Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kết thúc phiên tòa xét xử vụ "Điện kế điện tử" Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Lê Minh Hoàng lãnh 4 năm tù

Sáng 5-6, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “điện kế điện tử” (ĐKĐT) đã kết thúc. Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu – chủ tọa phiên tòa và thẩm phán Nguyễn Xuân Minh thay phiên nhau tuyên đọc bản án.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty Điện lực TPHCM đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm như: làm trái với những đề xuất đấu thầu mua ĐKĐT của mình đã được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phê duyệt, tự ý hạ gói thầu từ 40.000 chiếc ĐKĐT xuống còn 10.000 chiếc ĐKĐT, nâng đơn giá mua ĐKĐT từ 340.000 đồng/chiếc lên 580.000 đồng/chiếc; mặc dù hồ sơ dự thầu của Công ty Linkton – Singapore thiếu các điều kiện bắt buộc (giấy phép kinh doanh không có ngành nghề sản xuất ĐKĐT, không đủ tài liệu chứng minh năng lực tài chính, nhà thầu có quốc tịch nước ngoài nhưng lại chào giá đến kho…) nhưng các bị cáo không loại nhà thầu này ngay từ bước đánh giá sơ bộ mà lại xét cho trúng thầu; ký 13 hợp đồng mua trực tiếp 302.000 chiếc ĐKĐT của Công ty Linkton – Singapore không qua đấu thầu, không đánh giá năng lực của nhà thầu, nhiều hợp đồng thiếu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn cho qua, ĐKĐT xuất xứ từ Singapore nhưng lại chấp nhận thanh toán bằng hóa đơn GTGT do Công ty Linkton – Vina phát hành…
 

Các bị cáo tại phiên tòa


Từ đó cho thấy, các bị cáo phạm tội do cố ý chứ không phải do vô ý hoặc là không phạm tội như lời bào chữa của các luật sư. Hành vi của các bị cáo đã tạo điều kiện cho nhà thầu Linkton – Singapore bán ĐKĐT giả cho Công ty Điện lực TPHCM, phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
 

Trong các bị cáo thuộc nhóm tội này, bị cáo Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc) với cương vị là người đứng đầu Công ty Điện lực TPHCM, được tổng công ty giao thực hiện kế hoạch đấu thầu đã được duyệt, là người quyết định mọi vấn đề liên quan đến quá trình tổ chức đấu thầu, mua 312.000 ĐKĐT nhưng vẫn cố tình sai phạm nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính.
 

Điện kế điện tử giả nhãn mác xuất xứ - vật chứng của vụ án

Bị cáo Lê Văn Hoành (nguyên Phó Giám đốc) với tư cách là tổ trưởng tổ chuyên gia xét thầu đã có nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ mời thầu, ký báo cáo đề nghị bị cáo Hoàng phê duyệt nhà thầu Linkton – Singapore trúng thầu dù hồ sơ dự thầu của nhà thầu này không đáp ứng yêu cầu; đồng thời không thực hiện quy định kiểm định đúng thủ tục pháp lý khi cho phép sử dụng ĐKĐT nên cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm tích cực.
 

5 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina đã phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự khi đã tham gia mua linh kiện từ Trung Quốc, sau đó tổ chức sản xuất, lắp ráp 312.000 chiếc ĐKĐT tại 43 E F Hồ Văn Huê quận Phú Nhuận nhưng lại dán nhãn mác Linkton – Singapore để giao cho Công ty Điện lực TPHCM.
 

Mặc dù tại phiên tòa, bị cáo Trần Công Điền đưa ra Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ và các giấy tờ khác với nội dung Công ty Linkton – Singapore đã chuyển giao công nghệ cho Công ty Linkton – Vina nhưng theo hội đồng xét xử, những giấy tờ này không có giá trị chứng minh tính hợp pháp của 312.000 chiếc ĐKĐT.
 

