn thất do lịch sử để lại đã khó làm và khó tin. Người ta còn lo những tổn thất mới phát sinh đi theo quá trình tái cơ cấu này.

 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Vụ nổ pháo hoa ngày 6/10: Interserco được giao việc quá sức mình
  • Vasep tính kiện cơ quan cấp phép nhập khẩu hóa chất cấm
  • Cù Huy Hà Vũ và những vụ kiện “có một không hai”
  • Con trai nhà thơ Huy Cận bị khởi tố vì tội chống phá Nhà nước
  • Nhiều sai phạm trong sản xuất thuốc
  • Bắt quả tang một DN nước ngoài xả nước bẩn ra sông
  • Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh án chung thân, điều tra tiếp vụ nhận 2 triệu USD
  • Vẫn đang giải trình vụ khiếu nại Megastar
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%