Bởi lẽ, dù công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài nhưng khi sản xuất hàng hóa tại Việt Nam thì trên sản phẩm vẫn phải ghi rõ điều này và ghi tên công ty sản xuất ra hàng hóa. Mặt khác, những giấy tờ trên được cấp sau khi Linkton – Singapore trúng thầu bán ĐKĐT cho Công ty Điện lực TPHCM. Vì thế, lời bào chữa của các luật sư rằng toàn bộ 312.000 ĐKĐT là hàng thật là không thể chấp nhận được.
 

Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại cho xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước và người dân, gây thiệt hại cho uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.
 

Do vậy, cần phải tuyên cho các bị cáo mức án nghiêm khắc mới tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khi lượng hình cũng xem xét các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: các bị cáo tuy không nhận tội nhưng có khai báo về hành vi phạm tội của mình, phần nào thể hiện sự ăn năn hối lỗi; phạm tội lần đầu; có nhiều cống hiến cho Nhà nước và ngành điện lực, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen; Công ty Linkton – Singapore đã nộp hơn 8,1 tỷ đồng nhằm đảm bảo chịu toàn bộ chi phí khắc phục lỗi và hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa 312.000 chiếc ĐKĐT vào sử dụng lại.
 

Từ nhận định trên, hội đồng xét xử tuyên phạt mức án cụ thể đối với từng bị cáo như sau:

 

- Nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Điện lực TPHCM, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”: Lê Minh Hoàng 4 năm tù giam, Lê Văn Hoành 4 năm 6 tháng tù giam, Phạm Kim Hưng (nguyên Trưởng Phòng Tài chính Kế toán) 3 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Ngọc Hồ (nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh) 3 năm 6 tháng tù giam, Lê Ngô Hữu Thiện Tâm (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu) 3 năm 6 tháng tù giam, Lê Văn Tinh (nguyên Trưởng Phòng Vật tư) 3 năm 6 tháng tù giam, Thái Minh Dương (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Huỳnh Ngọc Thành (nguyên Phó phòng kinh doanh) 1 năm 5 tháng 21 ngày tù, Thiều Túc (nguyên Phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện) 1 năm 4 tháng 17 ngày tù, Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật) 1 năm 1 tháng 8 ngày tù, Võ Thành Long (nguyên Quản đốc phân xưởng điện kế - Trung tâm thí nghiệm điện) 1 năm 22 ngày tù, Nguyễn Trung Thảo (nguyên Phó phòng tài chính kế toán) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo Thành, Hiệp, Túc, Long đã chấp hành xong hình phạt tù nên được tuyên trả tự do tại tòa.
 

- Nhóm bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina, phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”: Trần Thị Liên (Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị) 3 năm 6 tháng tù và nộp phạt 50 triệu đồng, Trần Công Điền (Phó Tổng giám đốc) 3 năm 6 tháng tù và nộp phạt 50 triệu đồng; Nguyễn Trọng Hiếu (Trưởng Phòng Kinh doanh), Đặng Thị Kim Liên (Kế toán trưởng), Phan Hữu Quang (Quản đốc phân xưởng sản xuất, lắp táp ĐKĐT) mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

(Theo SGGP)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Ngày thứ ba xét xử vụ “điện kế điện tử”: Kêu oan và đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan
  • Xét xử vụ án “điện kế điện tử”: Thiệt hại đã giảm rất nhiều
  • Ngày thứ năm xét xử vụ “điện kế điện tử” : Đại diện Công ty Điện lực TPHCM xin vận dụng tình tiết giảm nhẹ
  • Ngày thứ tư xét xử vụ “điện kế điện tử”: Khai báo lòng vòng để né trách nhiệm
  • Ngày thứ mười xét xử vụ "điện kế điện tử": Tiếp tục phần bào chữa của các luật sư
  • Ngày thứ chín phiên tòa xét xử vụ “điện kế điện tử”: Nguyên GĐ Công ty Điện lực TPHCM bị đề nghị 5 - 6 năm tù
  • Vụ điện kế điện tử giả tại TP Hồ Chí Minh: Mức án cao nhất chỉ 7 năm tù
  • Phiên tòa điện kế điện tử "nóng" trong phần bào chữa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%